Báo cáo tại Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Lê Thị Kim Dung cho biết, công tác phối hợp giữa hai Bộ năm 2015 rất hiệu quả và được thể hiện qua kết quả thực hiện các nhiệm vụ trong 9 nội dung phối hợp. Cụ thể, trong công tác xây dựng pháp luật, với sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, sự phối hợp của các đơn vị chức năng của Bộ Tư pháp, Bộ GD&ĐT đã trình cấp trên ban hành 12 văn bản, ban hành theo thẩm quyền 35 văn bản. Đối với công tác kiểm tra, xử lý văn bản, ngoài tự kiểm tra, Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Tư pháp kiểm tra, phát hiện thiếu sót của Thông tư liên tịch số 11/2015/TTLT-BGDĐT-BNV. Hai Bộ cũng phối hợp triển khai thực hiện 2 Quyết định của Thủ tướng phê duyệt đề án xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật TP.HCM thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về những pháp luật và đề án xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp...
Được sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo 2 Bộ, các đơn vị chức năng có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng trong công tác chuyên môn, góp phần thực hiện tốt công tác pháp chế ngành giáo dục cũng như việc góp ý, thẩm định văn bản theo chức năng, nhiệm vụ. Đặc biệt, văn bản do Bộ GD&ĐT chủ trì soạn thảo trình cấp có thẩm quyền ban hành, ban hành theo thẩm quyền đã đảm bảo chất lượng, tiến độ thực hiện và hệ thống pháp chế ngành Giáo dục ngày càng được củng cố.
Tuy nhiên, việc xây dựng, kiện toàn tổ chức pháp chế ở các địa phương theo quy định của Nghị định 55/2011/NĐ-CP còn gặp khó khăn, chưa được như kỳ vọng. Về tổ chức và hoạt động của pháp chế ở các Sở GD&ĐT còn chưa được quan tâm thỏa đáng; một số địa phương còn thiếu đội ngũ cả về số lượng và chất lượng. Việc triển khai kế hoạch công tác pháp chế còn chưa được khoa học, một số nhiệm vụ dồn vào cuối năm nên việc triển khai còn bị động, chưa thực sự hiệu quả...
Bước sang năm 2016, hai Bộ sẽ tiếp tục triển khai tốt hơn Chương trình số 474/CTr-BGDĐT-BTP về phối hợp thực hiện công tác pháp chế giữa hai Bộ giai đoạn 2015 – 2020 đã được hai Bộ trưởng thống nhất ký kết. Trong đó, nội dung hàng đầu vẫn là công tác xây dựng pháp luật mà Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng rất trăn trở. Ông chia sẻ, mặc dù được Lãnh đạo Bộ rất quan tâm nhưng công tác này còn không ít vướng mắc, bất cập và chỉ đạo các đơn vị phải biết đẩy mạnh sự phối hợp với Bộ Tư pháp bởi hiện mới có Bộ GD&ĐT và Ủy ban Dân tộc cùng Bộ Tư pháp ký kết phối hợp công tác.
Trên cơ sở đó, Bộ GD&ĐT đề nghị Bộ Tư pháp rà soát để đưa vào Chương trình công tác năm 2016 của Chính phủ các văn bản, đề án chưa hoàn thành trong năm 2015 hoặc đã đề nghị chuyển sang năm 2016; các văn bản hướng dẫn luật, pháp lệnh, nghị định của Chính phủ; văn bản do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Bộ GD&ĐT tiếp tục đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ để thẩm định, góp ý các văn bản nhằm ban hành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, đồng thời có các tư vấn kịp thời để xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh. Đối với một số văn bản cấp Bộ phức tạp thuộc thẩm quyền cấp Bộ, Bộ GD&ĐT sẽ gửi xin ý kiến của Bộ Tư pháp. Đáng chú ý, đại diện lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ GD&ĐT còn đề xuất mạnh dạn đổi mới công tác xây dựng pháp luật theo hướng tập trung về một đầu mối là Vụ Pháp chế, như vậy sẽ giải quyết được lo lắng của Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng.
Đồng quan điểm với Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng cũng liên tục đề cập đến việc phải phối hợp chặt chẽ hơn trong công tác xây dựng pháp luật, đảm bảo chất lượng, tiến độ của các văn bản. Ngoài ra, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng nêu thực tế về vị trí của hai Bộ trong xếp hạng Chỉ số Cải cách hành chính (năm 2014, Bộ Tư pháp đứng thứ 9, còn Bộ GD&ĐT đứng thứ 18/19 Bộ, ngành). Vì thế, bên cạnh triển khai hiệu quả Chương trình 474, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị trong năm 2016 hai Bộ cùng nỗ lực phấn đấu để cải thiện thứ hạng trong bảng xếp hạng Chỉ số Cải cách hành chính.
Cẩm Vân