Tổng kết 15 năm thi hành Luật Luật sư

26/12/2023
Tổng kết 15 năm thi hành Luật Luật sư
Sau 15 năm triển khai và thi hành Luật Luật sư, ngày 26/12/2023, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị Tổng kết thi hành Luật Luật sư với sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi. Cùng điều hành Hội nghị có Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp Lê Xuân Hồng và Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh.
Tham dự Hội nghị còn có đại diện Ban Nội chính Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an,  đại diện tổ chức hành nghề luật sư, Đoàn Luật sư, cơ quan tư pháp và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Nhiều chuyển biến tích cực trong triển khai, thi hành Luật Luật sư
Báo cáo Tổng kết thi hành 15 năm thi hành Luật Luật sư, Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp Lê Xuân Hồng cho biết, nhận thức của các cơ quan, tổ chức, ban ngành ở Trung ương, cấp ủy đảng, chính quyền ở địa phương và xã hội về vị trí, vai trò của luật sư và tổ chức hành nghề luật sư đã có nhiều chuyển biến tích cực, từ đó tạo nền tảng thúc đẩy hoạt động luật sư phát triển, đồng thời đã xây dựng, phát triển đội ngũ luật sư từng bước đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, hội nhập quốc tế, nâng cao trách nhiệm của luật sư đối với xã hội, trên cơ sở pháp luật và đạo đức nghề nghiệp.
Số lượng luật sư đã tăng nhanh, dịch vụ pháp lý mà luật sư cung cấp ngày càng đa dạng, phong phú, chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng lên. Nhiều tổ chức hành nghề luật sư đã vươn ra khu vực để chiếm lĩnh thị phần liên quan đến hoạt động đầu tư, thương mại quốc tế phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp.
 

Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp Lê Xuân Hồng báo cáo tại Hội nghị
 
Theo số liệu báo cáo tổng kết của 63 địa phương và Liên Đoàn Luật sư Việt Nam, số lượng luật sư hành nghề thực tế đã tăng từ 4.161 luật sư, 1.323 tổ chức hành nghề luật sư (năm 2007) lên 17.284 luật sư, 5.429 tổ chức hành nghề luật sư (tính đến ngày 31/12/2022). Chất lượng tham gia tố tụng của luật sư cũng có tiến bộ rõ rệt, nhiều ý kiến tranh luận của luật sư đã được Hội đồng xét xử ghi nhận, góp phần đáng kể vào việc giảm thiểu oan sai trong hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, nâng cao hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử.
Luật Luật sư đã tạo cơ sở pháp lý cho việc nâng cao vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp luật sư, nhất là sau khi Liên Đoàn Luật sư Việt Nam được thành lập. Thời gian qua, tổ chức xã hội - nghề nghiệp luật sư về cơ bản đã chủ động thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, trong đó quan tâm đến việc đại diện, bảo vệ quyền lợi của luật sư, xử lý kỷ luật luật sư và người tập sự hành nghề luật sư, tham gia ý kiến xây dựng pháp luật, quan tâm hơn đến việc bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho luật sư, thực hiện trợ giúp pháp lý, mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều nước trên thế giới.
Công tác quản lý luật sư và hành nghề luật sư đã đạt được những kết quả nhất định. Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương đã tập trung vào việc xây dựng và hoạch định chính sách phát triển nghề luật sư, hoàn thiện thể chế, đào tạo nghề luật sư và tranh thủ các nguồn lực nhằm hỗ trợ phát triển nghề luật sư. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã quan tâm đến nhiệm vụ quản lý, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư tại địa phương. Sự phối hợp giữa quản lý nhà nước với tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư đã được thực hiện trong một số hoạt động cụ thể.
Bên cạnh kết quả đạt được, báo cáo cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như: Tỷ lệ luật sư hiện có so với dân số Việt Nam còn thấp, sự phân bổ luật sư không đồng đều, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn; vẫn còn tình trạng luật sư vi phạm pháp luật, tiêu cực trong hành nghề; chất lượng tham gia tố tụng của một bộ phận luật sư chưa đáp ứng được yêu cầu tranh tụng tại phiên toà theo tinh thần cải cách tư pháp… Đặc biệt, Luật Luật sư cũng đã dần bộc lộ những hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nghề luật sư, dịch vụ pháp lý trong điều kiện hội nhập quốc tế và yêu cầu quản lý nhà nước, tự quản của hiệp hồi nghề nghiệp trong tình hình mới.
 

