Pháp luật là công cụ hữu hiệu chống phân biệt đối xử, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới

09/08/2019
Pháp luật là công cụ hữu hiệu chống phân biệt đối xử, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới
Sáng 9/8, trong khuôn khổ Dự án Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam (Dự án EU JULE) do Liên minh châu Âu và Chương trình phát triển Liên hợp quốc đồng tài trợ, Bộ Tư pháp tổ chức Phiên thảo luận hoàn thiện và thực thi pháp luật với chủ đề “Chống phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới”. Tham dự phiên thảo luận có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, Đại biện lâm thời Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Axelle, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen cùng các đại biểu đến từ các bộ, ban, ngành, cơ quan có liên quan.
Phát biểu khai mạc Phiên thảo luận, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh phân biệt đối xử và bạo lực giới là vấn đề toàn cầu và gây ra những hệ quả nặng nề đối với nạn nhân, cộng đồng và toàn xã hội. Bên cạnh những kết quả đạt được, các cơ quan, tổ chức của Việt Nam cũng nhận thức được những khó khăn, thách thức trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật về chống phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Thực tế cho thấy còn những phụ nữ và trẻ em phải chịu những tác động tiêu cực của tình trạng phân biệt đối xử, bạo lực, xâm hại, làm ảnh hưởng đến môi trường sống và phát triển lành mạnh của họ.
Chính vì vậy, việc xây dựng, hoàn thiện và thi hành pháp luật về quyền con người nói chung và pháp luật chống phân biệt đối xử với phụ nữ, trẻ em gái và chống bạo lực trên cơ sở giới nói riêng trong thời gian tới tiếp tục là nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ Việt Nam. Thứ trưởng bày tỏ mong muốn những tham luận, ý kiến tại Phiên thảo luận sẽ giúp cho cộng đồng quốc tế hiểu hơn những nỗ lực của Việt Nam và những thách thức, khó khăn, từ đó cùng chia sẻ với Việt Nam trong các nỗ lực sẽ được thực hiện trong thời gian tới.
Nêu lên những cố gắng của Việt Nam trong việc phòng, chống và xử lý đối với các hành vi phân biệt đối xử với phụ nữ, trẻ em gái và bạo lực trên cơ sở giới, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp) Đỗ Đức Hiển cho rằng, các giải pháp đã và đang được triển khai thực hiện cần tập trung vào một số việc như hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả công tác thi hành pháp luật và thực hiện các biện pháp cụ thể về kinh tế, xã hội đồng thời tăng cường hội nhập quốc tế trong lĩnh vực này.  Các chính sách, pháp luật hình sự là công cụ pháp lý hữu hiệu để phòng, chống các hành vi phân biệt đối xử, bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là các hành vi xâm phạm các quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của phụ nữ và trẻ em gái.
Cụ thể, dưới góc độ chính sách, pháp luật hình sự, Bộ luật hình sự (BLHS) cần tập trung xử lý một số vấn đề như cần quy định cụ thể một số dấu hiệu hoặc tình tiết cấu thành tội phạm về bạo lực đối với phụ nữ; tăng cường bảo vệ phụ nữ, trẻ em, cần rà soát pháp luật, nghiên cứu pháp luật quốc tế, học hỏi kinh nghiệm của các nước để hoàn thiện pháp luật hình sự… Dưới góc độ tổ chức thi hành pháp luật, ông Hiển đề nghị cần chú trọng các giải pháp phòng ngừa, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của cộng đồng; lấy nạn nhân làm trung tâm, đảm bảo quyền trợ giúp pháp lý, được hỗ trợ, chăm sóc y tế, được bảo vệ bí mật đời tư…
Mở ra nhiều góc nhìn mới trong công tác điều tra, xử lý các vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em hiện nay, Phó Trưởng phòng Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) Phạm Mai Hiên cho biết, thực trạng bạo lực gia đình, bạo lực giới, xâm hại trẻ em vẫn còn phức tạp, gia tăng về số vụ, về tính chất, hình thức bạo lực… Đặc biệt, bạo lực giữa vợ, chồng với nhau là hình thức bạo lực phổ biến nhất trong gia đình. Hành vi của người chồng gây ra không chỉ là bạo lực về thể chất mà còn gây ra bạo lực về tinh thần. Ngoài ra, trong xã hội ngày nay, đã xảy ra hiện tượng người vợ sử dụng bạo lực với chồng, gây ra những tổn thương về thể chất hoặc tính mạng người chồng.
Qua đó, bà Hiên cũng đề nghị cần chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục về gia đình, tư vấn, hòa giải phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của người Việt Nam. Đồng thời kiến nghị Quốc Hội, Chính phủ quan tâm chỉ đạo, ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch, dự án đối với những nơi còn nhiều thủ tục lạc hậu, định kiến về giới… Hoàn thiện hệ thống pháp luật về công tác phfong, chống bạo lực gia đình và công tác bảo vệ trẻ em, nhất là trẻ em bị xâm hại tình dục, bạo lực, bạo hành…
Tại phiên thảo luận, Phó Chánh án TAND tối cao Nguyễn Thúy Hiền cũng bày tỏ sự đồng tình, nhất trí đối với các vấn đề về mặt lý luận cũng như thực tiễn về việc hoàn thiện và thực thi pháp luật chống phân biệt đối xử về giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới. Qua đó, bà Hiền cũng nhấn mạnh vai trò của TAND tối cao trong việc hướng dẫn và thực hiện pháp luật. Chẳng hạn như cần xử lý nghiêm khắc những trường hợp bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ, trẻ em…; tăng cường áp dụng các biện pháp thay thế hình phạt tù đối với tội phạm là trẻ em, trẻ vị thành niên; áp dụng các tình tiết giảm nhẹ đối với phụ nữ mang thai; công khai bản án trên các trang mạng để người dân có thể kiểm soát đối với hoạt động xét xử…
Đại diện của Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, đối với vấn đề bạo lực gia đình, cần có một phương án giải quyết hiệu quả hơn phương án khuyên nhủ, hòa giải nạn nhân bị bạo lực gia đình quay trở về gia đình, bởi đây chính là bạo lực kép, đẩy nạn nhân vào tình trạng bế tắc.
Bên cạnh đó, vị đại diện này cũng cho rằng, xã hội Việt Nam hiện nay vẫn coi trọng nam giới, dẫn đến việc nam giới chịu áp lực cả về công việc, kinh tế lẫn gia đình. Điều này dẫn đến việc nam giới phải chịu áp lực về tinh thần rất lớn, dẫn đến việc coi bạo lực như một cách để giải tỏa. Qua đó, ông đưa ra kiến nghị rằng, pháp luật nên gắn liền với văn hóa, dùng văn hóa để áp dụng luật một cách đúng đắn và phù hợp hơn.
Ngoài ra, rất nhiều đại biểu tham dự phiên thảo luận cũng đưa ra những vấn đề cần có phương án giải quyết cụ thể, như nếu người bị mù bị xâm hại thì phải dùng cách gì để nhận diện tội phạm; đối với các trường hợp có yếu tố nước ngoài như cô dâu Việt bị bạo hành; người phạm tội là người nước ngoài… thì cần có những chính sách bảo vệ và xử phạt như thế nào…
Phương Mai