Cho phép xác định lại giới tính
Báo cáo kết quả bước đầu của Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế cho biết, về cơ bản, đa số ý kiến góp ý đều đánh giá cao mục tiêu, quan điểm xây dựng Dự án Bộ luật và những đột phá lớn trong Dự thảo Bộ luật, góp phần triển khai thi hành các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, quy định của Hiến pháp, các cam kết quốc tế của Việt Nam về tôn trọng, công nhận, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực dân sự, xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Trong các quy định cụ thể, Dự thảo Bộ luật đã có nhiều định hướng tốt để giải quyết một cách căn bản những bất cập tồn tại trong hệ thống pháp luật và trong thực tiễn kinh tế - xã hội của Việt Nam và yêu cầu hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, để hoàn thiện thì Dự thảo Bộ luật cần được tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý cả về nội dung và kỹ thuật pháp lý để bảo đảm quy định của BLDS là những chuẩn mực pháp lý trong ứng xử của người dân, trong việc cơ quan có thẩm quyền tôn trọng, công nhận, bảo đảm và bảo vệ quyền dân sự; bảo đảm hành lang pháp lý thuận lợi, an toàn, ít rủi ro hơn trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế…
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế Nguyễn Hồng Hải đã báo cáo cụ thể hơn về 10 vấn đề trọng tâm xin ý kiến nhân dân và các nội dung góp ý khác. Chẳng hạn, đối với quyền nhân thân của cá nhân thì có hai loại ý kiến và thường trực Tổ biên tập nhất trí chỉ quy định trong Dự thảo Bộ luật những quyền nhân thân nhằm xác định tư cách chủ thể của cá nhân trong quan hệ dân sự như quyền về họ, tên, dân tộc, nơi cư trú… Ngoài ra, sẽ liệt kê một số quyền nhân thân đặc thù của cá nhân trong quan hệ dân sự nhưng không được quy định cụ thể trong Hiến pháp như quyền xác định lại giới tính, quyền đối với hình ảnh, quyền được khai sinh, khai tử.
Chỉ cần quy định cá nhân và pháp nhân trong BLDS
Một trong những vấn đề thu hút nhiều ý kiến góp ý thời gian qua và cũng là một trong 10 vấn đề trọng tâm xin ý kiến nhân dân là việc có tiếp tục thừa nhận hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự. Theo ông Hải, hiện có 3 loại ý kiến về vấn đề này, trong đó loại thứ nhất và loại thứ ba tương đối đồng thuận việc không thừa nhận hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là chủ thể của quan hệ dân sự, còn loại thứ hai đề nghị tiếp tục ghi nhận hộ gia đình và tổ hợp tác là chủ thể của quan hệ dân sự. Trên cơ sở các loại ý kiến, dự kiến chỉnh lý theo hướng khi tham gia quan hệ dân sự, “mỗi thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân được xác định là chủ thể của các quan hệ dân sự này. Các thành viên có thể trực tiếp hoặc thỏa thuận cử người đại diện thực hiện quyền, nghĩa vụ có liên quan”.
Bà Bùi Thị Thanh Hằng (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) phân tích, quy định dự kiến trên tương đối phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, quy định này rõ ràng được hiểu chủ thể thực sự của quan hệ dân sự là mỗi thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác và theo kiểu “vẫn sẽ có giai đoạn quá độ”, do vậy cần có một chính sách quyết đoán hơn là mạnh dạn không thừa nhận tư cách chủ thể của hộ gia đình, tổ hợp tác mà chỉ quy định cá nhân và pháp nhân là chủ thể trong BLDS.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Thanh Thủy cũng cho rằng, tổ hợp tác và hộ gia đình rất vướng mắc trong lĩnh vực thi hành án do xác định tư cách “rất mù mờ” và đặc biệt liên quan đến tài sản hộ gia đình là đất đai, nhà ở vốn vô cùng biến động. “Tốt nhất là không còn chủ thể hộ gia đình, tổ hợp tác, hai loại hình này sẽ tham gia quan hệ dân sự với tư cách độc lập của hình thức sở hữu riêng” – ông Thủy kiến nghị. Trong khi đó, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Trần Anh Đức băn khoăn: “Lâu nay pháp luật dân sự vẫn thừa nhận và Luật Đất đai năm 2013 cũng xác định hộ gia đình là chủ thể giao dịch, vậy nếu BLDS với vai trò luật chung của hệ thống luật tư lại không quy định thì lấy gì để xử lý về sau”.
Thục Quyên