Phiên họp báo cáo bước đầu rà soát dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)

26/02/2015
Phiên họp báo cáo bước đầu rà soát dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)
Ngày 26/02, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã chủ trì phiên họp báo cáo rà soát dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) để tiếp thu, chỉnh lý trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9.

Các đại biểu tham dự đã được nghe báo cáo bước đầu rà soát dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) để tiếp thu, chỉnh lý trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9. Theo đó, sau khi trình Quốc hội dự án Bộ luật tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2014) và thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kế hoạch của Chính phủ, Kế hoạch của Bộ Tư pháp về việc lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Bộ luật, Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế đã chủ trì, phối hợp thực hiện nhiều hoạt động rà soát, lấy ý kiến về dự thảo Bộ luật. Vụ đã chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp luật - Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Bộ, Vụ Pháp luật quốc tế, Vụ Phổ biến và giáo dục pháp luật và một số đơn vị trong Bộ thực hiện các hoạt động về việc lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Bộ luật, bao gồm: Tổ chức Lễ Công bố Kế hoạch của Chính phủ về việc lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Bộ luật (ngày 05/01/2015); Phối hợp với Cục Công nghệ thông tin xây dựng chuyên trang và hòm thư điện tử về việc lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Bộ luật (xong trước ngày 05/01/2015); Tổ chức Hội nghị Phổ biến các nội dung liên quan đến việc lấy ý kiến Nhân dân cho Báo cáo viên Trung ương, Báo cáo viên các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (ngày 17/01/2015); Tổ chức Hội nghị khu vực phía Bắc về việc lấy ý kiến của đại diện các đoàn đại biểu Quốc hội, các tổ chức liên quan, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo luật học, pháp chế một số các tập đoàn, tổng công ty… (ngày 30/01/2015); Phối hợp, hướng dẫn một số địa phương, Bộ, ngành về nội dung cần lấy ý kiến Nhân dân về Bộ luật dân sự, như Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hải Dương…;

   

Tiếp đó, Vụ đã phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế, dự án JICA, Dự án Quản trị Nhà nước nhằm Tăng trưởng Toàn diện (GIG - USAID), Chương trình Đối tác Tư pháp (JPP), Đại sứ quán Cộng hòa Pháp, Tổng Hội Y học Việt Nam và chuyên gia nước ngoài (Nhật, Đức, Pháp) tổ chức các tọa đàm, hội thảo tại Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, TPHCM về rà soát, lấy ý kiến đối với dự thảo Bộ luật, cụ thể là: Tọa đàm về một số nội dung lớn còn nhiều quan điểm chưa thống nhất trong dự thảo Bộ luật; Rà soát, lấy ý kiến về sự tương thích giữa các quy định về quyền con người trong dự thảo Bộ luật với Hiến pháp 2013, điều ước quốc tế và các luật có liên quan; Rà soát, lấy ý kiến về Phần thứ nhất “Quy định chung”; Phần thứ ba “Nghĩa vụ và Hợp đồng”; Phần thứ tư “Thừa kế”; Rà soát, lấy ý kiến về các quy định của dự thảo Bộ luật liên quan đến các nhóm yếu thế (dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người cao tuổi, LGBT); Rà soát, lấy ý kiến về các quy định liên quan đến y, sinh học (Điều 37, 39 và 40). Đồng thời tham gia các tọa đàm chuyên gia của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội về việc rà soát một số nội dung của dự thảo Bộ luật liên quan đến lồng ghép giới và quyền của phụ nữ.

Cũng tại phiên họp, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế cũng báo cáo một số kết quả bước đầu về lấy ý kiến các nội dung như bố cục dự thảo Bộ luật, việc sử dụng thuật ngữ, 10 vấn đề trọng tâm cần xin ý kiến Nhân dân và một số nội dung cụ thể khác. Đại diện các đơn vị, các chuyên gia tham dự phiên họp cũng đã có ý kiến trao đổi, thảo luận thẳng thắn trên tinh thần xây dựng, đóng góp cho dự thảo Bộ luật.

   

Phát biểu kết luận tại phiên họp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định cần tăng cường đôn đốc hoạt động lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo; Phối hợp với các đơn vị truyền thông để tuyên truyền về việc lấy ý kiến và  thông báo về thời hạn lấy ý kiến. Bộ luật Dân sự là bộ luật về nội dung, đạo luật nền nên cần quy định chung nhất tất cả các vấn đề để các luật chuyên ngành đi theo, do vậy, Bộ trưởng nhấn mạnh các đơn vị cần tiếp tục có sự nghiên cứu, thống nhất cao quan điểm của Chính phủ đã đưa ra các định hướng lớn đồng thời căn cứ vào nội dung của Hiến pháp 2013 cũng như trao đổi, lắng nghe ý kiến, quan điểm của các đơn vị khác. Kết thúc phiên họp, Bộ trưởng đề nghị Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế xây dựng Dự thảo báo cáo tổng hợp có nghiên cứu, tiếp thu, giải trình kết hợp với việc lấy ý kiến các chuyên gia, các Bộ, ngành để chuẩn bị báo cáo Quốc hội.