Trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ kỹ thuật cải cách hệ thống pháp luật và tư pháp (Giai đoạn II), ngày 11/7, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Tọa đàm góp ý Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) - Phần thừa kế. Tham gia Tọa đàm là những người làm công tác thực tiễn như thẩm phán, công chứng viên, luật sư và những người làm công tác giảng dạy tại một số trường đại học, các chuyên gia dài hạn của Dự án JICA. Chủ trì tọa đàm là ông Nguyễn Hồng Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế - Bộ Tư pháp.
Tại Tọa đàm, đại diện Bộ Tư pháp đã trình bày định hướng cũng như những sửa đổi, bổ sung về chế định thừa kế trong Dự thảo BLDS (sửa đổi) và cho biết định hướng sửa đổi lần này là duy trì tính ổn định đối với chế định thừa kế. Cụ thể: tại Dự thảo, chế định thừa kế vẫn được đặt ở Phần thứ tư với 4 Chương, 56 điều (điều về thời hiệu được chuyển lên Chương thời hạn, thời hiệu của Phần quy định chung). Việc sửa đổi chỉ đặt ra đối với những quy định thật sự vướng trong thực tiễn hoặc chỉ bổ sung những quy định thật sự cần thiết mà chưa được BLDS 2005 điều chỉnh.
Với định hướng nêu trên, chế định thừa kế tại Dự thảo lần này đã có một số điểm mới như: người thừa kế được từ chối hoặc thay đổi quyết định từ chối nhận di sản cho đến thời điểm phân chia di sản; bỏ thời hiệu yêu cầu phân chia di sản thừa kế; quy định nội dung di chúc đơn giản hơn, lược bỏ những nội dung quá chi tiết nhằm hạn chế việc di chúc bị tuyên vô hiệu do vi phạm nội dung; tiếp tục ghi nhận hình thức di chúc chung của vợ/chồng nhưng thay vì quy định di chúc chung chỉ có hiệu lực khi người thứ hai chết hoặc cả hai cùng chết như hiện nay, Dự thảo lấy lại các quy định của BLDS 1995, theo đó, nếu ai chết trước thì phần di chúc liên quan đến phần di sản của người đó có hiệu lực, nếu hai vợ chồng thống nhất thời điểm có hiệu lực của di chúc chung là thời điểm người sau cùng chết thì di sản sẽ phân chia vào thời điểm đó...
Các chuyên gia dài hạn Nhật Bản và các đại biểu đã thảo luận sôi nổi và góp ý thẳng thắn với những quy định mới được bổ sung, sửa đổi. Nhiều ý kiến đề nghị, ngoài những điểm đã được sửa đổi, bổ sung, Bộ Tư pháp cần nghiên cứu sửa đổi các quy định về hàng thừa kế, di sản thờ cúng, di chúc miệng, hình thức di chúc, người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc, mở rộng thẩm quyền chứng thực cả cấp huyện thay vì cấp xã như hiện nay, bổ sung hình thức di chúc, di sản thừa kế là tài sản hình thành trong tương lai… cho phù hợp với thực tiễn, thuận lợi cho việc áp dụng.