Khởi động và điều phối Dự án "Hỗ trợ thi hành pháp luật về Hội nhập kinh tế"

14/06/2011
Khởi động và điều phối Dự án "Hỗ trợ thi hành pháp luật về Hội nhập kinh tế"
Thực hiện Kế hoạch hoạt động năm 2011 của Dự án "Hỗ trợ thi hành pháp luật về Hội nhập kinh tế" do Hoa Kỳ tài trợ và để chuẩn bị cho việc thực hiện Dự án có hiệu quả, sáng nay (14/6), Bộ Tư pháp Việt Nam đã phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Hội nghị khởi động và điều phối Dự án. Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Hoa kỳ tại Việt Nam Virginia Palmer và Giám đốc USAID Francis A. Donovan đã tới tham dự Hội nghị.

Mục đích của Hội nghị nhằm: Khởi động Dự án; Thông tin về Dự án tới các cơ quan có nhu cầu của Việt Nam và nhà tài trợ; Thảo luận về cơ chế phối hợp thực hiện Dự án; Thảo luận về kế hoạch hoạt động năm 2011 và định hướng cho các hoạt động dự kiến được thực hiện trong năm 2012.

Dự án "Hỗ trợ thi hành pháp luật về Hội nhập kinh tế" do Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ thông qua USAID có tổng ngân sách 11,7 triệu USD. Dự án được triển khai trong 3 năm (từ tháng 10/2010 tới tháng 9/2013) để hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành nhằm đáp ứng cam kết của Việt Nam đối với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các Hiệp định Thương mại và Đầu tư khác.

 

 

Mục tiêu dài hạn của Dự án là góp phần hỗ trợ Việt Nam tiếp tục hội nhập nền kinh tế toàn cầu và trở thành đối tác thương mại đáng tin cậy, từ đó mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp Việt Nam cũng như các đối tác thương mại. Mục tiêu cụ thể nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thi hành các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành nhằm thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam trong WTO, các hiệp định thương mại và đầu tư mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia; Đào tạo cán bộ, bao gồm cán bộ pháp luật, tăng cường các thiết chế và nâng cao năng lực của các cơ quan Chính phủ Việt Nam nhằm thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam trong WTO, các hiệp định thương mại và đầu tư mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia; Hỗ trợ Việt Nam tiếp tục hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, bao gồm việc chuẩn bị các điều kiện pháp lý cần thiết để tham gia vào các điều ước quốc tế đa phương.

Trong qúa trình hoạt động, Dự án sẽ phối hợp với chặt chẽ với 17 đối tác trong nước, bao gồm Quốc hội, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Văn phòng Chính phủ; Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư... Các hoạt động cụ thể của Dự án bao gồm hỗ trợ thực hiện pháp luật, đào tạo, xây dựng thiết chế, xây dựng năng lực cho các cơ quan Chính phủ, hỗ trợ Việt Nam hội nhập mạnh mẽ hơn nữa vào nền kinh tế toàn cầu, bao gồm việc chuẩn bị các nền tảng pháp lý cần thiết để tham gia các điều ước quốc tế đa phương.

 

 

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho rằng: "Chúng ta hy vọng Dự án sẽ tích cực đóng góp cho việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng minh bạch hơn, phù hợp hơn với các thông lệ quốc tế và của WTO, thiết lập môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh cho các nhà đầu tư trong tất cả các lĩnh vực để họ có thể cạnh tranh thành công và tận dụng các cơ hội từ tiến trình tự do hóa thương mại".

Bà Virginia Palmer, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam khẳng định: "Dự án thể hiện cam kết của Chính phủ Hoa Kỳ trong việc hỗ trợ Việt Nam cải thiện khung pháp lý và các điều kiện kinh tế cần thiết, góp phần thúc đẩy hơn nữa trao đổi thương mại và đầu tư giữa hai nước. Hiện nay, quan hệ thương mại giữa hai nước đã thực sự ấn tượng, thương mại song phương đã tăng 15 lần so với năm 2000".

 

 

Một trong những kết quả nổi bật của sự hỗ trợ của Chính phủ Hoa Kỳ từ năm 2001 là Dự án "Hỗ trợ thúc đẩy thương mại" (gọi tắt là USAID/STAR) nhằm cung cấp các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam trong lĩnh vực chính sách thương mại, xây dựng pháp luật, quản lý kinh tế, chính sách kinh tế vĩ mô. Sự hỗ trợ liên tục đó đã giúp Chính phủ Việt Nam tiến hành những thay đổi pháp lý cần thiết, hình thành nền kinh tế thị trường và đáp ứng tốt các cam kết thương mại đa phương và song phương.

H.M