Chiều nay (24/8), Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đã chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định đề nghị xây dựng Luật Giá (sửa đổi).
Khắc phục sự phân tán trong hệ thống pháp luật về giá
Luật giá số 11/2012/QH13 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013. Để triển khai thi hành Luật, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 02 Nghị định, cũng như theo thẩm quyền ban hành đầy đủ các Thông tư hướng dẫn chi tiết; Các văn bản này thường xuyên được sửa đổi, bổ sung để đáp ứng các yêu cầu thực tiễn về quản lý, điều hành giá, thẩm định giá. Đến nay, sau hơn 08 năm thực hiện, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giá đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật dân sự kinh tế; là công cụ pháp lý quan trọng để quản lý, điều hành giá theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước.
Luật giá là văn bản pháp lý quan trọng thể hiện tư duy đổi mới phương thức quản lý giá trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo hướng khuyến khích cạnh tranh về giá, tôn trọng quyền tự định giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, tôn trọng các quy luật kinh tế khách quan chi phối sự hình thành và vận động của giá cả thị trường; đồng thời bảo đảm sự điều tiết của Nhà nước về giá chủ yếu bằng các biện pháp gián tiếp vĩ mô phù hợp với các cam kết quốc tế.
Trên cơ sở các quy định của Luật giá và các văn bản hướng dẫn, công tác điều hành, quản lý giá đã góp phần giữ CPI hàng năm cơ bản theo lạm phát mục tiêu, ổn định kinh tế vĩ mô; hệ thống giá điện, than, xăng dầu, dịch vụ công từng bước được điều hành theo cơ chế thị trường có lộ trình; thu hẹp danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá (chỉ định giá đối với một số hàng hóa, dịch vụ quan trọng, tác động lớn đến kinh tế - xã hội); không thực hiện bù lỗ, bù giá, bao cấp qua giá; phát triển nghề thẩm định giá theo hướng chuyên nghiệp, minh bạch hơn...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện Luật giá đã phát sinh một số tồn tại, hạn chế nhất định, thể hiện ở 03 nhóm sau: Tồn tại, hạn chế trong chính các quy định của Luật; Tồn tại hạn chế giữa Luật giá với các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành có liên quan; Tồn tại, hạn chế trong khâu tổ chức thi hành Luật.
Từ những vấn đề tồn tại, hạn chế và nguyên nhân nêu trên cho thấy cần phải có điều chỉnh nhất định trong phương pháp quản lý, điều hành giá để phù hợp, đáp ứng yêu cầu thị trường hiện nay. Một mặt, đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả nhưng phải linh hoạt trong các hoạt động bình ổn giá, xác định danh mục mặt hàng Nhà nước định giá và phân công, phân cấp thực hiện, tăng cường hoạt động thẩm định giá... Mặt khác là phải khắc phục được sự phân tán, thiếu tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về giá, trên cơ sở đó xử lý dứt điểm những vấn đề chồng chéo, mâu thuẫn pháp luật, nhất là phải hạn chế những phát sinh không cần thiết trong tương lai. Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật giá là yêu cầu cấp thiết; tạo điều kiện cho việc thúc đẩy tăng cường công tác quản lý nhà nước về giá theo cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của nhà nước phù hợp với chủ trương về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ngoài ra, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đã và đang đặt ra những vấn đề cần phải được rà soát để bảo đảm thích ứng, phù hợp với các điều ước quốc tế và thông lệ thế giới, nhất là các kinh nghiệm quốc tế trong xử lý các tình huống cấp bách do tác động kết quả, mặt trái của kinh tế thị trường; yêu cầu trong việc chú trọng cải cách hành chính, thủ tục hành chính là một nội dung quan trọng phải được đẩy mạnh; Công tác tổng hợp phân tích dự báo giá, cung cấp thông tin về giá cần phải được chú trọng để phù hợp với những biến đổi của kinh tế xã hội hiện nay và tầm nhìn cho cả giai đoạn tiếp theo... Những vấn đề này phải được thể chế đầy đủ tại Luật Giá.
