“Mở” rồi có cần hướng dẫn?
Với quy định trước đây chỉ có tổ chức kinh doanh hoặc cá nhân kinh doanh mới có quyền lựa chọn trọng tài đã gây khó khăn cho các Trung tâm trọng tài và cả cá nhân có nguyện vọng lựa chọn trọng tài làm phương thức giải quyết tranh chấp. “Trung tâm chúng tôi và cả 6 Trung tâm trọng tài anh em đều khốn khổ vì pháp luật không quy định rõ trọng tài được giải quyết tranh chấp giữa ai với ai” - ông Nguyễn Minh Chí, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho biết. Ví dụ tranh chấp công trình xây dựng của một cơ quan nhà nước là tranh chấp giữa Ban quản lý công trình đó với chủ đầu tư. Theo quy định thì trọng tài không được làm nhưng chúng tôi phá cách, cứ có một bên hoạt động thương mại là thụ lý, dù rất “rón rén”, ông Chí dẫn chứng.
Với quy định của Luật Trọng tài thương mại mới, phạm vi thẩm quyền của trọng tài đã được mở rộng. Bất kỳ tổ chức, cá nhân nào đều có thể thỏa thuận lựa chọn trọng tài để giải quyết tranh chấp miễn là lĩnh vực đó phát sinh theo quy định của luật. Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Minh Chí, điều ông phân vân nhất là có nên quy định chi tiết về phạm vi nữa hay không. Kinh nghiệm trước đây đã từng cho thấy, có khi những quy định hướng dẫn vô hình chung lại “bó hẹp” phạm vi so với Luật, và làm khó cho trọng tài.
Còn Luật sư, Trọng tài viên Nguyễn Mạnh Dũng, Phó tổng thư ký Trung tâm trọng tài quốc tế Thái Bình Dương thì cho rằng, cần quy định theo hướng thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài gồm: tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại (là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác).
Đối với tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại, ông Dũng đặt câu hỏi: có thể hiểu bao gồm hợp đồng cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ?
Vấn đề này, đại diện Ban soạn thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật cho biết: thẩm quyền của trọng tài là một trong ba nội dung chưa tương thích với yêu cầu hội nhập quốc tế. Nếu chỉ “khoanh” về tổ chức thì rất đơn giản nhưng nếu hướng dẫn cả những vấn đề về chuyên môn thì ngược lại, rất phức tạp, nhưng lại tạo điều kiện cho các quy định của Luật có tính khả thi cao trên thực tế.
Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời: Cần quy định rõ
Một trong những vấn đề được coi là bước tiến dài trong Luật Trọng tài thương mại mới là quyền được áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Hội đồng trọng tài, theo đó Hội đồng trọng tài được áp dụng 6 biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp thì mặc dù Luật trao quyền nhưng lại “quên” không quy định việc thi hành các quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, quyết định thay đổi, áp dụng bổ sung, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời của Hội đồng trọng tài. Do đó, dự thảo Nghị định cần đưa vào quy định này.
Góp ý vào dự thảo, đại diện Dự án USAID/STAR cho rằng, việc thi hành các quyết định nêu trên nên thực hiện tương tự như áp dụng các biện pháp của Tòa án.
Dự thảo Nghị định mới nhất cũng quy định theo hướng: việc thi hành quyết định áp dụng khẩn cấp tạm thời, hủy bỏ, bổ sung… của Hội đồng trọng tài được thực hiện theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự về thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án.
Bình An