Chiều 26/12, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thẩm định đề nghị xây dựng Luật Phòng bệnh. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh và Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đồng chủ trì phiên họp.
Đạt nhiều thành tựu quan trọng về các mặt chăm sóc sức khỏe
Phát biểu tại phiên họp, đại diện Bộ Y tế cho biết, trong 15 năm qua, Việt Nam đã đạt được thành tựu quan trọng về chăm sóc sức khỏe. Cụ thể, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng từ 73,3 tuổi lên 73,7 tuổi (giảm nhẹ xuống còn 73,6 tuổi trong năm 2021 do ảnh hưởng của dịch COVID-19); các chỉ số về chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em ngày càng được cải thiện; tỷ suất tử vong trẻ dưới 1 tuổi cũng như tỷ suất tử vong trẻ dưới 5 tuổi đã giảm và đã đạt được mục tiêu Phát triển Thiên niên Kỷ và đúng tiến độ trong thực hiện các mục tiêu đặt ra trong Mục tiêu Phát triển Bền vững. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể thấp còi cũng giảm tương ứng từ 33,9% năm 2007 xuống còn 18,9% năm 2022.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu tại phiên họp.
Bên cạnh đó, chương trình tiêm chủng mở rộng là một thành công của mạng lưới y tế cơ sở. Việt Nam được quốc tế đánh giá là một trong số ít quốc gia có mạng lưới y tế hoàn chỉnh, tổ chức rộng khắp tới tận thôn, bản và đang là mô hình mà nhiều nước trên thế giới quan tâm, học hỏi, làm theo.
Đại diện Bộ Y tế trình bày tóm tắt nội dung tờ trình.
Tuy nhiên, công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân cũng còn nhiều tồn tại, bất cập; một trong số đó là chất lượng sống của người dân còn hạn chế do bệnh tật. Bên cạnh đó, qua tổng kết 15 năm thi hành Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm cho thấy, công tác kiểm soát bệnh truyền nhiễm còn một số vướng mắc như: một số quy định về phòng, chống bệnh truyền nhiễm không còn phù hợp với thực tiễn; cơ chế phân cấp, phân quyền trong công bố dịch chưa đảm bảo tính linh hoạt; quy định về điều kiện công bố hết dịch chưa bảo đảm tính khả thi;…
Để khắc phục các tồn tại, bất cập nêu trên cũng như thể chế hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, nhiệm vụ của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, việc xây dựng một đạo luật mới với phạm vi điều chỉnh gồm các quy định về phòng, chống bệnh truyền nhiễm; phòng, chống bệnh không lây nhiễm; dinh dưỡng trong phòng bệnh; phòng, chống các rối loạn sức khỏe tâm thần; quản lý sức khỏe người dân nhằm giải quyết các khoảng trống về pháp luật, các hoạt động liên quan đến dự phòng và nâng cao sức khỏe đồng thời thay thế Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm là hoàn toàn phù hợp, không gây chồng chéo trong hệ thống pháp luật và hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Cần rà soát các quy định pháp luật và các điều ước quốc tế có liên quan
Phát biểu tại phiên họp, đại diện Bộ Công an cho biết, tại giải pháp 1, chính sách 5 “Quản lý sức khỏe đối với người dân” có nội dung dự kiến xây dựng quy định “việc lập hồ sơ sức khỏe cho người dân sinh trước ngày Luật có hiệu lực thì thực hiện việc cập nhật thông tin về tình trạng sức khỏe của công dân đó sau mỗi lần khám bệnh hoặc khám sức khỏe”. Tuy nhiên, theo đồng chí, nếu chọn giải pháp này thì việc quản lý sức khỏe của cơ quan chức năng hoàn toàn thụ động, phụ thuộc vào việc người dân đi khám bệnh, khám sức khỏe. Do vậy, đồng chí đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc điều chỉnh nội dung này để đảm bảo đạt được mục tiêu “quản lý sức khỏe cho tất cả người dân” như đã đề ra.
Đại diện Bộ Công an.
Bên cạnh đó, chính sách thứ 5 tại dự thảo Báo cáo đánh giá tác động chính sách về quản lý sức khỏe đối với người dân có quy định giải pháp thực hiện chính sách là lập hồ sơ sức khỏe cho người dân và cập nhật các thông tin cơ bản về tình trạng sức khỏe vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tuy nhiên, cần bổ sung quy định việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa cơ sở dữ liệu chuyên ngành và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng, bảo vệ bí mật cá nhân, phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành.
Đại diện Bộ Ngoại giao.
Nhất trí với ý kiến của Bộ Công an, đại diện Bộ ngoại giao cho biết thêm, việc lập hồ sơ sức khỏe cho người dân được nêu tại Chính sách 5 của dự thảo Luật nêu trên có liên quan đến các quy định đã được nêu tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 về lập, quản lý và lưu trữ hồ sơ bệnh án. Để hạn chế sự chồng chéo, mâu thuẫn, đồng chí đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, rà soát, đánh giá nhằm bảo đảm sự phù hợp của đề nghị xây dựng Luật nêu trên với các quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Đại diện Bộ Nội vụ.
Còn đại diện Bộ Nội vụ đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo rõ hơn về nguồn lực, điều kiện bảo đảm thi hành Luật sau khi được thông qua để đảm bảo không làm tăng thêm đầu mối tổ chức và biên chế (người hưởng lương từ ngân sách nhà nước) theo đúng chỉ đạo tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả.
Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh cơ bản nhất trí với các chính sách được đề xuất; đồng thời đánh giá các chính sách đã thể chế hoá được chủ trương, đường lối của Đảng, trong đó có Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới. Tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo cần cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng, sâu sắc hơn các vấn đề bất cập thực tiễn, vướng mắc về pháp luật để thể hiện rõ sự cần thiết ban hành Luật; tập trung đánh giá về cơ sở chính trị, pháp lý, thực trạng quan hệ xã hội cũng như vướng mắc về hệ thống pháp luật khi triển khai thực hiện trên thực tiễn.
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh kết luận phiên họp.
Bên cạnh đó, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, Thứ trưởng đề nghị cơ quan lập đề nghị tiếp tục rà soát nội dung các chính sách với các quy định pháp luật có liên quan như Luật An toàn thực phẩm năm 2010; Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023; Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2012,...; đồng thời rà soát thêm với các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết như các quy định của WHO, Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị,...
Về dự thảo Báo cáo đánh giá tác động chính sách, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo thực hiện đánh giá theo đúng yêu cầu tại Điều 6 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ); trong đó làm rõ tác động của chính sách theo hướng phân tích, dự báo tác động đối với tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, các tác động đến kinh tế, xã hội, thủ tục hành chính...
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng cho ý kiến cụ thể về các chính sách được đề xuất như: cần cân nhắc về việc quy định bắt buộc phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế đối với người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có nguy cơ dịch; biện pháp tăng cường công tác dinh dưỡng trong hoạt động phòng bệnh và nâng cao sức khỏe; quy định về kiểm soát yếu tố nguy cơ, cung cấp các dịch vụ và quản lý chăm sóc người bệnh tại cộng đồng; giải trình thêm về Quỹ nâng cao sức khỏe cộng đồng;…
Bộ Y tế đề nghị xây dựng Luật Phòng bệnh tập trung vào 6 chính sách gồm: Nâng cao năng lực phòng, chống bệnh truyền nhiễm (1); tăng cường công tác dinh dưỡng trong hoạt động phòng bệnh và nâng cao sức khỏe (2); phòng, chống các rối loạn sức khỏe tâm thần (3); tăng cường công tác phòng, chống bệnh không lây nhiễm (4); đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh tật và nâng cao sức khỏe (quản lý sức khỏe người dân) (5); thiết lập Quỹ nâng cao sức khỏe cộng đồng (6). |
Anh Thư - Trung tâm Thông tin