Luật sư Nguyễn Hải Nam, Phó Chủ nhiệm Liên đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội nghị
 
Tại Hội nghị, luật sư Nguyễn Hải Nam, Phó Chủ nhiệm Liên đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, số lượng luật sư trên toàn quốc có sự phát triển vượt bậc, mỗi năm trung bình có hơn 1.000 luật sư mới. Theo luật sư Nguyễn Hải Nam, thời gian vừa qua, nghề luật sư đối diện với những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình hành nghề thực tiễn. So với các quốc gia phát triển trên thế giới, nghề luật sư ở Việt Nam còn có khoảng cách khá lớn so với họ. Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đặt ra nhiệm vụ hoàn thiện thể chế luật sư và hành nghề luật sư. Vì thế, luật sư Nguyễn Hải Nam đề nghị trong quá trình sửa đổi Luật Luật sư cần phải sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến hành nghề luật sư, việc sửa đổi phải phát sinh từ thực tiễn và chỉ ra được những vấn đề then chốt.
Luật sư Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong phần phát biểu góp ý của mình đã đề nghị Luật Luật sư nên có hướng sửa đổi trong tổng thể mối liên thông với sửa đổi các Bộ luật tố tụng, gắn với mô hình tố tụng lịch sử Việt Nam, đặc biệt xác định địa vị pháp lý của luật sư trong xã hội và trong tố tụng để bảo đảm nâng cao vai trò luật sư, đóng góp cho mục tiêu bảo vệ công lý cũng như bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của chủ thể trong xã hội.
Đóng góp ý kiến tại Hội nghị, luật sư Huỳnh Tho, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Lâm Đồng đề nghị Luật Luật sư cần có quy định chặt chẽ về thời gian cấp chứng chỉ hành nghề luật sư, bởi thực tế hiện nay có rất nhiều luật sư chỉ đăng ký nhưng không hành nghề luật sư, những trường hợp này cần phải có quy định về việc thu hồi giấy phép hành nghề luật sư.
 

Luật sư Huỳnh Tho, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Lâm Đồng đề nghị Luật Luật sư cần có quy định chặt chẽ về thời gian cấp chứng chỉ hành nghề luật sư
 
Ngoài ra, Hội nghị cũng nhận được nhiều ý kiến góp ý của các luật sư về quy định đào tạo nghề luật sư, tập sự hành nghề luật sư, kiểm tra kết quả tập sự hành nghề. Nhiều luật sư đề nghị người tập sự hành nghề luật sư nên được tham gia tố tụng tại các phiên tòa sơ thẩm cấp quận huyện dưới sự giám sát và bảo đảm về chất lượng của Luật sư hướng dẫn, nhằm giúp họ có cơ hội cọ xát nghề nghiệp trước khi trở thành luật sư thực thụ.

Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và trách nhiệm tự quản
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi khẳng định thời gian qua, Bộ Tư pháp luôn đồng hành cùng Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các đoàn Luật sư địa phương và đạt nhiều kết quả tích cực trong các mặt: tham gia đóng góp ý kiến cho quá trình xây dựng chính sách pháp luật nói chung, pháp luật liên quan đến hoạt động tố tụng, hoạt động luật sư nói riêng; thực hiện thành công việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo và các đơn vị trực thuộc của Liên đoàn; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo ở trung ương và địa phương được chú trọng thực hiện; kịp thời giải quyết các sai sót, vi phạm đạo đức nghề nghiệp của một số luật sư, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; quan tâm bồi dưỡng nghiệp vụ cho luật sư; chú trọng hợp tác quốc tế, trợ giúp pháp lý trong hoạt động luật sư…
 

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi phát biểu kết luận tại Hội nghị
 
Với vai trò cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành đã quan tâm phối hợp, hướng dẫn, chỉ đạo, tạo điều kiện trong công tác quản lý nhà nước cũng như phát huy vai trò tự quản của luật sư bằng việc đẩy mạnh hoàn thiện thể chế; tăng cường phối hợp; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động luật sư thông qua việc phối hợp Ban Nội chính Trung ương và các ngành liên quan để kiểm tra, khảo sát triển khai Chỉ thị 33, Kết luận số 69 tại các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương; phối hợp tạo điều kiện cho Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong triển khai các nhiệm vụ; hỗ trợ các đoàn luật sư địa phương. Song, bên cạnh đó vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong hoạt động quản lý nhà nước, hoạt động tự quản và trách nhiệm của mỗi luật sư.
Ghi nhận những đóng góp quan trọng tại Hội nghị, Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu, tiếp thu các kiến nghị, làm cơ sở tiếp tục hoàn thiện các tài liệu đề xuất sửa đổi bổ sung Luật Luật sư và nghiên cứu giải pháp quản lý hiệu quả hơn, kiến nghị cấp có thẩm quyền trong thi hành Luật Luật sư trong thời gian tới.
“Mục tiêu chúng ta hướng đến đó là tiếp tục hoàn thiện thể chế về Luật sư và hành nghề Luật sư, bảo đảm để Luật sư thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội – nghề nghiệp đối với Luật sư, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động hành nghề Luật sư. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng và phát triển đội ngũ Luật sư có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, am hiểu pháp luật, giỏi về kỹ năng hành nghề và ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Đây là mục tiêu và yêu cầu đã được đề ra tại Nghị quyết số 27 đối với hoạt động luật sư”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
 

 
Tại Hội nghị, Ban tổ chức đã công bố Quyết định khen thưởng và trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho 17 tập thể và 57 cá nhân có thành tích xuất sắc trong 15 năm triển khai thi hành Luật Luật sư./.

Một số hình ảnh tại Hội nghị:





Thu Nga