Để bảo đảm việc sửa đổi Luật được toàn diện, khắc phục được những tồn tại, hạn chế đồng thời cập nhật những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn hiện nay và tầm nhìn cho giai đoạn tiếp theo, Bộ Tài chính trình Chính phủ 9 nhóm chính sách, bao gồm: Chính sách 1 về Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; Chính sách 2 về phương pháp và hình thức định giá; Chính sách 3 về Bình ổn giá; Chính sách 4 về hiệp thương giá; Chính sách 5 về biện pháp kê khai giá; Chính sách 6 về công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá cả thị trường và kiểm tra thi hành pháp luật về giá; Chính sách 7 về thẩm định viên về giá; Chính sách 8 về quản lý doanh nghiệp thẩm định giá; Về thẩm định giá của Nhà nước.
Các đại biểu dự họp đã đánh giá sự cần thiết ban hành Luật Giá (sửa đổi) về đối tượng, phạm vi điều chỉnh; đánh giá sự phù hợp của nội dung chính sách với chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước; đánh giá tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của chính sách với hệ thống pháp luật, tính khả thi, tính dự báo của nội dung chính sách…; đánh giá tính tương thích của nội dung chính sách với Điều ước quốc tế có liên quan; đánh giá sự cần thiết, tính hợp lý, chi phí tuân thủ thủ tục hành chính của chính sách trong đề nghị xây dựng luật…
Nhất trí với báo cáo đánh giá tổng kết thi hành luật giá, đại diện Bộ Ngoại giao lưu ý Bộ Tài chính - đơn vị chủ trì soạn thảo xem xét, rà soát tính tương thích của 09 nhóm chính sách đối với Điều ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để có đánh giá tổng thể đối với đề nghị xây dựng Luật Giá (sửa đổi).
Tiến gần đến thị trường hơn
Tiếp thu các ý kiến góp ý tại cuộc họp, đại diện Bộ Tài chính - cơ quan chủ trì soạn thảo nhấn mạnh đến sự cần thiết ban hành Luật Giá (sửa đổi). Nói đến vấn đề đánh giá tính tương thích với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, theo đại diện Bộ Tài chính, nội dung các nhóm chính sách tại Luật Giá (sửa đổi) không trái với các Điều ước này. Cũng theo đại diện Bộ Tài chính, khi sửa đổi Luật Giá các chính sách sẽ tiến gần đến thị trường nhiều hơn và có tác động tốt hơn so với Luật cũ.
Sau khi lắng nghe ý kiến các đại biểu dự họp, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhận định, Hội đồng nhất trí với sự cần thiết ban hành luật với một số lý do, như sau: Luật ban hành từ năm 2012, sau hơn 08 năm triển khai đã có nhiều bất cập so với thực tiễn; các quy định liên quan đến giá tản mát trong nhiều các văn bản pháp luật chuyên ngành; trong thời gian qua hệ thống pháp luật đã có nhiều biến động; kịp thời thể chế hóa các đường lối, chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Chính phủ, Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội. Thứ trưởng cũng lưu ý cơ quan lập đề nghị thể hiện tại Tờ trình rõ và gọn hơn về sự cần thiết.
|
|
Về phạm vi điều chỉnh, liên quan đến một số vấn đề mới, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo lưu ý diễn đạt nguyên tắc xác định luật áp dụng, nguyên tắc ưu tiên áp dụng... Về tên gọi và nội dung của các chính sách phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của nhà nước; Hội đồng đề nghị tiếp tục rà soát chủ trương của Đảng trong văn kiện tại Đại hội XIII để có biện pháp kịp thời thể chế hóa, nhất là các nội dung trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2030. Với 09 nhóm chính sách, Hội đồng nhận thấy các nội dung chính sách không trái với Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm tính hợp pháp, tính thống nhất, tính đồng bộ trong các văn bản pháp luật có liên quan. Đồng thời, đối với tính tương thích của nội dung chính sách trong đề nghị xây dựng luật, Thứ trưởng yêu cầu đơn vị chủ trì soạn thảo tiếp thu ý kiến của Bộ Ngoại giao, rà soát kỹ lưỡng với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên…
N.D