Hội thảo "1000 năm Thăng Long – Hà Nội với những sự kiện chính trị - pháp lý trọng đại của đất nước"

16/09/2010
Hội thảo "1000 năm Thăng Long – Hà Nội với những sự kiện chính trị - pháp lý trọng đại của đất nước"
Sáng nay (16/9), tại Hội trường Thái học, Trung tâm Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo "1000 năm Thăng Long – Hà Nội với những sự kiện chính trị - pháp lý trọng đại của đất nước". Đây là môt trong những những sự kiện hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Tham dự Hội thảo có Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Thứ trưởng Thường trực Hoàng Thế Liên, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính, ông Lê Thúc Anh – Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cùng đông đảo các đồng chí lãnh đạo đại diện cho các cơ quan Trung ương của Đảng, các bộ, ngành và UBND thành phố Hà Nội. Đặc biệt, Hội thảo được đón tiếp Tiến sỹ Nguyễn Đình Lộc – nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp, người đã có nhiều năm gắn bó với các công trình nghiên cứu khoa học pháp lý.

Sau lễ dâng hương để bày tỏ lòng biết ơn tới các vị tiên thánh, tiên hiền đã mở nguồn đạo học nước nhà, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã phát biểu khai mạc Hội thảo. Bộ  trưởng khẳng định: Bộ Tư pháp tổ chức sự kiện này với mong muốn cùng các nhà khoa học trong lĩnh vực pháp lý, lịch sử, các chuyên gia và các nhà hoạt động thực tiễn cùng nhau nhìn lại các sự kiện chính trị - pháp lý trọng đại của đất nước đã diễn ra tại Thăng Long – Hà Nội, rút ra những bài học của ông cha về an dân – trị quốc, những tư tưởng nền tảng cho các chính sách được lòng dân...; từ đó cùng nhau đóng góp cho việc hoạch định những chính sách phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng – an ninh, nâng cao vị thế đối ngoại của đất nước. Quan trọng hơn nữa, từ nhận thức về những bài học quý báu mà cha ông để lại, với nhiềm tự hào được khơi dậy, chúng ta sẽ làm tốt hơn những việc phải làm để cùng nhau tạo nên những sự kiện chính trị - pháp lý trọng đại khác của Thăng Long – Hà Nội cho hậu thế mai sau.

   

Trong khuôn khổ Hội thảo, các tác giả, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia hoạt động thực tiễn đã trình bày những bài tham luận được chuẩn bị công phu, có giá trị cao về mặt lý luận và thực tiễn. PGS.TS Bùi Xuân Đính và CN. Tạ Minh Tâm nghiên cứu về " Vị thế và bộ máy chính quyền Thăng Long- Hà Nội trong hệ thống hành chính nước Đại Việt thời phong kiến"; "Nhà nước phong kiến với việc cử người đứng đầu Thăng Long- Hà Nội" để rút ra một số kinh nghiệm về quản lý hành chính Nhà nước. PGS.TS Vũ Thị Phùng với chuyên đề "Hồ Quý Ly và những bài học về cải cách chính trị, kinh tế, giáo dục cuối thế kỳ XIV, đầu thế kỷ XV" đã chỉ ra những kinh nghiệm cải cách, đồng thời nêu tấm gương về trách nhiệm công dân của Hồ Quý Ly... Các công trình nghiên cứu đều thể hiện tâm huyết của các tác giả với lịch sử, văn hóa, những sự kiện chính trị - pháp lý của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

 

 

 

 

Cục Công nghệ thông tin

Trải qua hơn 10 thế kỷ tồn tại, chứng kiến biết bao biến cố lịch sử, Thăng Long – Hà Nội vẫn luôn là niềm tự hào của dân tộc, là nơi lưu dấu quá khứ oai hùng và nền văn hiến của dân tộc, là biểu tượng tập trung cho đất nước, con người Việt Nam... Trong lĩnh vực pháp luật, Thăng Long là nơi ra đời của những bộ luật đánh dấu những thành tựu đầu tiên trong lịch sử pháp quyền Việt Nam như bộ Hình thư nhà Lý, Bộ luật Hồng Đức nổi tiếng với những quy định mang đầy tính nhân văn, một kỹ thuật lập pháp hoàn hảo xét trong bối cảnh của xã hội phong kiến với nhữn quy định ngắn gọn, dễ hiểu, gần dân vì phản ánh được tập quán, truyền thống của người Việt.

(trích: Bài phát biểu khai mạc của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường)