Chiều 2/8, đoàn công tác liên ngành do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) về trách nhiệm bồi thường nhà nước trên địa bàn. Tham dự buổi làm việc có ông Ngô Minh Châu - Phó chủ tịch UBND Thành phố cùng đại diện các sở, ban ngành trên địa bàn.
Phát sinh 12 vụ đòi bồi thường
Theo báo cáo, từ giữa năm 2018 đến giữa năm 2019, trên địa bàn TP HCM phát sinh 12 vụ việc yêu cầu đòi bồi thường theo luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (phía Tòa án trên địa bàn chưa có báo cáo). Cụ thể, trong hoạt động quản lý hành chính phát sinh 2 vụ việc mới, yêu cầu Sở Xây dựng và UBND quận 7 bồi thường, nhưng đến nay vẫn chưa xong. Trong hoạt động tố tụng thuộc phạm vi trách nhiệm của VKSND trên địa bàn là 9 vụ, trong đó đáng chú ý là huyện Bình Chánh có 4 vụ (đã giải quyết 3 vụ với số tiền bôi thường hơn 820 triệu đồng), quận 7 có 2 vụ… Thi hành án quận 12 cũng có 1 vụ, với số tiền yêu cầu bồi thường hơn 1,1 tỉ đồng.
Hiện một số vụ đang trong quá trình thương lượng giải quyết, một số vụ người dân đã nộp đơn khởi kiện lên tòa, chờ phán quyết. Cá biệt có vụ đã kéo dài hơn 20 năm, nhưng đến nay vẫn phải chờ ý kiến của các cơ quan chức năng…
Theo đánh giá, mặc dù công tác triển khai Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã được các cơ quan, ban ngành trên địa bàn Thành phố thi hành quyết liệt, nhưng đến nay vẫn còn rất nhiều vướng mắc trong quá trình giải quyết.
Nâng cao tính dự báo để chủ động xử lý
Tại buổi làm việc, đại diện một số đơn vị đã đặt ra những vấn đề về tính dự báo cũng như khó khăn trong quá trình giải quyết những trường hợp phát sinh, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai. Đại diện sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM cho biết, dù chưa có vụ việc nào phải bồi thường trên hồ sơ pháp lý, nhưng trên thực tế đã có trường hợp người làm sai đã chủ động bỏ tiền ra để bồi thường…
Các đại biểu cũng đặt ra vấn đề như, cần phải phối hợp chặt chẽ hơn, làm tốt công tác dự báo tốt hơn để dự trù kinh phí bồi thường, nhằm tránh trường hợp khi có oan, sai xảy ra cần bồi thường nhưng lại không có kinh phí khiến người bị oan, sai bức xúc kéo dài.
Đại diện Bộ Công an chia sẻ, hiện nay, mặc dù công an TP HCM chưa có vụ nào phải bồi thường, nhưng ở một số địa phương khác đã có. Tại tỉnh Đắk Lắk có 2 vụ liên quan tới 3 cơ quan, nhưng lại chưa xác định được chính xác là cơ quan nào. Hiện đã chỉ đạo để làm dứt điểm vụ này.
Theo đại diện Bộ Công an, không thể để dân cứ oan, các cơ quan lại cứ đùn đẩy trách nhiệm. Chúng ta cần tránh làm người dân bức xúc thêm. Cần xác minh làm rõ với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Không thể nói mất hồ sơ, nếu mất hồ sơ thì cần phải xem mất ở giai đoạn nào thì ở đó chịu trách nhiệm…
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đã ghi nhận và đánh giá cao tình thần trách nhiệm của UBND TP HCM và các sở, ban ngành liên quan đã triển khai đồng bộ Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước. Thứ trưởng nhấn mạnh, hiện nay, theo Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước, phạm vi trách nhiệm bồi thường nhà nước đã được quy định mở rộng hơn, mức độ nhận thức của người dân cũng được nâng cao. TP HCM là địa bàn trọng điểm kinh tế của cả nước nên cần hết sức thận trọng về khả năng phát sinh nhiều vụ việc yêu cầu bồi thường trong thời gian tới. TP cần đưa ra được những giải pháp để chủ động nắm bắt thông tin sai phạm dẫn tới nguy cơ có thể phát sinh yêu cầu bồi thường...
Hoàng Quý
http://baophapluat.vn