Sửa quy định phạt cơ quan báo chí: Sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động báo chí

04/03/2015
Chiều 3/3, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã chủ trì buổi họp nghe báo cáo về Dự thảo Nghị định sửa đổi một số điều của các Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong các lĩnh vực quản lý nhà nước liên quan đến hành vi đăng, phát, cung cấp đưa tin, công bố thông tin sai sự thật. Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng đã đưa ra nhiều ý kiến chỉ đạo, theo đó sẽ góp phần tạo thuận lợi, không bó buộc hoạt động của báo chí.

Dự kiến bổ sung 2 lĩnh vực “đặc thù”

Báo cáo về quá trình xây dựng Dự thảo Nghị định, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính Nguyễn Thị Kim Thoa cho biết, Dự thảo mới nhất gồm 10 Điều với các nội dung cơ bản như bổ sung Điều 8a theo hướng đưa các hành vi đăng, phát thông tin sai sự thật trên các phương tiện thông tin đại chúng (do cơ quan báo chí thực hiện) quy định tại Nghị định xử phạt VPHC trong lĩnh vực thống kê (Nghị định 79/2013/NĐ-CP) và lĩnh vực quản lý giá (Nghị định 109/2013/NĐ-CP). Mô tả hành vi, mức phạt tiền và biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi này được giữ nguyên như quy định hiện hành; bổ sung tại các Nghị định quy định cơ quan báo chí khi thực hiện hành vi liên quan đến cung cấp, đưa tin, công bố thông tin sai sự thật thì thực hiện xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 159.

Không những thế, Dự thảo Nghị định cũng nêu rõ, hành vi cung cấp thông tin sai sự thật được quy định tại Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước khác được sửa đổi, bổ sung theo hướng mô tả rõ và thống nhất hành vi cung cấp, đưa tin, công bố thông tin sai sự thật. Đối tượng bị xử phạt đối với các hành vi vi phạm nêu trên là cá nhân, tổ chức, cá nhân khác (không bao gồm cơ quan báo chí) và do các cơ quan có thẩm quyền xử phạt.

Bà Thoa phân tích, nếu bổ sung Điều 8a sẽ tạo tính minh bạch trong quy định của pháp luật; hoặc phương án khác là thay vì đưa Điều 8a thì bổ sung các điều khoản tương ứng trong các Nghị định trên. Theo bà Thoa, phương án bổ sung Điều 8a được đa số các Bộ, ngành nhất trí, chỉ riêng Bộ Thông tin và Truyền thông là không đồng ý.

Không áp dụng để xử phạt báo chí

Cục trưởng Cục Quản lý xử lý VPHC và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) Đặng Thanh Sơn đánh giá, Dự thảo Nghị định cơ bản xử lý được vấn đề mà báo chí đã nêu, đặc biệt thống nhất được là cơ quan quản lý báo chí có thẩm quyền xử phạt, đồng thời thống nhất các nghị định khác có quy định xử phạt báo chí thì các mô tả hành vi sẽ không phải chỉ phạt báo chí mà phạt cả cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên, ông Sơn băn khoăn ở nội dung rằng việc bổ sung Điều 8a mang tính chất đặc thù nhưng mức phạt lại cao, không thống nhất với tinh thần của Nghị định 81/2013/NĐ-CP. “Quan niệm thế nào là hành vi thuộc lĩnh vực đặc thù, mức phạt tối đa trong lĩnh vực đặc thù có thể lên đến hàng tỷ nên thiết nghĩ cần cân nhắc bổ sung Điều 8a, có thể ảnh hưởng đến tổng thể của hơn 56 nghị định về VPHC” – ông Sơn lý giải.

Đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp như Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật cũng đồng quan điểm với ông Sơn và đề xuất tất cả các hành vi do cơ quan báo chí thực hiện thì xử phạt theo Nghị định 159/2013/NĐ-CP.

Ngược lại, đại diện các Vụ Pháp chế một số Bộ liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Y tế… ủng hộ bổ sung Điều 8a. Ông Trịnh Hồng Dương (Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ) nhấn mạnh phải đề cao nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, “không thể có chuyện báo chí có mức phạt riêng, cá nhân, tổ chức có mức phạt riêng”. Riêng hành vi đăng, phát sai lệch các thông tin thống kê; hành vi đăng, phát thông tin sai sự thật về tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ là hành vi của báo chí thì có mức phạt khác. Do đó, theo ông Dương, bổ sung Điều 8a là hợp lý.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng, phải chấp nhận một thời gian chưa hoàn thiện trong các Nghị định xử phạt VPHC trước khi tiến hành sơ kết để sửa một cách tổng thể, chứ không nửa vời. Bộ trưởng chia sẻ, hiện một số Nghị định đang quy định các hành vi VPHC có thể lẫn lộn giữa cá nhân, tổ chức với cơ quan báo chí, làm cho nhiều Nghị định xử phạt báo chí, nhiều cơ quan có thẩm quyền xử phạt báo chí, gây bức xúc. Bởi thế, cần thống nhất để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, làm sao quy định đúng hành vi, đúng thẩm quyền. Qua các ý kiến trao đổi, Bộ trưởng nêu quan điểm: “Phải chăng chúng ta đặt vấn đề cao hơn là làm rõ những hành vi trong các quy định hiện hành không xử phạt báo chí”. Ngoài ra, Bộ trưởng cũng băn khoăn, tại sao chỉ bổ sung 2 lĩnh vực là thống kê và giá cả trong Điều 8a khi thực tế chưa phát sinh vấn đề quá lớn, từ đó cần nghiên cứu thêm có những lĩnh vực nào khác phải bổ sung hay không.

                                   Cẩm Vân