Ban Tuyên giáo Trung ương làm việc với Bộ Tư pháp về tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW

14/08/2019
Ban Tuyên giáo Trung ương làm việc với Bộ Tư pháp về tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW
Sáng 14/8, Đoàn khảo sát của Ban Tuyên giáo Trung ương do đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 27/01/2003 về “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị trong tình hình mới” (Chỉ thị số 20) làm trưởng đoàn đã làm việc với Bộ Tư pháp. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ cùng tham dự buổi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị trong tình hình mới có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao nhận thức chính trị của người dân. Đối với Bộ Tư pháp, hoạt động này còn góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của công dân để sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, thông qua buổi làm việc này, đoàn khảo sát mong muốn được lắng nghe những vấn đề mà thực tiễn đang đặt ra, những sáng kiến thiết thực, hiệu quả để có căn cứ đề xuất với Ban Bí thư những phương thức phù hợp góp phần nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.

Báo cáo tại buổi làm việc, đồng chí Hồ Quang Huy, Giám đốc Nhà xuất bản Tư pháp, Bộ Tư pháp cho biết: Công tác xuất bản sách lý luận chính trị sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 20 đã có bước phát triển cả về số lượng, chất lượng, nội dung và hình thức. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước với hoạt động xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị ngày càng được tăng cường, đổi mới. Vai trò cơ quan chủ quản dành cho nhà xuất bản tiếp tục được quan tâm, tạo điều kiện để công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị nâng cao chất lượng, hiệu quả. Nhận thức của các cơ quan Đảng, nhà nước, nhà xuất bản và bạn đọc về tầm quan trọng của công tác xuất bản sách lý luận, chính trị đối với đời sống xã hội có bước chuyển biến rõ rệt.

Kết quả quan trọng nhất sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 20 đối với Bộ Tư pháp là hoạt động xuất bản đã thực sự đi vào nề nếp, phục vụ hiệu quả  các nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành, có bước phát triển mới về năng lực hoạt động, thích ứng tốt hơn với sự cạnh tranh của cơ chế thị trường, cũng như đáp ứng được nhu cầu đọc của các tầng lớp nhân dân.
Trong bối cảnh cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ và sâu rộng, tác động đến các lĩnh vực của đời sống xã hội, ngành xuất bản cần có những bước đi quyết liệt và vững chắc để xuất bản được nhiều tác phẩm vừa có giá trị cao về văn hóa – tư tưởng, vừa đem lại hiệu quả kinh tế. Qua tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 20, Bộ Tư pháp đã đề xuất một số kiến nghị cụ thể, trong đó có việc nghiên cứu xây dựng Chỉ thị mới của Ban Bí thư về “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị” (bao gồm đẩy mạnh xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị điện tử; cơ sở dữ liệu điện tử đối với sách lý luận, chính trị) phù hợp với tình hình hiện nay của đất nước, gắn với tiến trình hội nhập kinh tế, quốc tế. Đồng thời nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật xuất bản năm 2012 trong đó có điều khoản quy định riêng đối với xuất bản, phát hành sách lý luận chính trị; xây dựng Nghị định của Chính phủ hướng dẫn hoạt động xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị; nghiên cứu quy hoạch lại và chỉ cấp phép cho các nhà xuất bản có năng lực…

Trao đổi tại buổi làm việc, các thành viên đoàn khảo sát đánh giá cao dự thảo Báo cáo Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ  thị số 20 của Bộ Tư pháp, đồng thời nêu lên một số vấn đề để Bộ Tư pháp tiếp tục làm rõ, hoàn thiện các nội dung của Báo cáo như: đánh giá về Tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn; các nội dung cụ thể của việc xuất bản sách điện tử; đánh giá hiệu quả của việc xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị trong hoạt động của Bộ nói chung, của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói riêng; việc quản lý, sử dụng sách lý luận, chính trị trong Thư viện của Bộ và Thư viện của các đơn vị thuộc Bộ, đặc biệt là tại các cơ sở đào tạo…