Thẩm định đề nghị sửa đổi Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

17/02/2020
Thẩm định đề nghị sửa đổi Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Sáng 14/2, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đã chủ trì Hội đồng thẩm định Luật Người lao động Việt Nam đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).
Việc ban hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006 (Luật số 72) đã tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ để điều chỉnh hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, phù hợp với điều kiện trong nước và quốc tế, tạo thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, đồng thời tăng cường công tác quản lý người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn hơn 12 năm thi hành Luật số 72 cho thấy một số quy định không đảm bảo sự đồng bộ và phù hợp với các Luật mới được Quốc hội ban hành trong thời gian gần đây; nhiều hình thức hợp tác, dịch chuyển lao động mới trong thời gian gần đây chưa được quy định trong Luật số 72; điều kiện cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài còn chưa chặt chẽ…
Như vậy, việc sửa đổi Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là cần thiết để nhằm bảo vệ tốt hơn đối với người lao động làm việc ở nước ngoài; đảm bảo phù hợp quan điểm, đường lối của Đảng về vấn đề phát triển việc làm việc làm ngoài nước đối với công dân Việt Nam, phù hợp với xu thế dịch chuyển lao động quốc tế và đồng thời đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của pháp luật.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, đưa ra các ý kiến đóng góp liên quan đến vấn đề như tăng tiền ký quỹ; xử lý vi phạm pháp luật đối với những trường hợp xuất cảnh không hợp pháp; rà soát lại để tránh trùng lặp, chồng chéo với các bộ luật hiện hành…
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đánh giá cao sự chuẩn bị của cơ quan chủ trì soạn thảo; hồ sơ đầy đủ, trình tự thủ tục thực hiện đầy đủ theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Về chính sách, Thứ trưởng yêu cầu rà soát lại một số quy định chưa thể hiện rõ nội dung các chính sách; rà soát kỹ các chính sách mới; đồng thời làm rõ hơn mục đích, yêu cầu trong dự thảo Tờ trình. Thứ trưởng cũng lưu ý Ban soạn thảo cân nhắc mở rộng hợp đồng cá nhân đối với những người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, đồng thời chỉnh lý lại một số điều trong dự án luật để bao quát hết nội dung của luật.
Về tính hợp hiến, hợp pháp, tính tương thích với các Điều ước quốc tế, Thứ trưởng yêu cầu phải kiểm tra lại nội dung, rà soát thật kỹ tính hợp hiến; đảm bảo không mâu thuẫn với các bộ luật như Bộ Luật Lao động, Bộ Luật Dân sự, Bộ Luật Tố tụng hình sự, Luật Đầu tư, Luật Phá sản… Bên cạnh đó, cần quy định thêm các trường hợp chưa được gia hạn giấy phép; có thêm nhiều biện pháp để thúc đẩy bình đẳng giới; cần tiếp thu, tổng hợp đầy đủ ý kiến của các đại biểu, đặc biệt là ở địa phương.
Thanh Trà