Sửa đổi Nghị định 79 về chứng thực: Tư pháp phường được quyền ký chứng thực?

14/04/2011
Giải tỏa “điểm nghẽn” về chứng thực ở cấp phường của các thành phố lớn, Dự thảo sửa đổi bổ sung Nghị định 79/CP về chứng thực mới đây đã mạnh dạn gỡ theo hướng giao cán bộ Tư pháp - hộ tịch phường thực hiện việc chứng thực.

Cấp phường đang “đầu tắt mặt tối”

Giải trình một số nội dung sửa đổi Nghị định 79/CP trong cuộc họp Ban soạn thảo chiều qua 13/4, ông Vũ Ngọc Anh, Phó phòng Hành chính tổng hợp,Vụ Hành chính tư pháp (Bộ Tư pháp) cho biết: theo phản ánh của hầu hết địa phương, việc giao cho Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp xã thẩm quyền ký văn bản chứng thực đã làm chậm lại quá trình giải quyết việc chứng thực. Trong khi đó, Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cấp xã không phải là một chức danh tư pháp nên nhiều trường hợp không có trình độ chuyên môn về luật, ảnh hưởng đến chất lượng của văn bản chứng thực. Do đó, ông Ngọc Anh cho biết: dự thảo sửa đổi bổ sung Nghị định 79 sẽ giao thẩm quyền chứng thực cho cán bộ Tư pháp - hộ tịch, nhưng việc này chỉ áp dụng đối với các phường loại 1 thuộc các thành phố trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, ông Ngọc Anh cũng chỉ rõ những khó khăn khi đưa vào dự thảo quy định này, trong đó có mâu thuẫn với Nghị định 110/CP ngày 8/4/2004 của Chính phủ về công tác văn thư và Nghị định số 09 ngày 8/2/2010 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 110. Theo đó, cán bộ Tư pháp – hộ tịch chỉ là một chức danh chuyên môn, không phải giữ vị trí lãnh đạo nên theo quy định không thuộc một trong các trường hợp được ký chứng thực. Hơn nữa, cán bộ tư pháp ký thì không được đóng dấu Ủy ban.

Khẳng định “cấp phường ở các thành phố đang đầu tắt mặt tối” nhưng Vụ trưởng Vụ Hành chính Tư pháp, Phó Trưởng ban soạn thảo sửa đổi Nghị định 79/CP, ông Trần Thất cho biết, ông rất băn khoăn khi “mở” thẩm quyền ký chứng thực. “Có thể cho cả các thành viên Ủy ban phường được ký chứng thực không”, ông Thất gợi ý nhưng vẫn lo “Khi ra nước ngoài, một văn bản do “ông” lãnh đạo Ủy ban ký, văn bản kia chỉ là thành viên, như vậy sẽ rất khó giải thích”.

Cho Tư pháp ký?

Cũng phản ánh tình trạng “mấy lãnh đạo Ủy ban có bao giờ ngồi chờ dân đem việc đến để chứng thực đâu, mà thực tế có phường “dồn cục” lại, mấy buổi mới ký một lần” một đại diện đến từ  từ Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ cho rằng: quy định là bản sao trả trong ngày nhưng nhiều nơi vẫn để qua ngày do lãnh đạo Ủy ban bận quá nhiều việc. Tán thành quy định “mở là rất hay” nhưng đại diện này cũng lúng túng “vướng Nghị định 110 thì có thể đề xuất sửa Nghị định này không?”.

Trái với quan điểm của Tổ biên tập, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Đinh Văn Lộc phân vân: “về lý thuyết quy định này là không phù hợp”. Ông Lộc dẫn chứng: trước đây còn có Ban Tư pháp chứ bây giờ chỉ có mỗi một (nhiều là 2) cán bộ. “Việc ký chứng thực là thẩm quyền của Ủy ban, nếu có ủy quyền cũng phải đúng người. Nó khác với việc lãnh đạo Ủy ban cấp huyện ủy quyền cho Trưởng phòng Tư pháp”. Theo ông Lộc, giải pháp lâu dài phải tính đến là chờ sửa Luật Tổ chức Chính phủ. Theo đó, sửa đổi tổ chức UBND các cấp thì mới giải quyết vấn đề một cách căn cơ.

Đồng tình, ông Nguyễn Quang Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Nội vụ lên tiếng: không nên ủy quyền cho cán bộ Tư pháp – hộ tịch. “Thủ trưởng chỉ có thể ủy quyền cho cán bộ dưới một cấp chứ không thể dưới một cấp nữa. Giống như Vụ trưởng mới được ký thừa lệnh Bộ trưởng chứ Vụ phó thì không bao giờ được ký”. Về phương án giao cho thành viên Ủy ban ký, ông Ngọc đặt câu hỏi: liệu thành viên Ủy ban có thể là người nào khác ngoài Chủ tịch, Phó Chủ tịch? “Cũng có thể giao được nhưng hơn hết là việc đã giao rồi anh phải bố trí thời gian mà làm, Nghị định 09 vừa mới sửa rồi ngay bây giờ không thể tiếp tục sửa được nữa” - ông Ngọc nói.

Việt Hòa 

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng: Việc sửa đổi lần này chỉ tập trung vào những vấn đề thực sự cấp thiết, không sửa không được. Còn lâu dài, phải xây dựng Luật Chứng thực và hiện Bộ Tư pháp đã đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.