Thực hiện Quy chế làm việc của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương (Hội đồng trung ương) và Kế hoạch hoạt động năm 2022 của Hội đồng trung ương, ngày 02/8/2022 tại trụ sở Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Hội đồng trung ương có buổi làm việc chuyên đề giữa cơ quan thường trực Hội đồng trung ương với Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH). Đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh - Phó Chủ tịch Hội đồng trung ương, Thứ trưởng Bộ Tư pháp và đồng chí Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL Bộ LĐTBXH đồng chủ trì. Cùng dự có một số thành viên Tổ Thư ký của Hội đồng trung ương, các thành viên của Hội đồng phối hợp PBGDPL Bộ LĐTBXH là đại diện Lãnh đạo cấp Vụ của các đơn vị: Cục Trẻ em, Vụ Bình đẳng giới, Vụ Bảo hiểm xã hội, Cục Quản lý lao động ngoài nước…
Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Bình Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐTBXH đã báo cáo kết quả hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL Bộ LĐTBXH và ủy viên Hội đồng trung ương trong năm 2021 và 7 tháng đầu năm 2022. Theo đó, công tác chỉ đạo, điều hành về PBGDPL của Bộ LĐTBXH bám sát quy định của Luật PBGDPL, Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư, Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch triển khai Kết luận số 80-KL/TW. Mặc dù Luật PBGDPL không quy định bắt buộc phải thành lập Hội đồng phối hợp PBGDPL, nhưng căn cứ vào yêu cầu thực tiễn, Bộ LĐTBXH đã thành lập Hội đồng phối hợp PBGDPL. Hội đồng PBGDPL của Bộ LĐTBXH đã phát huy vai trò tích cực trong tư vấn, tham mưu công tác PBGDPL, xây dựng và triển khai có nề nếp, hiệu quả chương trình, kế hoạch hoạt động PBGDPL của Bộ; ủy viên Hội đồng là đại diện Lãnh đạo Bộ LĐTBXH đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ phối hợp với bộ, ngành và địa phương thực hiện tuyên truyền các văn bản, chính sách pháp luật thuộc phạm vi quản lý. Tham gia và thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ được Chủ tịch Hội đồng trung ương giao; hằng năm, Bộ LĐTBXH ban hành Kế hoạch hoạt động của Hội đồng Bộ LĐTBXH, trong đó xác định nội dung PBGDPL trọng tâm nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin, tìm hiểu pháp luật của người dân, doanh nghiệp, yêu cầu quản lý nhà nước của ngành. Nhiều hình thức PBGDPL đã được triển khai, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn và điều kiện thực tế (thông qua bộ câu hỏi giải đáp trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ, chương trình truyền hình trên VTV1, cung cấp thông tin thông cáo báo chí, tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật, đối thoại, tập huấn tư vấn…), chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL; công tác chỉ đạo, thực hiện việc truyền thông chính sách, pháp luật có tác động lớn đến xã hội và các vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội theo Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027” được chú trọng triển khai thực hiện, điển hình là phối hợp với cơ quan thông tấn, báo chí đưa tin về dự kiến chính sách sửa đổi, bổ sung trong Luật Việc làm, thực hiện các hoạt động tuyên truyền, lấy ý kiến về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), từ đó góp phần quan trọng trong việc truyền tải các chủ trương, chính sách trong dự thảo đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và đối tượng chịu sự tác động, thiết thực đưa chính sách, quy định pháp luật đi vào cuộc sống; công tác phối hợp liên ngành trong công tác PBGDPL của Bộ LĐTBXH với một số bộ, ngành liên quan khác (Bảo hiểm xã hội Việt Nam,Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận Trung ương) được quan tâm triển khai để thực hiện một số hoạt động PBGDPL.
Một trong những giải pháp đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa chất lượng công tác PBGDPL, Bộ LĐTBXH đã chủ trì xây dựng và triển khai có hiệu quả các Đề án: “Tăng cường công tác PBGDPL trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2022-2027; “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp”; xây dựng chương trình truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030.
Tại buổi làm việc các đại biểu tập trung trao đổi về định hướng công tác PBGDPL trong thời gian tới và những giải pháp để triển khai có hiệu quả công tác PBGDPL; đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL Bộ LĐTBXH.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Chủ tịch Hội đồng trung ương ghi nhận và đánh giá cao những kết quả ấn tượng mà Bộ LĐTBXH đạt được trong công tác PBGDPL, mặc dù còn khó khăn về nguồn lực và có đối tượng quản lý rộng, điều này thể hiện sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ LĐTBXH; Bộ đã chủ động xây dựng Đề án, chương trình PBGDPL; các đơn vị thuộc Bộ quan tâm PBGDPL chuyên ngành gắn với lĩnh vực chuyên môn, đã chú trọng truyền thông và tổ chức tập huấn. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai công tác PBGDPL vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Một số đơn vị chưa quan tâm đúng mức và bố trí kinh phí cho công tác tuyên truyền, phổ biến. Với mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thời gian tới để thực hiện tốt công tác tổ chức thi hành pháp luật và công tác PBGDPL, Thường trực Hội đồng trung ương đề nghị Bộ LĐTBXH tiếp tục quan tâm, thực hiện một số nhiệm vụ: (i) Xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong công tác PBGDPL, chú trọng vai trò của pháp chế; (ii) Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL của Bộ LĐTBXH chỉ đạo, hướng dẫn các Sở LĐTBXH ở địa phương phối hợp với Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh tổ chức các chương trình PBGDPL ở địa phương; (iii) Quan tâm bố trí kinh phí; đổi mới công tác PBGDPL bằng nhiều hình thức đưa pháp luật đến với người dân nhằm làm thay đổi nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân; sớm xây dựng chuyên trang PBGDPL để các bộ, ngành, địa phương có đầy đủ thông tin; (iv) Đề nghị các bộ, ngành phối hợp với Bộ LĐTBXH thực hiện PBGDPL cho các đối tượng đặc thù.
Kết thúc buổi làm việc, đồng chí Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH ghi nhận, tiếp thu những định hướng của Phó Chủ tịch Hội đồng trung ương, đồng thời thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại hạn chế trong hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL Bộ LĐTBXH, trong thời gian tới Bộ mong được cơ quan thường trực Hội đồng trung ương tiếp tục quan tâm và hỗ trợ công tác PBGDPL của Bộ LĐTBXH./.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật