Trong thời gian từ ngày 19-26/6/2022, được sự ủy quyền của Lãnh đạo Bộ, Đoàn công tác của Bộ Tư pháp do ông Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý là Trưởng đoàn đã tới thăm và làm việc tại Hàn Quốc nhằm khảo sát, trao đổi kinh nghiệm về ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xây dựng pháp luật, phục vụ việc xây dựng đề xuất Dự án “Thiết lập phần mềm hỗ trợ công tác lập pháp của Việt Nam”.
Tham gia Đoàn công tác còn có đại diện một số đơn vị thuộc Bộ như Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Vụ Hợp tác quốc tế, Cục Công nghệ thông tin, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Cục Kế hoạch - Tài chính. Đoàn đã dành nhiều thời gian để trao đổi, thảo luận với các chuyên gia của Bộ Lập pháp Chính phủ Hàn Quốc (MOLEG) về hệ thống pháp luật và công tác xây dựng pháp luật của Hàn Quốc, cũng như việc ứng dụng công nghệ thông tin của Hàn Quốc trong công tác xây dựng pháp luật, từ đó xác định những điểm giống và khác nhau giữa hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ hoạt động xây dựng pháp luật của Hàn Quốc và Việt Nam.
Hàn Quốc được biết đến là một trong những quốc gia đi đầu trên thế giới về công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) trong hoạt động công vụ và trong cung ứng các dịch vụ công. Tăng trưởng và phát triển kinh tế mà Hàn Quốc có được như ngày nay cũng là nhờ phần đóng góp không nhỏ của việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số. Công nghệ thông tin, công nghệ số cùng sự kết nối, chia sẻ thông tin đã tạo nên cuộc cách mạng trong tất cả các ngành nghề, lĩnh vực ở Hàn Quốc, trong đó, có cả lĩnh vực pháp luật và tư pháp. Việc quản lý, lưu trữ thông tin pháp luật, cũng như việc soạn thảo, thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật của Hàn Quốc được thực hiện dựa trên các phần mềm và nền tảng siêu liên kết, qua đó nâng cao chất lượng công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cũng như tăng cường sự tiếp cận của người dân với thông tin pháp luật.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hàn Quốc có nhiều nét tương đồng với Việt Nam
Tương tự như Việt Nam, hệ thống pháp luật của Hàn Quốc được sắp xếp theo thứ bậc, trong đó Hiến pháp là đạo luật có hiệu lực tối cao, quy định những vấn đề cơ bản về quyền công dân, cơ cấu tổ chức của Chính phủ, vấn đề bầu cử…; các Luật có giá trị thấp hơn Hiến pháp để cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp; các Sắc lệnh của Tổng thống, Sắc lệnh của Thủ tướng Chính phủ và các Bộ trưởng thuộc nhánh Hành pháp được ban hành để triển khai thực hiện các Luật và phải đảm bảo không trái luật. Các quy định và quy tắc tự quản của chính quyền địa phương là tầng văn bản quy phạm pháp luật cuối cùng trong hệ thống pháp luật Hàn Quốc.
Quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật tại Hàn Quốc được thiết kế tương ứng với từng loại văn bản. Quy trình ban hành Luật có nhiều thủ tục hơn so với việc ban hành các văn bản dưới luật do các dự án luật phải trình lên Quốc hội thông qua. Các bước để xây dựng một Luật của Hàn Quốc (do Chính phủ trình) thường bao gồm: (1) xây dựng dự thảo Luật, (2) tham vấn các bên liên quan, (3) lấy ý kiến người dân, (4) thẩm định dự thảo, (5) họp thảo luận giữa Thứ trưởng các Bộ, ngành liên quan để dàn xếp những điểm còn bất đồng, (6) xem xét tại Nội các và được Tổng thống phê chuẩn, (7) trình dự thảo lên Quốc hội để thẩm tra tại các Ủy ban có thẩm quyền của Quốc hội và (8) xem xét, thông qua bởi Quốc hội tại phiên họp toàn thể. Luật sau khi được Tổng thống ký ban hành sẽ được đăng trên Công báo và có hiệu lực theo thời gian được ghi trong Luật.
