Tăng cường vai trò của các tổ chức pháp chế tại Ủy ban QLVNN tại doanh nghiệp trong việc tham mưu, tư vấn các vấn đề pháp lý

26/12/2023
Tăng cường vai trò của các tổ chức pháp chế tại Ủy ban QLVNN tại doanh nghiệp trong việc tham mưu, tư vấn các vấn đề pháp lý
Sáng ngày 25/12/2023, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đã tham dự và phát biểu tại Hội nghị công tác pháp chế và tập huấn, phổ biến pháp luật năm 2023 của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (QLVNN).
Ông Nguyễn Cảnh Toàn, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có Lãnh đạo Vụ Pháp chế, Kiểm soát nội bộ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp; đại diện các đơn vị thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các tổ chức pháp chế, người làm công tác pháp chế tại 19 Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước do Ủy ban là đại diện chủ sở hữu.
Hội nghị đã nghe bà Vũ Thị Nhung, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Kiểm soát nội bộ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả công tác pháp chế năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác pháp chế năm 2024 của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Báo cáo khẳng định vai trò, vị trí của tổ chức pháp chế tại Ủy ban và 19 doanh nghiệp đang ngày được nâng lên thông qua việc tham mưu cho lãnh đạo các vấn đề pháp lý có liên quan, góp phần không nhỏ vào việc giúp hoàn thành các nhiệm vụ chính trị quan trọng của Ủy ban và doanh nghiệp. Cụ thể, năm 2023 đã tham mưu cho lãnh đạo Ủy ban trong việc: kịp thời chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn triển khai công tác pháp chế trong các đơn vị và doanh nghiệp; tham gia góp ý một số lượng lớn dự thảo văn bản pháp luật của Trung ương (từ 2021 - 2023, đã góp ý 29 văn bản liên quan đến các Luật, 01 dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, 66 văn bản liên quan đến các Nghị định, 64 văn bản liên quan đến các Thông tư, 11 Đề án, 30 Báo cáo...); xây dựng, ban hành các quy định nội bộ tại các doanh nghiệp (đến nay đã ban hành hơn 50 quy trình, quy chế, quy định nội bộ); công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được triển khai thường xuyên, rộng khắp, đa dạng và hiệu quả; công tác bồi thường được triển khai theo quy định; việc củng cố và kiện toàn tổ chức pháp chế được quan tâm... Từ đó, Báo cáo chỉ ra các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp thúc đẩy công tác pháp chế trong năm 2024. Tiếp đó, bà Đỗ Thị Thanh Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp đã giới thiệu một số nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, trong đó có một số nội dung liên quan trực tiếp đến tổ chức pháp chế tại doanh nghiệp nhà nước (chức năng, nhiệm vụ của tổ chức pháp chế; thành lập tổ chức pháp chế; tiêu chuẩn, trình độ, chế độ cho người làm công tác pháp chế…).
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đánh giá cao việc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức Hội nghị quy mô, bài bản, là dịp quan trọng để nhìn nhận, đánh giá kết quả hoạt động năm nay, xác định phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp khắc phục các khó khăn, nâng cao hiệu quả hoạt động cho năm công tác mới. Ông ghi nhận và biểu dương các kết quả ấn tượng mà Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, 19 tập đoàn, tổng công ty với 871 doanh nghiệp trực thuộc và đơn vị sự nghiệp đã đạt được trong năm 2023, đáng chú ý là trong bối cảnh đầy khó khăn, thách thức của tình hình trong nước và quốc tế, các tập đoàn, tổng công ty vẫn đạt nhiều chỉ tiêu trong sản xuất, kinh doanh, doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty tăng 105% so với kế hoạch đề ra... Những con số trên thể hiện vai trò của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong việc bảo đảm doanh nghiệp nhà nước vẫn giữ vững cán cân thanh toán lớn của nền kinh tế, góp phần thực hiện chủ trương, đường lối phát triển kinh tế do Đảng và Nhà nước đề ra, phát triển  kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát cũng như có tính chất dẫn dắt đối với nền kinh tế đất nước...
Làm nên những thành công đó, có sự đóng góp quan trọng của Vụ Pháp chế, Kiểm soát nội bộ thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; tổ chức pháp chế, người làm công tác pháp chế tại 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước do Ủy ban là đại diện chủ sở hữu. Năm 2023, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã triển khai cơ bản, toàn diện các nhiệm vụ công tác; tổ chức pháp chế đã tham mưu có hiệu quả cho lãnh đạo Ủy ban, người quản lý các tập đoàn, tổng công ty đạt được nhiều kết quả nổi bật: (i) Tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trình Bộ Chính trị phương án xử lý một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành Công Thương; (ii) Tham mưu cho Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo các doanh nghiệp do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu xây dựng, hoàn thiện Đề án cơ cấu lại giai đoạn đến 2025 trình Ủy ban hoặc cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; (iii) Tham mưu có chất lượng trong việc tham gia giải quyết các tranh chấp với các đối tác, nhà thầu ở trong nước và quốc tế; (iv) Tham mưu việc xây dựng và triển khai các quy trình, quy chế, quy định nội bộ, làm nền tảng cho các lĩnh vực tổ chức và hoạt động của 19 tập đoàn, tổng công ty; (v) Nhiều cán bộ pháp chế tham gia tích cực vào các Hội đồng thẩm định văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); các hội nghị đóng góp ý kiến cho các dự án, dự thảo VBQPPL...; (vi) Tham mưu chỉ đạo, triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và 19 tập đoàn, tổng công ty dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin...
Thứ trưởng nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập kinh tế, quốc tế ngày càng sâu, rộng, có rất nhiều khó khăn, thách thức từ trong nước và quốc tế; nhằm triển khai Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 Hội nghị lần thứ Năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, chỉ đạo, cụ thể và quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ về công tác pháp luật, pháp chế, lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cần quan tâm chỉ đạo tập trung làm thật tốt một số nhiệm vụ sau: Một là, về các nội dung tham mưu, tư vấn các vấn đề về pháp lý, đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp quan tâm chỉ đạo tổ chức pháp chế trong việc tham mưu phương án xử lý các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả, kịp thời phát hiện các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, dự đoán, cảnh báo các vấn đề pháp lý phức tạp, có khả năng sinh ra kiện tụng, tranh chấp trong nước và quốc tế; Hai là, về công tác xây dựng VBQPPL, quan tâm về việc thể chế hóa các quy phạm pháp luật, nhất là các văn bản hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 12-NQ/TW, các nội dung liên quan đến tổ chức, hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước...; Ba là, tham mưu xây dựng, hoàn thiện điều lệ; các nội quy, quy chế, quy định quản lý nội bộ; các quy trình giải quyết công việc; Bốn là, Bộ Tư pháp mong muốn có sự tham gia, phối hợp chặt chẽ, đầy đủ, kịp thời của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp với cơ quan chủ trì, cơ quan đại diện pháp lý cho Chính phủ để để bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của Chính phủ Việt Nam, cơ quan nhà nước Việt Nam; Năm là, quan tâm xây dựng, tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ pháp chế; đồng thời dành nguồn lực thỏa đáng cho công tác pháp chế; quan tâm chế độ, chính sách khen thưởng, tạo cơ hội phát triển cho các cán bộ pháp chế có năng lực...
Phát biểu đáp từ Thứ trưởng Trần Tiến Dũng, Ông Nguyễn Cảnh Toàn, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cảm ơn sự quan tâm của Thứ trưởng Trần Tiến Dũng và lãnh đạo Bộ Tư pháp tới công tác pháp chế của Ủy ban, tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của đội ngũ những người làm công tác pháp chế tại Ủy ban và các tập đoàn, tổng công ty trong việc tham mưu cho lãnh đạo các nội dung pháp lý có liên quan, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị của Ủy ban được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Ông cũng chia sẻ các khó khăn của pháp chế trong điều kiện hiện nay tại Ủy ban và các tập đoàn, tổng công ty. Đồng chí trân trọng các ý kiến phát biểu của Thứ trưởng Bộ Tư pháp, đồng thời báo cáo thêm một số thông tin và khẳng định Ủy ban rất quan tâm tới việc chỉ đạo triển khai Nghị quyết số 12-NQ/TW cũng như quan tâm, tạo điều kiện cho tổ chức, người làm công tác pháp chế. Đồng thời, ông cũng đề xuất Bộ Tư pháp tiếp tục quan tâm phối hợp với các bộ, ngành và Ủy ban trong việc triển khai các nội dung có liên quan…
Ghi nhận và biểu dương những kết quả đạt được từ năm 2018 - 2023, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã trao tặng Bằng khen cho Tập thể Vụ Pháp chế, Kiểm soát nội bộ, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp./.
Vụ VĐCXDPL, Bộ Tư pháp