Đảm bảo tiến bộ, chất lượng của dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của 10 Luật

23/08/2021
Đảm bảo tiến bộ, chất lượng của dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của 10 Luật
Đây là nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu tại cuộc họp trực tuyến Ban soạn thảo dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Hải quan, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự diễn ra vào chiều ngày 23/8/2021. Tham dự cuộc họp còn có Thứ trưởng Bộ Tài Chính Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu Tư Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải Nguyễn Ngọc Đông cùng đại diện các Bộ, ngành là thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng dự án Luật.
Báo cáo tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật cho biết, ngày 19/8/2021, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 1331/QĐ-BTP thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng dự án Luật. Bộ Tư pháp đã có Công văn số 2827/BTP-VĐCXDPL ngày 19/8/2021 gửi các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Tài chính đề nghị trên cơ sở hồ sơ Đề nghị xây dựng dự án Luật đã được Chính phủ thông qua tại Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8/2021, chuẩn bị nội dung dự thảo Tờ trình gửi Bộ Tư pháp tổng hợp, xây dựng dự thảo Luật và dự thảo Tờ trình để trình Chính phủ. Ngày 21/8/2021, Thường trực Tổ biên tập đã tổ chức cuộc họp với các cơ quan, đơn vị liên quan (Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Tài chính) để rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.
 

 
Về quan điểm xây dựng dự án Luật: Tập trung sửa đổi, bổ sung một quy định đang thực sự gây khó khăn, vướng mắc cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, nếu không sửa đổi, bổ sung kịp thời thì sẽ tạo “điểm nghẽn”, gây “ách tắc” cho sự phát triển và  gây khó khăn, vướng mắc cho công tác tổ chức thi hành án dân sự; đồng thời, thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường thông qua việc khuyến khích đầu tư sản xuất, sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường. Những quy định cần sửa đổi, bổ sung phải xác định rõ ràng nội dung, phương án sửa đổi, bổ sung và đánh giá tác động cụ thể; đồng thời, bảo đảm tính độc lập, ổn định, thống nhất, kế thừa được nội dung khi sửa đổi, bổ sung toàn diện các luật. Đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; bảo đảm sự phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
 

 
Về phạm vi của dự án Luật, theo Nghị quyết số 94/NQ-CP ngày 20/8/2021 của Chính phủ, dự án Luật này quy phạm hóa 10 chính sách đã được thông qua, theo đó sẽ sửa đổi, bổ sung một số điều của 10 luật, gồm: Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tắc công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Hải quan, Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.
Dự thảo Luật gồm 12 điều, gồm 10 điều sửa đổi, bổ sung một số quy định của 10 luật hiện hành, 01 điều quy định về điều khoản chuyển tiếp và 01 điều quy định về hiệu lực thi hành.
 

 
Nhất trí nội dung báo cáo, đồng chí Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng khi trình Thủ tướng Chính phủ cần bổ sung thêm và thể hiện rõ nội dung tăng cường và đẩy mạnh phân cấp. Đối với Luật Đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định việc giao cho Thủ tướng Chính phủ thông báo dự kiến bổ sung kế hoạch trung hạn vốn ngân sách trung ương cho Bộ, cơ quan trung ương, địa phương sau khi phê duyệt Đề xuất dự án đầu tư nhóm B và C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi làm căn cứ thực hiện thủ tục thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn như đề xuất là phù hợp. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư cũng đã bổ sung ý kiến cụ thể vào các nội dung đối với Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu và Luật Doanh nghiệp.
Cùng đề cập đến nội dung phân cấp, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho rằng cần làm sao để các địa phương có thể tham gia đầu tư, phát triển hạ tầng của cơ quan Trung ương, trong khi hiện nay quy định cấp ngân sách nào thì sẽ chi đầu tư của cấp đó. Đi cùng với tăng cường phân cấp, chúng ta cũng cần phải giảm thiểu thủ tục. Đối với Luật Đấu thầu, theo Thứ trưởng Đông, cần rà soát, xem xét sửa đổi mức chỉ định thầu hiện hành vì đây là quy định sẽ có tác động rất lớn.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài Chính Vũ Thị Mai đã đề xuất ý kiến đối với Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Hải quan.Trong đó, đối với Luật Đầu tư công, Thứ trưởng Vũ Thị Mai đề nghị cần làm rõ cấp nào có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài liên quan đến nhiều cơ quan và địa phương; dự án sử dụng  vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước triển khai thực hiện… Thứ trưởng cũng cho rằng cần rà soát lại khoản 2, Điều 33 với các nội dung sửa đổi khác để đảm bảo tính thống nhất, đánh giá tính phù hợp…
 

 
Tại cuộc họp, các thành viên ban soạn tảo, tổ biên tập đã tập trung trao đổi, thảo luận về một số nội dung quan trọng, như: Phạm vi sửa đổi, bổ sung; nội sửa đổi, bố sung; đánh giá nội dung sửa đổi, bổ sung về tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, tính đồng bộ của hệ thống pháp luật; các quy định chuyển tiếp… đồng thời, lấy ý kiến về các nhiệm vụ cần tiếp tục triển khai trong thời gian tới.
Sau khi lắng nghe các ý kiến dự họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đề nghị cơ quan thường trực của Ban soạn thảo, Tổ biên tập tập hợp đầy đủ ý kiến tại cuộc họp để báo cáo Trưởng ban soạn thảo. Tiếp tục thống nhất nguyên tắc làm việc và phân công trách nhiệm giữa các Bộ trong chuẩn bị dự án Luật này. Thứ trưởng nhấn mạnh, Bộ Tư pháp hoàn chỉnh hồ sơ và tiến hành các thủ tục để trình, chính vì vậy, đề nghị các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập chủ động, tích cực thực hiện trách nhiệm của mình và phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong tất cả các khâu đảm bảo tiến độ, chất lượng của dự án Luật.
Về phạm vi sửa đổi, bổ sung, Thứ trưởng yêu cầu rà soát kỹ lưỡng lại nội dung trong các chính sách đã được Chính phủ thông qua.
 

 
Về một số nhiệm vụ cụ thể, đối với các Bộ có đề xuất sửa đổi, bổ sung cần nghiên cứu sâu hơn ý kiến của các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập tại cuộc họp để tiếp tục hoàn chỉnh nội dung sửa đổi, bổ sung trong các Luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các Bộ,  ngành và chuyển lại bằng văn bản để Bộ Tư pháp tổng hợp; chủ động rà soát hệ thống pháp luật hiện hành, chuẩn bị báo cáo rà soát văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo tính đồng bộ, tính thống nhất. Trên cơ sở dự thảo trình Ban soạn thảo, Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp nghiên cứu, đánh giá tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính đồng bộ, tính thống nhất của dự án Luật và gửi lại văn bản để Vụ Vấn đề chung về xây dựng pháp luật tổng hợp. Đồng thời, đề nghị các Bộ, ngành khác tiếp tục cho ý kiến để hoàn thành dự thảo dự án Luật…
N.D