Chiều 12/9, Bộ Tư pháp pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan, tổ chức khác có liên quan để xây dựng dự thảo Nghị định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thay thế Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Tham dự và chủ trì cuộc họp có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng, đại diện các bộ, ngành và đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.
Sau khi nghe đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo trình bày Dự thảo Tờ trình và những nội dung cơ bản của Dự thảo Nghị định, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đề nghị thành viên hội đồng tập trung làm rõ một số vấn đề liên quan đến tính tương thích, đồng nhất với Điều ước quốc tế; tính phù hợp; tính cần thiết; điều kiện bảo đảm nguồn nhân lực, hoàn thiện hồ sơ. Trao đổi, thảo luận tại buổi họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đều nhất trí với sự cần thiết xây dựng Dự thảo Nghị định về hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tuy nhiên, một số thành viên Hội đồng thẩm định cho rằng Dự thảo Nghị định cần quy định rõ hơn về việc đảm bảo nguồn nhân lực thực hiện; theo đó cũng cần bố trí ngân sách nhà nước cho phù hợp. Các quy trình thủ tục cần phải xem xét đã được định danh chính xác hay chưa và phải có các quy định riêng, phục vụ cho lợi ích của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Về trách nhiệm, các cơ quan nhà nước chỉ có nhiệm vụ kiến tạo, giúp đỡ cho các doanh nghiệp đạt hiệu quả cao nhất, không tham gia vào hỗ trợ trực tiếp…
|
|
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đánh giá cao sự chuẩn bị của cơ quan chủ trì soạn thảo. Thứ trưởng lưu ý cần làm rõ hơn trách nhiệm, thẩm quyền của các cơ quan nhà nước, tăng cường sự thống nhất, đồng bộ giữa các bộ luật có liên quan để đảm bảo tính thống nhất, thông suốt. Đồng thời Ban soan thảo cũng phải cân nhắc các vấn đề liên quan đến chi phí, làm rõ quy trình thủ tục sao cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cảm thấy được hỗ trợ tối đa, liệt kê đối tượng áp dụng theo thứ tự quan trọng… Để bảo đảm chất lượng của Dự thảo Nghị định trước khi trình Chính phủ, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định, tiếp tục rà soát, chỉnh lý Dự thảo Nghị định.
Phương Mai