Hạn chế tối đa vi phạm trong ban hành quyết định hành chính

13/08/2019
Hạn chế tối đa vi phạm trong ban hành quyết định hành chính
Đó là lưu ý của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh, Trưởng đoàn kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính và công tác thi hành án hành chính của Ủy ban nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu diễn ra sáng ngày 13/8. Tham dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Tịnh.
Thực hiện nghiêm quy định về tham gia đối thoại
Tại buổi làm việc, đại diện UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trình bày Báo cáo về tình hình chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và công tác thi hành án hành chính tại địa phương. Đồng thời, đại diện các Sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị tại tỉnh có ý kiến phát biểu bổ sung, giải trình một số nội dung để làm rõ hơn Báo cáo của UBND tỉnh; nghe ý kiến của thành viên Đoàn kiểm tra; từ đó, cho thấy được bức tranh tổng quát về tình hình chấp hành pháp luật TTHC, THAHC của Chủ tịch UBND, UBND trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; nhất là từ sau khi Ủy ban Tư pháp của Quốc hội có kết quả giám sát đối với công tác này tại địa phương.
Theo báo cáo, tính đến nay trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn còn 24 bản án, quyết định của Tòa án chưa được thi hành. Trong đó, có những bản án có hiệu lực thi hành từ năm 2008 (vụ Phạm Ngọc Dũng); đương sự có đơn thư khiếu nại việc chậm thi hành án gửi đến Bộ Tư pháp và một số cơ quan. Vụ việc này, Đoàn giám sát của UBTP đã nêu ra và kiến nghị sớm thi hành nhưng đến nay vẫn còn tồn đọng. Sau khi kết thúc đợt giám sát, số lượng bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính có nội dung phải thi hành tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang có xu hướng tăng lên. Nếu tính đến thời điểm sau giám sát, trên địa bàn tỉnh còn khoảng 14 bản án, quyết định chưa được thi hành thì đến nay, số bản án, quyết định chưa được thi hành đã tăng lên là 24. Việc gia tăng số bản án chưa thi hành do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng điều này cho thấy, nhìn chung, việc chấp hành các bản án, quyết định của tòa án về vụ án hành chính của UBND, Chủ tịch UBND các cấp chưa thực sự có chuyển biến rõ nét. 
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh ghi nhận, tình hình chấp hành pháp luật TTHC và THAHC của các cơ quan hành chính nhà nước tại Bà Rịa – Vũng Tàu đã đạt được những kết quả nhất định, như các QĐHC được ban hành, thực hiện, cơ bản đúng pháp luật, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. UBND Tỉnh, UBND Tỉnh đã ban hành văn bản quán triệt, chỉ đạo, hướng dẫn UBND các cấp trên địa bàn thực hiện nghiêm quy định của Luật TTHC về tham gia đối thoại, tham gia phiên tòa; Công tác THAHC đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh, trong 3 năm 2016, 2017, 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh đã thi hành xong 42/66 bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính đã có hiệu lực pháp luật, đạt tỷ lệ 63,63%.
Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình chấp hành pháp luật TTHC và THAHC của UBND, Chủ tịch UBND các cấp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Chỉ ra những nguyên nhân, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đề  nghị Chủ tịch UBND tỉnh tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm, hiệu quả Luật TTHC, các kiến nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và những chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc thi hành Luật TTHC và thi hành án hành chính trên địa bàn Tỉnh
UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm chấp hành pháp luật TTHC và THAHC của lãnh đạo và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân dân trên địa bàn tỉnh, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện Điều 55, Điều 60 Luật TTHC 2015 và trách nhiệm trong việc chấp hành nghiêm các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính đã có hiệu lực thi hành. 
Có giải pháp chấn chỉnh, nâng cao chất lượng công tác tham mưu, ban hành các QĐHC, thực hiện HVHC của Chủ tịch UBND, UBND các cấp cũng như các cơ quan hành chính nhà nước khác; hạn chế tối đa những sai sót, vi phạm trong quá trình ban hành QĐHC, thực hiện HVHC nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước tại địa phương, hạn chế phát sinh khiếu kiện. 
Đối với các vụ việc phát sinh khiếu kiện, quá trình tham gia tố tụng hành chính, đề nghị Chủ tịch UBND các cấp cần đề cao trách nhiệm trong việc tham gia đối thoại, trực tiếp tham dự các phiên tòa xét xử của Tòa án đối với các QĐHC, HVHC của UBND và của cá nhân Chủ tịch UBND, UBND bị khởi kiện. Coi đối thoại là cơ hội để giải quyết vụ việc một cách hiệu quả nhất, chủ động sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ các QĐHC, chấm dứt thực hiện các HVHC ngay khi có phát hiện vi phạm làm căn cứ để Tòa án đình chỉ vụ án.
Đối với 24 bản án chưa thi hành xong, Đoàn kiểm tra kiến nghị Chủ tịch UBND các cấp trên địa bàn tỉnh là bên phải thi hành án có giải pháp tổ chức thi hành dứt điểm, trường hợp có khó khăn do quan điểm áp dụng pháp luật của Tòa án trong quá trình xét xử vụ việc, Chủ tịch UBND cần căn cứ quy định của Luật TTHC thực hiện việc kiến nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, về nguyên tắc bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật phải được các cơ quan nhà nước và tổ chức, cá nhân chấp hành nghiêm. 
Đồng thời, tăng cường đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính của UBND, Chủ tịch UBND các cấp và các cơ quan nhà nước trên địa bàn; xem xét và xử lý nghiêm trách nhiệm đối với cá nhân, tổ chức thuộc thẩm quyền quản lý vi phạm nghĩa vụ thi hành án hành chính theo đúng quy định của Luật TTHC năm 2015 và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP. 
Đối với Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Thứ trưởng lưu ý, qua thực tiễn xét xử cần tổng kết những khó khăn, vướng mắc từ đó đề xuất Tòa án nhân dân tối cao giải đáp, hướng dẫn nghiệp vụ hoặc hoàn thiện thể chế về TTHC; Tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ giải quyết các vụ án hành chính cho đội ngũ Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Tòa án; Thực hiện và chỉ đạo Tòa án nhân dân cấp huyện trên địa bàn thực hiện đầy đủ việc chuyển giao bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính sang cơ quan THADS để theo dõi theo quy định; Xem xét, giải quyết các kiến nghị của cơ quan hành chính về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành án
Đối với Viện kiểm sát nhân dân tỉnh: Tăng cường các giải pháp để thực hiện có hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật TTHC năm 2015; Xem xét, giải quyết các kiến nghị của cơ quan hành chính về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành án, các kiến nghị xem xét bản án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; hướng dẫn thống nhất trình tự, thủ tục thi hành án hành chính đối với các trường hợp bản án, quyết định của Tòa án tuyên bác đơn yêu cầu khởi kiện của tổ chức, cá nhân.
Cục Thi hành án dân sự tỉnh chỉ đạo Chi cục THADS cấp huyện trên địa bàn theo dõi 100% bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính có nội dung theo dõi do Tòa án chuyển giao theo Luật định; kiến nghị xử lý nghiêm trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND, UBND không chấp hành án hành chính theo đúng quy định của Nghị định số 71/2016/NĐ-CP.
Minh Trường - Mạnh Khôi - Trần Hùng
 
 

http://baophapluat.vn