Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh kiểm tra công tác Thi hành án hành chính tại TP. Hồ Chí Minh

13/08/2019
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh kiểm tra công tác Thi hành án hành chính tại TP. Hồ Chí Minh
Ngày 12/8, đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Tư Pháp Đặng Hoàng Oanh dẫn đầu đã đến kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính và công tác thi hành án hành chính tại TP HCM. Tham dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến.
Án bị tòa tuyên hủy sửa thấpa
Trong thời gian từ 1/7/2016 đến ngày 30/5/2019, UBND các cấp trên địa bàn thành phố đã ban hành, thực hiện 134.186 quyết định hành chính (QĐHC), hành vi hành chính (HVHC). Trong đó, tổng số QĐHC, HVHC bị khởi kiện tại Tòa án là 1.312/134.186, chiếm 0,97%. Tổng số QĐHC, HVHC bị tòa án tuyên hủy, sửa một phần và toàn bộ là 94/1.312, chiếm 7,16%. Với đặc điểm tình hình là một đô thị lớn nhất cả nước, mức độ đô thị hóa đang ngày càng cao, phức tạp; số lượng QĐHC, HVHC hàng năm được ban hành, thực hiện rất lớn như trên thì tỷ lệ 7,16% các QĐHC, HVHC bị tòa án tuyên hủy, sửa là một tỷ lệ thấp. Điều này cho thấy các QĐHC, HVHC được ban hành, thực hiện, cơ bản đúng pháp luật, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
Các cơ quan, người bị kiện đã bảo đảm chấp hành các quy định về việc tham gia đối thoại, tham gia phiên tòa theo quy định của Luật TTHC. Đối với những trường hợp không thể trực tiếp tham gia phiên tòa đều có thực hiện việc ủy quyền hoặc cử người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị kiện theo Điều 60, Điều 61 Luật TTHC và xin xét xử vắng mặt theo quy định tại Điều 157 Luật TTHC.  
Công tác thi hành án hành chính (THAHC) đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền thành phố. Từ ngày 1/7/2016 đến ngày 31/5/2019, các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn thành phố đã thi hành xong 77/133 bản án, quyết định của tòa án về vụ án hành chính đã có hiệu lực pháp luật, đạt tỷ lệ 57,89%.
Theo Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh, trên cơ sở kiến nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND Thành phố đã có văn bản quán triệt việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính đến Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành và Chủ tịch UBND các cấp trên địa bàn. Thông qua đó, từng bước tạo được nhận thức chung, thống nhất trong bộ máy hành chính về trách nhiệm chấp hành pháp luật tố tụng hành chính trong các vụ án hành chính và thi hành các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính.
Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh cũng nhìn nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình chấp hành pháp luật tố tụng hành chính (TTHC) và THAHC của UBND, Chủ tịch UBND các cấp trên địa bàn TP HCM vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Số bản án, quyết định của tòa án về vụ án hành chính chưa được thi hành trong tám tháng năm 2019 tại Thành phố tăng cao so với số chưa thi hành xong của cả năm 2018 (tăng 11 bản án, quyết định). Điều này cho thấy, nhìn chung, việc chấp hành các bản án, quyết định của tòa án về vụ án hành chính của UBND, Chủ tịch UBND các cấp chưa thực sự có chuyển biến rõ nét.
Mặc dù có nhiều bản án, quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật chậm thi hành, nhưng đến nay, chưa có trường hợp nào bị xử lý trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ thi hành án hành chính...
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên bao gồm cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan. Trong đó, một phần là nhận thức của người đứng đầu các cơ quan hành chính ở một số địa phương về trách nhiệm trong chấp hành pháp luật TTHC và THAHC chưa đầy đủ.. 
Thứ trưởng đề nghị Chủ tịch UBND thành phố tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật TTHC, các kiến nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và những chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc thi hành Luật TTHC và thi hành án hành chính trên địa bàn Thành phố. Đặc biệt là trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ của vụ án; trách nhiệm tham gia đối thoại, tham gia phiên tòa và trách nhiệm tự nguyện thi hành án hành chính. Chủ tịch UBND các cấp cần nhận thức đầy đủ THAHC là công việc và là trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp với cả hai vai trò là người phải thi hành án hành chính và người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án trong các vụ án hành chính ở địa phương.
Tăng cường đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính của UBND, Chủ tịch UBND các cấp và các cơ quan nhà nước trên địa bàn; xem xét và xử lý nghiêm trách nhiệm đối với cá nhân, tổ chức thuộc thẩm quyền quản lý vi phạm nghĩa vụ thi hành án hành chính theo đúng quy định của Luật TTHC năm 2015 và Nghị định số 71/2016.
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng đề nghị TAND TP HCM từ thực tiễn xét xử các vụ án hành chính trên địa bàn thành phố, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong hệ thống văn bản QPPL quản lý hành chính nhà nước làm cơ sở kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ nhằm bảo đảm tính hiệu quả trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước. Tổng kết những khó khăn, vướng mắc từ đó đề xuất TAND Tối cao giải đáp, hướng dẫn nghiệp vụ hoặc hoàn thiện thể chế về TTHC.
VKSND TP HCM tăng cường các giải pháp để thực hiện có hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật TTHC năm 2015. Thực hiện hoặc chỉ đạo VKSND cấp huyện thực hiện chức năng kiểm sát việc chuyển giao bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính sang cơ quan THADS để theo dõi theo quy định; kiểm sát việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án... 
Thứ trưởng kiến nghị Cục Thi hành án dân sự thành phố thực hiện, chỉ đạo Chi cục THADS cấp huyện trên địa bàn theo dõi 100% bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính có nội dung theo dõi do Tòa án chuyển giao theo Luật định; kiến nghị xử lý nghiêm trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND, UBND không chấp hành án hành chính theo đúng quy định của Nghị định số 71/2016/NĐ-CP.
Hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ theo dõi THAHC đối với các Chi cục THADS trực thuộc; thực hiện tốt công tác tổng hợp, thống kê về kết quả thi hành án hành chính trên địa bàn tỉnh, giúp cho Tổng cục THADS và Bộ Tư pháp thực hiện chức năng tham mưu giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về công tác THAHC.
Cuối cùng, thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh cho biết, trên cơ sở kết quả làm việc, Đoàn sẽ có báo cáo, đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và sẽ thông báo kết quả đến địa phương. 
Quý Dương
 
 

http://baophapluat.vn