Mục tiêu tổng quát của Đề án tổng thể là tập trung nguồn lực xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật, có đội ngũ cán bộ, giảng viên vững mạnh; hệ thống chương trình, giáo trình, phương pháp đào tạo tiên tiến; cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị, cơ sở thực hành và thư viện hiện đại, có mô hình quản trị tiên tiến; tạo chuyển biến mạnh về quy mô, chất lượng đào tạo cán bộ pháp luật và nghiên cứu khoa học pháp lý; cung cấp nguồn nhân lực pháp luật có chất lượng cao cho các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp và toàn xã hội nhằm thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Báo cáo kết quả triển khai Đề án tổng thể, đồng chí Lê Tiến Châu, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp cho biết: Từ khi Đề án tổng thể được phê duyệt, ngoài các công việc đã được triển khai trong Ban Chỉ đạo, Bộ Tư pháp với vai trò chủ trì thực hiện Đề án tổng thể đã phối hợp cùng các Bộ, ngành chỉ đạo, hướng dẫn hai trường thực hiện các mục tiêu của Đề án tổng thể. Sau 02 năm thực hiện Đề án tổng thể, hai trường đang từng bước thực hiện các nhiệm vụ cũng như các kế hoạch đảm bảo yêu cầu thực hiện Đề án và đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, việc thực hiện Đề án tổng thể vẫn còn những tồn tại, vướng mắc trong việc triển khai như: tiến độ triển khai còn chậm, việc mở rộng quy mô đào tạo còn gặp nhiều khó khăn, chất lượng đào tạo của các trường chưa có chuyển biến mạnh mẽ...
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo,Tổ Thư ký cùng đại diện Trường Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh đã đóng góp ý kiến về việc triển khai Quyết định số 549/QĐ-TTg ngày 4/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể, những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện Đề án. Đặc biệt, một số đại biểu đã nêu lên những giải pháp cụ thể để đảm bảo triển khai Đề án tổng thể theo đúng yêu cầu đã đặt ra.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh: việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Đề án tổng thể này là cơ hội lớn, là “cú hích” để Trường Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh trở thành những trường trọng điểm của quốc gia về đào tạo cán bộ pháp luật. Bộ trưởng đề nghị trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo Đề án cùng lãnh đạo hai trường cần chỉ đạo quyết liệt, sát sao hơn nữa, nắm bắt các cơ hội, phối hợp nhịp nhàng tạo đột phá để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.