Nhìn chung, hệ thống pháp luật và quy trình ban hành các văn bản pháp luật giữa Việt Nam và Hàn Quốc có khá nhiều nét tương đồng, tạo thuận lợi cho hai Bên có thể trao đổi, thảo luận kỹ hơn về việc xây dựng hệ thống hỗ trợ công tác xây dựng pháp luật của Việt Nam.
Ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông (ICT), trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ đưa thông tin pháp luật đến với người dân và nâng cao chất lượng công tác lập pháp
Hiện nay, sự kết nối và chia sẻ thông tin về pháp luật giữa người dân Hàn Quốc và các cơ quan nhà nước được thực hiện thông qua Trung tâm thông tin pháp luật quốc gia. Trung tâm này duy trì và quản lý cơ sở dữ liệu pháp luật quốc gia của Hàn Quốc và cung cấp dịch vụ tra cứu thông tin về các văn bản pháp luật của Hàn Quốc trong tất cả các lĩnh vực (bao gồm luật, điều ước quốc tế, quy tắc hành chính của cơ quan trung ương, quy tắc tự quản của địa phương, các án lệ…) Hiện nay, số lượng các văn bản pháp luật đang được quản lý tại Trung tâm là khoảng 140.000 văn bản, trong đó có 1.580 Luật, 1.845 Sắc lệnh của Tổng thống, 1.764 Sắc lệnh của Thủ tướng/Phó Thủ tướng và các Bộ, 132.197 pháp quy tự quản địa phương…Bên cạnh tính năng lưu trữ và cho phép truy cập không giới hạn các thông tin pháp luật, Trung tâm pháp luật quốc gia Hàn Quốc còn cho phép việc tự động cập nhật những diễn biến hàng ngày của thông tin lập pháp thông qua cơ chế siêu liên kết với các hệ thống khác, trong đó có Hệ thống hỗ trợ lập pháp (trong đó có phần mềm hỗ trợ soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật).
Phần mềm hỗ trợ soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật của Hàn Quốc (Chương trình soạn thảo luật 3.1) đã được xây dựng với những tính năng nổi bật nhằm giúp cho việc soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật của Hàn Quốc được dễ dàng hơn, tiết kiệm thời gian và đảm bảo chất lượng. Với hệ thống này, các nhà soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật tại Hàn Quốc có thể dễ dàng tra cứu các thuật ngữ pháp lý, soạn thảo văn bản pháp luật trên một quy chuẩn mẫu, đối chiếu, so sánh luật cũ và luật đang dự thảo, tự động chỉnh lý các lỗi sai trong quá trình dự thảo và tìm kiếm lịch sử hình thành, phát triển của các chế định pháp luật. Phần mềm và trang thông tin đi kèm cũng đảm bảo cho phép sự tiếp cận của người dân đối với quá trình dự thảo luật của Chính phủ.
Trong thời gian làm việc tại Hàn Quốc, Đoàn công tác cũng đã tới thăm và làm việc với Cơ quan tài nguyên thông tin quốc gia và Viện thông tin pháp luật quốc gia, trong đó Cơ quan tài nguyên thông tin quốc gia là mô hình đầu tiên trên thế giới vận hành và quản lý thống nhất, tập trung tài nguyên thông tin của các cơ quan trong Chính phủ. Hệ thống cũng sử dụng trí tuệ nhân tạo AI để bảo vệ hệ thống khỏi tội phạm mạng và góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số tại Hàn Quốc.
Kết thúc chuyến công tác, đại diện KOICA và Bộ Lập pháp Chính phủ Hàn Quốc đánh giá cao những nỗ lực, sự chủ động của Đoàn công tác Bộ Tư pháp trong việc trao đổi, thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm giữa Việt Nam và Hàn Quốc về hệ thống pháp luật và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xây dựng pháp luật. Chuyến công tác góp phần giúp hai Bên hiểu rõ hơn về nhu cầu, khả năng của mỗi Bên trong việc thiết lập hệ thống thông tin hỗ trợ việc xây dựng pháp luật cho Việt Nam. Phía KOICA và MOLEG khẳng định Hai bên sẽ tiếp tục có những đợt khảo sát chi tiết hơn nữa về quy trình lập pháp và hệ thống công nghệ thông tin của Việt Nam phục vụ cho việc xem xét, phê duyệt đề xuất Dự án.
Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp