Xây dựng Bộ luật hình sự phù hợp với Hiến pháp, ghi nhận, bảo đảm quyền con người, quyền công dân

13/04/2015
Xây dựng Bộ luật hình sự phù hợp với Hiến pháp, ghi nhận, bảo đảm quyền con người, quyền công dân
Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã khẳng định như trên tại buổi tọa đàm với chuyên gia nước ngoài cho ý kiến dự thảo Bộ luật hình sự (BLHS) vào sáng nay (13/04).

Tại buổi tọa đàm, Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định, Việt Nam đang bước sang một giai đoạn phát triển mới, do đó việc xây dựng BLHS phù hợp với Hiến pháp, với chính sách của Đảng và Nhà nước, ghi nhận và bảo đảm quyền con người, quyền công dân không chỉ là thách thức đối với Bộ Tư pháp mà còn là thách thức đối với Ban Soạn thảo BLHS.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng bày tỏ vui mừng khi quá trình xây dựng và hoàn thiện có sự tham gia trao đổi kinh nghiệm của các tổ chức Liên Hợp quốc và các nước như Pháp, Mỹ để xây dựng BLHS đúng hướng mà Chính phủ yêu cầu, phục vụ đắc lực bảo vệ quyền con người và quyền công dân, phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, phục vụ tốt quá trình hội nhập nói chung, trong đó có hội nhập về kinh tế.

Trách nhiệm tố giác tội phạm

Trong quá trình xây dựng BLHS, vấn đề không tố giác tội phạm, che dấu tội phạm, xóa án tích đã được thảo luận nhiều lần. Tại buổi tọa đàm, ông Scott Ciment, Cố vấn chính sách về pháp quyền và tiếp cận công lý UNDP tại Việt Nam cho biết, có một số công việc đặc thù mà nhiều nước trên thế giới BLHS cho phép không phải báo cáo (tố giác) tội phạm như luật sư, bác sĩ tâm lý, cán bộ y tế. Ở Việt Nam cũng có quy định này, theo đó thành viên trong gia đình không có trách nhiệm báo cáo tội phạm. Tuy nhiên, ông Scott Ciment cho rằng quy định này cũng là “vấn đề gây ra quan ngại, vì các thành viên trong gia đình hiện nay là quá rộng, nhiều khi cha mẹ được hưởng lợi từ hành vi phạm tội của con”. Ông khuyến nghị, BLHS Việt Nam không nên quy định về trách nhiệm tố giác tội phạm của bác sĩ, luật sư, cán bộ y tế như các nước trên thế giới.

Án tích – cần được xóa đương nhiên chứ không do Tòa án quyết định

Xóa án tích là một chế định rất quan trọng của tư pháp. Theo ông Scott Ciment, BLHS cần quy định rõ làm gì để được xóa án tích. Ông cho rằng, “điều kiện để xóa án tích có thể lấy bằng chứng từ Bộ Công an là không phạm tội mới, hoặc đã có việc làm, có thu nhập, hoặc từ lời khai của nhân chứng khác là người đó đã có lối sống lương thiện”.

Đồng tình với Scott Ciment, Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao cho biết, người phạm tội chấp hành hình phạt chưa đủ, sau khi đã chấp hành xong hình phạt, còn cần có thời gian kiểm soát để người đó có tiếp tục phạm tội hay không... Tuy nhiên, nếu án tích quá nghiêm khắc, kéo dài thì không ổn. Theo ông “khi người phạm tội đã chấp hành xong hình phạt, trong thời hạn luật định, án tích phải đương nhiên được xóa, chứ không do Tòa án quyết định. Nếu Tòa án quyết định thì thành xét xử lần hai. Do vậy, bất kỳ vấn đề gì, khi chấp hành hình phạt xong, thì không còn án tích”.  Ông cũng cho rằng, không cần thủ tục cấp Giấy chứng nhận xóa án tích, mà chỉ cần Phiếu lý lịch tư pháp và trong Phiếu này, Nhà nước phải ghi nhận, chứ cá nhân không có nghĩa vụ phải chứng minh.

Về vấn đề xóa án tích đối với người chưa thành niên (NCTN) phạm tội, ông Ciment nói, việc xóa án tích là đương nhiên khi NCTN đã được cải tạo, hành vi của NCTN không bị coi là tội phạm mà chỉ coi là có hành vi không hợp pháp và không cần báo cáo trong lý lịch là họ đã phạm tội. Đây là vấn đề quan trọng đối với NCTN phạm tội để bảo đảm khi cải tạo xong, họ sẽ sống cuộc đời hữu ích. Do vậy, BLHS nhiều nước đã quy định rõ vấn đề này và ông cho rằng ở Việt Nam, cũng có thể làm như vậy.

Hình phạt giam giữ - chỉ nên là biện pháp cuối cùng đối với NCTN phạm tội

Ông Vijaya Ratnam – Raman, chuyên gia cố vấn về quyền trẻ em của Văn phòng Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc khu vực Đông Á-Thái Bình Dương đưa ra các khuyến nghị đối với NCTN liên quan đến BLHS. Ông nhấn mạnh, trẻ em có thể là nhân chứng, có thể là nạn nhân và cũng có thể là người phạm tội, nhưng hệ thống hình phạt thường áp dụng đối với người đã thành niên. Ở Việt Nam đã có Luật Xử lý vi phạm hành chính có nhiều quy định được áp dụng đối với trẻ em, do vậy BLHS cũng cần phải có quy định để đồng bộ trong hệ thống pháp luật và cần có những quy định chuyển hướng đối với NCTN phạm tội.  Theo ông, biện pháp tư pháp truyền thống thì cơ hội tái hòa nhập cộng đồng bị giảm đi, do đó cần cân nhắc ra ngoài hình phạt tư pháp truyền thống. Ông cũng cho rằng, bất kỳ hành vi giam giữ nào đối với NCTN phạm tội cũng chỉ nên là biện pháp cuối cùng và cần áp dụng thời gian ngắn nhất có thể.

Tọa đàm diễn ra trong hai ngày, các chuyên gia sẽ tiếp tục cho ý kiến về quy định liên quan đến tội phạm kinh tế; trách nhiệm hình sự của pháp nhân.

Hoàng Vy Anh