Bộ trưởng Hà Hùng Cường tiếp kiến Thủ tướng Chính phủ Lào

25/12/2015
Bộ trưởng Hà Hùng Cường tiếp kiến Thủ tướng Chính phủ Lào
Hôm nay (25/12) tại Viêng Chăn, Bộ trưởng Hà Hùng Cường, Thứ trưởng Lê Thành Long và Đoàn công tác Bộ Tư pháp Việt Nam đã tiếp kiến Thủ tướng Chính phủ Lào Thong Sỉnh – Thăm Mạ Vông trước khi cùng Chánh văn phòng Trung ương Đảng nhân dân cách mạng Lào Khăm Phăn – Kổm Ma Thắt, Bộ trưởng Tư pháp Lào Bun Cợt – Xẳng Xổm Xắc chủ trì Hội thảo về việc “Cải cách hệ thống tư pháp và việc tổ chức thi hành án tại Việt Nam”.

Hợp tác pháp luật có vai trò “nền móng”

Thủ tướng Thong Sỉnh – Thăm Mạ Vông bày tỏ vui mừng chào đón Bộ trưởng Hà Hùng Cường và Đoàn công tác Bộ Tư pháp Việt Nam đến thăm và làm việc tại Lào. Thủ tướng nhận thấy cá nhân Bộ trưởng cũng như Bộ Tư pháp nhiều năm qua đã dành tình cảm và sự chăm lo đặc biệt đối với sự hợp tác tư pháp và pháp luật Việt – Lào, qua đó góp phần xây đắp mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước Việt – Lào.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cảm ơn Thủ tướng đã dành thời gian đón tiếp trọng thị Đoàn công tác của Bộ Tư pháp và đặc biệt là đã rất quan tâm, tạo điều kiện cho sự hợp tác phát triển tư pháp – pháp luật giữa hai Bộ Tư pháp. Bộ trưởng chúc mừng kỷ niệm lần thứ 40 Quốc khánh nước CHDCND Lào và đánh giá cao những thành tựu mà Đảng và Nhân dân Lào đã đạt được trong những năm qua, chúc mừng việc bạn ban hành Hiến pháp mới 2015, trong đó nhấn mạnh chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng nhà nước pháp quyền.

Bộ trưởng khẳng định đã, đang và sẽ luôn luôn dành sự quan tâm cao nhất, sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ nước bạn Lào xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, tư pháp. Thông báo đến Thủ tướng kết quả tốt đẹp về cuộc Hội đàm giữa hai Bộ Tư pháp diễn ra vào chiều ngày 24/12, Bộ trưởng nhấn mạnh Chương trình hợp tác tư pháp Việt – Lào năm 2016 vừa được hai bên ký kết đã đặt ra những kế hoạch, việc làm vừa có tính nền tảng vừa cụ thể nhằm góp phần phát triển hệ thống tư pháp và pháp luật Lào.

Thủ tướng Thong Sỉnh – Thăm Mạ Vông chia sẻ, Chính phủ Lào nhận thấy việc hợp tác quốc tế là vô cùng quan trọng đối với chiến lược xây dựng và hoàn thiện pháp luật. Lào đang bước vào một chương phát triển mới với bản Hiến pháp mới vừa được thông qua và Đảng nhân dân cách mạng Lào đang chuẩn bị tiến hành Đại hội Đảng lần thứ X, dự thảo những văn kiện chiến lược đặt nền móng cho sự phát triển  trong 5-10 đến 20 năm tới. Trong đó, đặt nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng nhà nước pháp quyền.

