Ngày 13/03/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 22/2013/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp. Nghị định này đã đánh dấu sự phát triển và tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò của Bộ, ngành Tư pháp trong sự nghiệp xây dựng đất nước, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, nhưng cũng đặt ra những yêu cầu mới với khối lượng công việc ngày càng lớn, tính chất và mức độ ngày càng khó khăn và phức tạp, đòi hỏi yêu cầu cao về chất lượng, khẩn trương về tiến độ giải quyết công việc.
|
|
Tại Hội nghị, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 22/2013/NĐ-CP, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Lê Tiến Châu cho biết, trong thời gian 02 năm thực hiện Nghị định 22/2013/NĐ-CP, cơ cấu tổ chức của Bộ đã được kiện toàn, củng cố, thành lập mới và nâng cấp một số đơn vị thuộc Bộ để đáp ứng yêu cầu triển khai nhiệm vụ được giao. Trong cơ cấu tổ chức của Bộ đã hình thành một số cơ quan chuyên ngành, lĩnh vực để phù hợp với việc tổ chức Bộ quản lý nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực giải quyết tốt hơn vấn đề phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng. Đánh giá về những kết quả đạt được, Vụ trưởng Lê Tiến Châu cũng nêu lên một số hạn chế, bất cập trong việc thực hiện Nghị định 22/2013/NĐ-CP. Sau 02 năm thực hiện Nghị định, đã phát sinh nhiều nhiệm vụ, quyền hạn mới giao cho Bộ, ngành Tư pháp, đòi hỏi phải có nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp như: trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc giúp Chính phủ triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013; nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thống nhất công tác giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế theo Quyết định 04/2012/QĐ-TTg; nhiệm vụ của Bộ Tư pháp quản lý các chức danh nghề nghiệp hỗ trợ, phục vụ cho việc thực hiện quyền tư pháp như thừa phát lại, quản tài viên; một số lĩnh vực hộ tịch, thi hành án dân sự…
Đồng tình với Vụ trưởng Lê Tiến Châu về những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, bất cập trong việc thực hiện Nghị định 22/2013/NĐ-CP, các đại biểu tham dự Hội nghị đã có những trao đổi, thảo luận để hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu của Bộ, ngành Tư pháp trong thời gian tới. Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính cho rằng, Bộ Tư pháp được giao là cơ quan chủ trì soạn thảo, trình Chính phủ, Quốc hội việc sửa đổi, bổ sung các Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự. Đây là những lĩnh vực pháp luật cơ bản, nền tảng của hệ thống pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên thực tiễn cho thấy, hiện nay chưa có cơ quan nào có trách nhiệm trong việc tổ chức thi hành các bộ luật nêu trên, dẫn đến những mâu thuẫn nhất định trong hệ thống pháp luật, mâu thuẫn giữa văn bản chuyên ngành với các quy định của các Bộ luật trên. Do đó, với vai trò là cơ quan giúp Chính phủ trong quản lý công tác xây dựng, thi hành pháp luật, cần thiết phải nghiên cứu, giao trách nhiệm cho Bộ Tư pháp trong việc tổ chức thi hành, bảo đảm sự thống nhất các văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực với Hiến pháp và các Bộ luật.
Thống nhất cao với báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 22/2013/NĐ-CP, ông Bùi Văn Minh, Vụ Tổ chức biên chế, Bộ Nội vụ khẳng định, Bộ Tư pháp có chức năng, nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể, không bị chồng chéo với các Bộ, ngành khác; phân định rõ chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước với hoạt động sự nghiệp trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ. Ông cũng đưa ra kiến nghị về việc rà soát chức năng, nhiệm vụ còn trống hoặc thiếu, từ đó sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Ông cũng thông tin thêm chủ trương của Chính phủ về tinh gọn bộ máy và tinh giảm biên chế, theo Nghị quyết 04/NQ-CP Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01/2015, thì từ nay cho đến năm 2016 sẽ không tăng thêm biên chế, kể cả việc thành lập mới các đơn vị thì các Bộ, ngành vẫn phải tự điều chỉnh biên chế hiện có.
Khẳng định trong thời gian qua, Bộ, ngành Tư pháp cơ bản hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, công tác Tư pháp ngày càng có nhiều khởi sắc, gắn với công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, qua đó khẳng định vai trò của công tác Tư pháp trước Đảng, Nhà nước, Nhân dân và các cấp ủy, chính quyền địa phương, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cũng thẳng thắn chỉ ra các tồn tại, hạn chế như: 1) việc tham mưu quản lý vĩ mô còn nhiều bất cập, chưa phát huy được hết vai trò của Bộ, ngành Tư pháp trong việc tham mưu, giúp Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp quản lý nhà nước công tác tư pháp và pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền; 2) chưa gắn kết việc xây dựng với thi hành thể chế, đặc biệt trong lĩnh vực pháp luật dân sự và hình sự; 3) phân cấp Trung ương và địa phương còn lúng túng; 4) mô hình tổ chức bộ máy ngay trong Bộ còn bất cập, vẫn có tình trạng “cát cứ”, “xé lẻ”, “phối hợp chưa hiệu quả” để ảnh hưởng đến chất lượng nhiệm vụ được giao; 5) vấn đề xã hội hóa một số lĩnh vực còn chưa triệt để; 6) cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước và thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn.
Bộ trưởng cũng trực tiếp giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị và đề nghị các đơn vị thuộc Bộ phải phát huy trí tuệ tập thể để công tác Tư pháp ngày càng phát triển và chuyển biến mạnh mẽ hơn.
Hoàng Vy Anh