Tăng thẩm quyền xử phạt hành chính nhưng phải phù hợp với thực tế

15/02/2019
Tăng thẩm quyền xử phạt hành chính nhưng phải phù hợp với thực tế
Chiều 13/2, Bộ trưởng Lê Thành Long chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về xây dựng việc sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) năm 2012. Cùng dự có Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh, nguyên Thứ trưởng Đinh Trung Tụng và đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ.

Dự kiến sửa đổi 4 vấn đề lớn
Báo cáo tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Quản lý XLVPHC và theo dõi thi hành pháp luật Đặng Thanh Sơn điểm lại một số công việc đã tiến hành và nêu dự kiến sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Luật xoay quanh 4 vấn đề lớn. Một trong những vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm chính là về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Theo đó, ngoài việc sửa đổi tên gọi, bãi bỏ hoặc bổ sung, nâng thẩm quyền một số chức danh có thẩm quyền xử phạt thì sẽ sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến giao quyền. Cụ thể, cấp trưởng được giao quyền cho cấp phó trong tất cả các quyết định về XLVPHC nói chung và các quyết định về xử phạt vi phạm hành chính nói riêng; cấp phó được giao quyền xử phạt vi phạm hành chính thì cũng được thực hiện các công việc khác có liên quan đến việc ra quyết định xử phạt.
Cũng theo ông Sơn, xuất phát từ vướng mắc thực tiễn về áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, dự kiến lần này sẽ sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ để làm rõ hơn quy định “02 lần trở lên trong 6 tháng”. Chẳng hạn, người từ đủ 18 tuổi trở lên có từ 02 lần trở lên trong 06 tháng thực hiện hành vi xâm phạm tài sản của cơ quan, tổ chức; tài sản, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của công dân hoặc người nước ngoài; vi phạm trật tự, an toàn xã hội nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Hoặc, bỏ quy định này đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn… Đồng thời, có nhiều sửa đổi về trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp xử lý hành chính
Cần hài hòa giữa pháp luật hình sự và hành chính
Qua khảo sát thực tế, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Nguyễn Văn Cương cho hay, Luật hiện hành thiết kế thẩm quyền xử phạt theo hướng ghi rất rõ từng chức danh xử phạt nên mỗi khi có sự thay đổi thì các quy định liên quan rất dễ bị lạc hậu. Do vậy, cần sửa đổi theo hướng chung hơn, khái quát hóa hoặc quy định mở để thực hiện chủ trương cải cách tổ chức, bộ máy tới đây không ảnh hưởng đến các quy định của Luật.
Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến e ngại việc sửa đổi giao quyền như dự kiến sẽ là “cớ” để người đứng đầu thoái thác trách nhiệm, trong khi việc giao quyền vốn là vấn đề nội bộ của cơ quan hành chính. Đồng ý phải tăng thẩm quyền xử phạt mới đảm bảo đủ sức răn đe nhưng ông Tuyến góp ý cũng nên tính toán cho phù hợp với thực tế.
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính Lê Thị Vân Anh đề nghị cân nhắc việc sửa đổi quy định “02 lần trở lên trong 06 tháng” đối với người có hành vi vi phạm từ đủ 18 tuổi trở lên. Bởi theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 thì đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi vi phạm từ lần thứ 2 là bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chứ không có trường hợp nào chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Bên cạnh đó, bà Vân Anh còn lưu ý sự chồng chéo nhất định về mức phạt tiền giữa quy định pháp luật hành chính với hình sự, trong một số trường hợp mức phạt hành chính cao hơn mức phạt trong hình sự dù tính chất, mức độ nguy hiểm vốn thấp hơn.
Chia sẻ với ý kiến về mức phạt tiền nêu trên nhưng Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh cho hay, thực thế có nhiều mức phạt hành chính không đủ sức răn đe, điển hình như lĩnh vực xây dựng. Vì thế, Thứ trưởng quan niệm, cần hài hòa giữa pháp luật hình sự và hành chính song cũng cần cân nhắc đến thực tiễn và kiến nghị từ các bộ, ngành, địa phương. Cho biết Cục Quản lý XLVPHC đã chủ động nghiên cứu, xây dựng sửa đổi, bổ sung Luật, Thứ trưởng cho rằng Cục có thể làm văn bản đề nghị các bộ, ngành rà soát, nghiên cứu đề xuất các chức danh có thẩm quyền xử phạt để làm cơ sở tổng hợp.
Đánh giá cao sự chuẩn bị chủ động, tích cực của Cục Quản lý XLVPHC, Bộ trưởng Lê Thành Long yêu cầu Cục tiếp tục nghiên cứu xem có thể giải mã được một số vấn đề lý luận như quan hệ với Bộ luật Hình sự, pháp luật hình sự; quan hệ với Luật Phòng, chống ma túy; thời hiệu; liệt kê hay không các chức danh có thẩm quyền xử phạt… Bộ trưởng cũng đề nghị Cục tính toán cân nhắc các góp ý cụ thể của đại diện các đơn vị như bỏ quy định “02 lần trở lên trong 06 tháng” liệu có phù hợp không… Chỉ đạo riêng về kế hoạch sửa đổi, bổ sung Luật, Bộ trưởng cho biết cần hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung để trình đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình năm 2019.
Thục Quyên