“Trong thời gian qua chúng tôi cũng đã cố gắng xây dựng nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhưng so với nhu cầu phát triển thì đến nay cũng còn chưa hoàn chỉnh. Nhưng việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã quan trọng thì việc thực thi pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống còn quan trọng hơn, đặc biệt trong bối cảnh trình độ dân trí nhìn chung còn chưa cao do đặc thù nhiều dân tộc thiểu số Lào sống rải rác ở những vùng núi cao, điều kiện để nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật là rất khó khăn. Thực trạng này không chỉ hạn chế sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước mà còn trở thành kẽ hở để các thế lực thù địch tích cực lợi dụng, chống phá” – Thủ tướng Thong Sỉnh – Thăm Mạ Vông trăn trở.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng vui mừng nhận thấy hai Bộ Tư pháp đã thống nhất ký kết một thỏa thuận hợp tác toàn diện đến năm 2020 và đặt ra những hạng mục hợp tác cụ thể hàng năm. “Chúng tôi mong muốn từ mối quan hệ hợp tác sâu sắc này hệ thống pháp luật Lào sẽ có những chuyển biến rõ nét theo hướng ngày càng hoàn chỉnh, đồng bộ và hiện đại, góp phần xây dựng một nhà nước pháp quyền tiên tiến, vì sự thịnh vượng của nhân dân anh em hai nước và hoà bình khu vực. Đề nghị các đồng chí tiếp tục phát huy” – Thủ tướng gửi gắm.

“Viết hoa từ Nhân dân từ trong Hiến pháp”

Ngay sau buổi tiếp kiến Thủ tướng Lào, Bộ trưởng Hà Hùng Cường, Thứ trưởng Lê Thành Long và Đoàn công tác đã tham dự Hội thảo về “Cải cách hệ thống tư pháp và việc tổ chức thi hành án tại Việt Nam” cùng Chánh văn phòng Trung ương Đảng nhân dân cách mạng Lào Khăm Phăn – Kổm Ma Thắt, Bộ trưởng Tư pháp Lào Bun Cợt – Xẳng Xổm Xắc và 200 đại biểu là các cán bộ trung, cao cấp của Lào.

Phát biểu đề dẫn hội thảo bằng tiếng Việt, ông Khăm Phăn – Kổm Ma Thắt nhấn mạnh nhu cầu xây dựng hoàn thiện pháp luật và hệ thống tư pháp, quản lý xã hội bằng pháp luật, xây dựng nhà nước pháp quyền của Lào. Ông cho biết, đây là nhiệm vụ chiến lược vừa cấp bách, vừa lâu dài đang đặt ra đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển “đất nước Triệu Voi”. Trong bối cảnh đó, kinh nghiệm sinh động và sự hợp tác nhiệt thành của Việt Nam là vô cùng quan trọng.

Chia sẻ tại Hội thảo về tinh thần Hiến pháp mới của Việt Nam, Bộ trưởng nhấn mạnh nguyên tắc chủ quyền nhân dân.“Mọi quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân. Từ nhân dân được viết hoa trong tất cả mọi câu chữ của bản Hiến pháp mới. Từ đó, Hiến pháp quy định phải phát huy cao độ quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân” – Bộ trưởng nói.

Nguyên tắc thứ hai là tuân thủ tối cao Hiến pháp, pháp luật và các điều ước quốc tế. Nguyên tắc thứ 3 cũng vô cùng quan trọng là công nhận, tôn trọng, bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Và cuối cùng, là tổ chức nhà nước pháp quyền, có sự kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Trong khuôn khổ Hội thảo, Thứ trưởng Lê Thành Long cũng đã có bài phát biểu chia sẻ kinh nghiệm thi hành án của Việt Nam. Hoạt động thi hành án dân sự (THADS) một mặt bảo đảm tính nghiêm minh của hệ thống pháp luật, thể hiện quyền lực nhà nước, mặt khác cũng là công cụ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, xã hội và công dân. Vì vậy, trong những năm qua, công tác THADS luôn được Đảng, Nhà nước Việt Nam đặc biệt coi trọng.

Đặc biệt, xã hội hóa công tác THADS là một trong những nội dung trọng tâm trong Chiến lược cải cách Tư pháp của Việt Nam đến năm 2020 theo Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị. Chế định Thừa phát lại được thí điểm thực hiện ở TP. Hồ Chí Minh từ năm 2010, tiếp đó mở rộng thí điểm tại 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ năm 2013.

Kết thúc hội thảo, Bộ trưởng và Thứ trưởng cũng dành thời gian giải đáp nhiều ý kiến, thắc mắc rất đa dạng của các đại biểu tham dự.

Đức Sơn 

Tin bài liên quan:

Hội đàm hai Bộ Tư pháp Việt – Lào tại Viêng Chăn