Chiều 19/2, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đã chủ trì cuộc họp thẩm định Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.
Trong thời gian qua, Quốc hội đã ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung nhiều đạo luật quan trọng nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, trong đó có Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Các đạo luật này đã góp phần xóa bỏ rào cản về đầu tư, kinh doanh không phù hợp với kinh tế thị trường và cam kết hội nhập của Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các nhà đầu tư.
Đặc biệt, Luật Doanh nghiệp đã bãi bỏ một số yêu cầu, điều kiện tại thời điểm thành lập doanh nghiệp để từng bước chuyển đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm; đơn giản hóa thủ tục và rút ngắn thời gian thành lập doanh nghiệp, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài; bãi bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư trong nước; tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động trong quá trình hoạt động kinh doanh và tổ chức quản lý doanh nghiệp.
Bên cạnh kết quả đạt được, thực tiễn hơn 2 năm thi hành Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện hơn nữa một số quy định của các Luật này. Khẳng định đây là 2 đạo luật có tác động lớn, dẫn dắt quá trình thay đổi và khởi động quá trình kinh doanh, các đại biểu tham dự cuộc họp đã bày tỏ quan điểm cần tạo điều kiện nhiều hơn nữa cho các doanh nghiệp trong quá trình gia nhập thị trường Việt Nam, đồng thời thảo luận sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến cơ chế ký quỹ; thủ tục đăng ký doanh nghiệp; chính sách bảo lãnh cân đối ngoại tệ; đề nghị dự thảo Luật nâng mức độ minh bạch đối với các doanh nghiệp nhà nước trong vấn đề công bố thông tin; đưa ra tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, trình độ quản trị đối với các thành viên hội đồng quản trị độc lập…
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Nguyễn Văn Toàn cho rằng, dự thảo Luật nên tập trung xây dựng các quy định trong Luật để thúc đẩy quá trình chuyển đổi tốt hơn cũng như nên có một chính sách khuyến khích mạnh mẽ để giúp đỡ các tập đoàn kinh tế Việt Nam vươn ra thế giới. Đối với việc đầu tư nước ngoài về Việt Nam thì phải có giải pháp để thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, đặt vấn đề hiệu quả lên cao nhất như chất lượng nguồn nhân lực, tiếp thu và phát triển công nghệ…
Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) Dương Đăng Huệ đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo xem xét sự thống nhất giữa tên gọi và phạm vi điều chỉnh. Ngoài ra, ông Huệ nêu ý kiến phải có biện pháp để nắm rõ được đầu tư; phải tạo điều kiện và khuyến khích để doanh nghiệp đăng ký kinh doanh.
Phó Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Trần Văn Hiền cho rằng, cơ quan chủ trì soạn thảo nên cân nhắc xem Nhà nước có nên cử kiểm soát viên vào các tập đoàn lớn hay không. Về việc đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài, ông Hiền đề nghị cần phải thẩm định năng lực tài chính của các doanh nghiệp đó.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đánh giá cao sự chuẩn bị của cơ quan chủ trì soạn thảo, đồng thời đề nghị phải rà soát, xem xét kỹ càng các quy định trong dự thảo Luật để tránh mâu thuẫn với các Luật liên quan, đặc biệt là Luật Đầu tư công, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai… Bên cạnh đó, Thứ trưởng Hiếu cũng yêu cầu cơ quan soạn thảo xem xét, cân nhắc lại các thay đổi về biện pháp ưu đãi đầu tư, giảm tải sự bất bình đẳng giữa các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Bàn về quy định đấu giá quyền sử dụng đất, đấu giá đất, phải căn cứ đúng vào bản chất của đấu giá và đấu thầu để thực hiện, Thứ trưởng lưu ý Ban soạn thảo phải thể hiện rõ nội dung, hoàn thiện câu chữ về việc phải đấu giá, trường hợp không đấu giá được thì mới cân nhắc đến việc đấu thầu. Về thẩm quyền chấp nhận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, dự thảo Luật cân nhắc việc bãi bỏ quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Nếu cần thiết, Thủ tướng có thể ủy quyền hoặc phân quyền cho phù hợp.
Trong một số ngành nghề kinh doanh đặc thù như chứng khoán, bảo hiểm, dự thảo Luật cũng cần phải cân nhắc việc thay đổi cơ chế, đồng thời đánh giá chi phí tuân thủ, đánh giá tác động đến thực tiễn khi Nhà nước kinh doanh các ngành nghề, lĩnh vực đặc thù này.
Phương Mai