Hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động phòng không nhân dân

28/12/2023
Hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động phòng không nhân dân
Chiều 28/12, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thẩm định Dự án Luật Phòng không nhân dân. Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh chủ trì phiên họp.
Tham dự phiên họp, về phía Bộ Quốc phòng có Thiếu tường Bùi Đức Hiền, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân; Thiếu tướng Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Phòng không lục quân; Đại tá Nguyễn Đức Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế.
Hướng tới mục tiêu xây dựng nền quốc phòng toàn dân
Phát biểu tại phiên họp, Thiếu tướng Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Phòng không lục quân, Bộ Quốc phòng nhấn mạnh, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, phòng không nhân dân (PKND) là một nội dung quan trọng của công tác quốc phòng, quân sự. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, lực lượng PKND đã từng bước được củng cố về tổ chức, biên chế, vũ khí, trang bị kỹ thuật của bộ đội địa phương, dân quân tự vệ; lực lượng nòng cốt PKND thường xuyên duy trì nền nếp huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng thế trận phòng không liên hoàn, rộng khắp, vững chắc, có chiều sâu, bảo vệ vững chắc vùng trời của Tổ quốc.
 

Thiếu tướng Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Phòng không lục quân (trái) báo cáo tóm tắt kết quả xây dựng dự án Luật Phòng không nhân dân.

Đồng chí cũng khẳng định, việc xây dựng Dự án Luật PKND là cần thiết nhằm cụ thể hoá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, quy định của Hiến pháp về bảo vệ Tổ quốc, quân sự, quốc phòng; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận PKND trên từng hướng, từng khu vực phòng thủ; xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững chắc trong tình hình mới. Trong đó có vai trò quan trọng của lực lượng PKND nhằm phòng ngừa, xử lý có hiệu quả các tình huống về quốc phòng, an ninh trên không, nhất là quản lý các hoạt động liên quan đến tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không; chủ động bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Đồng thời giải quyết những vấn đề mới, yêu cầu thực tiễn đặt ra và từ các cuộc chiến tranh, xung đột vũ trang trên thế giới gần đây; bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp; hoàn thiện cơ sở pháp lý để hoạt động PKND thực hiện hiệu lực, hiệu quả.
Cần tiếp tục hoàn thiện dự thảo Tờ trình 
Một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến tại cuộc họp đó là quy định về khai thác, sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ. Hiện dự thảo Luật đang xây dựng theo hướng Bộ Quốc phòng cấp phép cho chuyến bay của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ; Bộ Công an cấp phép cho chuyến bay của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ của Bộ Công an. Trường hợp cấp phép bay cho hoạt động bay trong khu vực cấm bay, hạn chế bay tại cảng hàng không, sân bay và các khu vực khác có ảnh hưởng đến hoạt động bay của tàu bay hàng không dân dụng, quân sự phải được sự thống nhất của Bộ Giao thông vận tải và Bộ Quốc phòng. Đối với việc phân cấp thẩm quyền cấp phép bay cho các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng sẽ giao Chính phủ hoặc Bộ Quốc phòng quy định chi tiết để đảm bảo tính linh hoạt, chặt chẽ, sát thực tiễn.
 

Đại diện vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ.


Đại diện Vụ Quốc phòng và An ninh, Văn phòng Quốc hội.


Đại diện Bộ Công an.

Đối với quản lý các hoạt động liên quan đến tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ, các đại biểu quan tâm đến một số vấn đề như: quy định tại Luật hoặc văn bản dưới Luật danh mục chi tiết tên hàng kèm mã số, điều kiện, thủ tục nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất  các phương tiện này; thẩm quyền cấp phép; thẩm quyền của lực lượng công an, lực lượng an ninh hàng không; trình tự, thủ tục đình chỉ chuyến bay, tạm giữ, bắt giữ, chế áp tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ…
Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đánh giá cao các ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định và sự chuẩn bị hồ sơ kỹ lưỡng của cơ quan chủ trì soạn thảo. Tuy nhiên, Thứ trưởng cho biết, việc dẫn chiếu các văn bản của Đảng và Nhà nước tại Tờ trình khá nhiều nhưng chưa gắn với sự cần thiết của việc xây dựng Luật PKND; vì vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát thêm các chủ trương, chính sách của Đảng có liên quan để làm nổi bật nội dung này.
 

Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh phát biểu kết luận phiên họp.

Bên cạnh đó, một số cơ sở pháp lý nêu tại Tờ trình đã được ban hành từ lâu và đến nay, các văn bản pháp luật có liên quan (như pháp luật về quốc phòng, dân quân tự vệ, lực lượng dự bị động viên, hàng không dân dụng, đầu tư, thương mại…) đã có nhiều thay đổi. Do đó, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, chọn lọc để kế thừa những quy định còn phù hợp, phân tích, đánh giá các vướng mắc trong pháp luật hiện hành; đồng thời nghiên cứu xây dựng, bổ sung các quy định mới trong dự thảo Luật nhằm đáp ứng yêu cầu công tác PKND nói chung, công tác quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ nói riêng trong tình hình mới.
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng cho ý kiến cụ thể về nội dung dự thảo Luật như: cần làm rõ mối quan hệ giữa lực lượng phòng không lục quân với lực lượng PKND và sự phân định nhiệm vụ của các lực lượng này; thẩm quyền huy động lực lượng PKND; cơ quan chỉ đạo công tác PKND; hệ thống chỉ huy PKND….
 
Dự án Luật PKND gồm 8 Chương, 55 Điều. Nội dung bám sát 5 chính sách đã được Chính phủ, Quốc hội thông qua bao gồm: Xây dựng lực lượng PKND; Huy động, hoạt động lực lượng PKND; Quy định quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ; Quy định các biện pháp bảo đảm an toàn phòng không; Nguồn lực, chính sách đối với PKND.
Anh Thư - Trung tâm Thông tin