Chiều 18/2, Bộ trưởng Lê Thành Long đã chủ trì cuộc họp nghe các đơn vị liên quan báo cáo về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Giám định tư pháp (GĐTP) năm 2012.
Khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh
Báo cáo tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Đỗ Hoàng Yến cho biết, việc thực hiện Luật GĐTP đã đạt được một số kết quả quan trọng sau 5 năm triển khai, làm cho công tác GĐTP ngày càng đi vào nền nếp, góp phần tích cực giúp cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết các vụ án, vụ việc khách quan, chính xác. Tuy nhiên, qua thực tiễn theo dõi, quản lý nhà nước về GĐTP cho thấy hoạt động giám định ở một số lĩnh vực chưa bảo đảm đáp ứng yêu cầu của hoạt động tố tụng, nhất là giải quyết các vụ án về tham nhũng, kinh tế. Một số cơ quan, tổ chức được trưng cầu thì còn từ chối, né tránh, đùn đẩy việc làm giám định hoặc chậm trễ trong tổ chức thực hiện việc giám định.
Ngoài ra, việc phối hợp cung cấp tài liệu cho cơ quan giám định có vụ việc còn chậm hoặc không đầy đủ. Chất lượng kết luận giám định trong một số trường hợp còn chưa bảo đảm chặt chẽ, việc đánh giá, sử dụng kết luận giám định còn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ của hoạt động điều tra, truy tố và xét xử, nhất là trước yêu cầu giám định phục vụ giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế. Vì vậy, để thực hiện kết luận của Tổng Bí thư - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cùng các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ thì cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật GĐTP, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong giai đoạn hiện nay.
Theo đó, dự kiến sẽ bổ sung quy định về căn cứ, cách thức đánh giá, sử dụng kết luận GĐTP để bảo đảm sự bình đẳng, công bằng trong việc xem xét, đánh giá, sử dụng kết luận giám định. Đồng thời, bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về thời hạn giám định, quy định trách nhiệm của các bộ, ngành chuyên quản lĩnh vực giám định trong việc ấn định thời hạn giám định cụ thể đối với từng loại việc giám định để bảo đảm tính đồng bộ, tương thích với quy định của pháp luật tố tụng, đặc biệt là khắc phục tình trạng chậm trễ trong tiếp nhận, thực hiện giám định trong thời gian qua, gây ảnh hưởng đến tiến độ xử lý các vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế.
Bên cạnh đó, sẽ bổ sung quy định mang tính phân cấp trong tiếp nhận trưng cầu và thực hiện giám định ở cấp Trung ương và cấp tỉnh để khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trong tiếp nhận và thực hiện giám định ở nhiều địa phương và bộ, ngành chủ quản; bổ sung quy định về trách nhiệm của các cơ quan trưng cầu, cơ quan tiến hành tố tụng để khắc phục những tồn tại hiện nay về GĐTP, nhất là tình trạng lạm dụng GĐTP để gây khó cho công tác điều tra, truy tố và xét xử theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng… Cùng với một số sửa đổi, bổ sung mang tính kỹ thuật, đề xuất sẽ có quy định về chỉ định đơn vị đầu mối ở từng bộ, ngành quản lý lĩnh vực GĐTP để tiếp nhận, phân công và giám sát hoạt động giám định…
Kịp thời đáp ứng yêu cầu chống tham nhũng
Đại diện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (gọi tắt là Cục Cảnh sát kinh tế (C03) – Bộ Công an nhận thấy các dự kiến sửa đổi, bổ sung đáp ứng được yêu cầu hiện nay trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng và kỳ vọng những quy định sẽ sửa đổi, bổ sung giúp khắc phục được tình trạng né tránh, đùn đẩy trong công tác GĐTP. Còn từ thực tiễn, vị này chỉ ra một số vướng mắc phát sinh, trong đó khó khăn nhất là tiền định giá – căn cứ để xác định thiệt hại trong vụ việc là bao nhiêu, mà điển hình là các vụ liên quan đến Vũ “nhôm”. Hay Bộ Tài chính quy định phải có đề xuất định mức chi cho công tác giám định nhưng án thực tiễn diễn ra không thể biết trước được như trong vụ BOT Trung Lương khám xét hàng chục trụ sở, không định giá nên không tiến hành giám định được, dẫn đến kéo dài thời hạn tố tụng. Trên cơ sở đó, đại diện C03 đề xuất sửa đổi một số nội dung, bao gồm sửa đổi cả việc thành lập hội đồng định giá lần đầu tại Trung ương theo Nghị định số 30/2018/NĐ-CP.
Trước đề xuất trên và trả lời câu hỏi của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, bà Nguyễn Thị Việt Anh (Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính) nêu quan điểm cá nhân rằng, vấn đề giá tại Bộ Tài chính do Cục Quản lý giá giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước và đang thực hiện theo Nghị định 30. Trong khi công tác GĐTP thực hiện theo Luật GĐTP và các văn bản hướng dẫn thi hành. Bởi thế, đây là hai vấn đề khác nhau, không thể lồng vào để sửa đổi, bổ sung trong Luật GĐTP. Tuy nhiên, trước thực tế được phản ánh, bà Việt Anh cho biết sẽ báo cáo Lãnh đạo Bộ Tài chính và phối hợp với Cục Bổ trợ tư pháp có ý kiến cụ thể sao cho làm rõ quy trình của hoạt động định giá sẽ hỗ trợ như thế nào cho công tác GĐTP.
Sau khi lắng nghe các ý kiến phát biểu, Bộ trưởng Lê Thành Long chỉ đạo các nội dung sửa đổi cần phân thành 2 nhóm vấn đề bao gồm nhóm vấn đề chuyên môn (các quy định về thời hạn giám định, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy…) và nhóm vấn đề về năng lực tổ chức thực hiện. Bộ trưởng cũng yêu cầu dẫn chứng một số vụ việc cụ thể chứng minh cho các đánh giá, lập luận, nếu có thì bổ sung số liệu công tác GĐTP phục vụ cho đấu tranh phòng, chống tham nhũng để nhấn mạnh sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật GĐTP 2012.
H.Thư