Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời: Vấn đề chứng thực và việc lạm dụng các bản sao có chứng thực trong thực hiện thủ tục hành chính

13/07/2014
Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời: Vấn đề chứng thực và việc lạm dụng các bản sao có chứng thực trong thực hiện thủ tục hành chính
Tối 13/7, Chuyên mục “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời” với sự tham gia của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã được phát sóng trên kênh VTV1. Chủ đề chương trình lần này là: “Vấn đề chứng thực và việc lạm dụng các bản sao có chứng thực trong thực hiện thủ tục hành chính”. Dưới đây là toàn văn bài trả lời phỏng vấn:

BTV Diệu Trang: Rất vui được gặp lại quý vị trong chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời”. Thưa quý vị, lạm dụng bản sao có chứng thực trong thực hiện thủ tục hành chính đang là một thực trạng gây bức xúc đối với người dân, gây tốn kém, lãng phí cho xã hội được dư luận phản ánh nhiều trong thời gian gần đây, nhất là trong bối cảnh Đảng, Nhà nước đang chủ trương đẩy mạnh cải cách hành chính. Trong chương trình hôm nay, chúng ta sẽ cùng trao đổi với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường để làm rõ vấn đề này.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng đã tham gia với chủ đề hôm nay.

BTV Diệu Trang: Một khán giả viết:Tôi thấy đa số các thông báo tuyển sinh, tuyển dụng đều yêu cầu các giấy tờ có trong thành phần hồ sơ phải là bản sao có chứng thực, thậm chí một số trường hợp mặc dù người dân đã nộp bản sao có chứng thực như thành phần hồ sơ yêu cầu nhưng cán bộ, công chức tiếp nhận hồ sơ vẫn yêu cầu xuất trình kèm bản chính để đối chiếu. Xin Bộ trưởng cho biết như vậy là đúng hay sai? Nếu sai, Bộ Tư pháp có hướng xử lý, giải quyết như thế nào?” 

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường:

1. Trước hết, phải khẳng định rằng các thông báo tuyển sinh, tuyển dụng mà chỉ yêu cầu các giấy tờ có trong thành phần hồ sơ phải là bản sao có chứng thực là không hoàn toàn đúng với quy định của pháp luật, cụ thể ở đây là Nghị định số 79/2007/NĐ-CP của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính. Theo quy định của Nghị định này thì khi yêu cầu thực hiện thủ tục hành chính, người dân có quyền lựa chọn: hoặc nộp bản sao được cấp từ sổ gốc và bản sao được chứng thực từ bản chính; hoặc nộp bản photocopy xuất trình kèm bản chính và công chức, viên chức tiếp nhận hồ sơ tự kiểm tra, đối chiếu bản chụp photocopy với bản chính để chứng thực.

Như vậy, các thông báo tuyển sinh, tuyển dụng mà chỉ yêu cầu các giấy tờ có trong thành phần hồ sơ phải là bản sao có chứng thực là chưa đầy đủ, chưa đúng pháp luật, vì người dân còn có quyền nộp bản photocopy chưa có chứng thực nữa (kèm theo xuất trình bản chính).

Vấn đề thứ hai, như bạn phản ánh, khi người dân đã nộp bản sao có chứng thực mà người tiếp nhận hồ sơ vẫn yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu là trái với quy định của Chính phủ, vì theo quy định của Nghị định số 79/2007/NĐ-CP nêu trên bản sao đã được chứng thực đã có giá trị như bản chính, thay thế bản chính.

Nguyên nhân dẫn đến thực tế có tình hình như người dân nêu chủ yếu là:

- Các cơ quan tổ chức khi ban hành văn bản hoặc ra thông báo không nắm chắc quy định của Chính phủ hoặc có thể nắm chắc rồi nhưng cố ý quy định thuận tiện cho người quản lý, điều mà các đại biểu Quốc hội vừa rồi nêu nhiều.

- Chất lượng chứng thực bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao từ bản chính chưa tốt; còn khá phổ biến việc làm tùy tiện của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là ở cấp xã, tình trạng giấy tờ giả trong xã hội còn phức tạp.

2. Từ tình hình nói trên, thời gian qua việc sử dụng bản sao có chứng thực đã vượt quá sự cần thiết (mỗi năm khoảng 100 triệu bản sao), trở thành hiện tượng “lạm dụng” như Bạn nêu. Điều này vừa gây phiền hà, tốn kém cho người dân, lãng phí cho xã hội; vừa tạo áp lực quá tải cho UBND cấp xã, Phòng tư pháp cấp huyện, nhất là vào mùa thi cử, tuyển sinh các cấp học, cần được chấn chỉnh.   

Và để chấn chỉnh tình trạng nêu trên, ngày 20/6/2014 Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 17/CT-TTg về một số biện pháp chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu nộp bản sao có chứng thực đối với giấy tờ, văn bản khi thực hiện thủ tục hành chính. Chỉ thị đã giao cho Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện 2 nhóm nhiệm vụ chủ yếu sau:

Thứ nhất, tổ chức tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về việc sử dụng bản sao nói chung và bản sao có chứng thực nói riêng khi thực hiện thủ tục hành chính, đặc biệt là chỉ đạo việc quán triệt thực hiện nghiêm túc quy định tại Điều 6 Nghị định số 79/2007/NĐ-CP, theo đó khi yêu cầu thực hiện thủ tục hành chính tại cơ quan, tổ chức, người dân có quyền lựa chọn hoặc nộp bản sao từ sổ gốc, bản sao có chứng thực hoặc nộp bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu;

Thứ hai, chỉ đạo rà soát các văn bản quy phạm pháp luật quy định về thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ, cơ quan ngang Bộ để kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc sửa đổi, bổ sung; kiểm tra, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức trực thuộc rà soát những văn bản hành chính do cơ quan, tổ chức thuộc lĩnh vực quản lý của mình ban hành dưới hình thức quyết định, thông báo, công văn, …; nếu có những yêu cầu về thủ tục hành chính không đúng hoặc trái với Nghị định số 79/2007/NĐ-CP thì phải bãi bỏ.

Các nhiệm vụ này đều phải hoàn thành trước ngày 31 tháng 3 năm 2015.

Riêng Bộ Tư pháp thì phải chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ tới tất cả các cơ quan, tổ chức, người dân; tăng cường công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền; kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật  do các Bộ, cơ quan ngành Bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ban hành có nội dung liên quan nêu trên của Nghị định số 79/2007/NĐ-CP. Thực hiện nhiệm vụ đã giao, Bộ Tư pháp đã xây dựng Kế hoạch và tới đây sẽ triển khai thực hiện Kế hoạch này.

BTV Diệu Trang: Người dân phản ánh: “Hiện nay tại một số UBND cấp xã, khi thực hiện chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ/văn bản cho dân thì người tiếp nhận hồ sơ không chấp nhận bản photocopy từ bản chính do người dân tự mang đến mà thường yêu cầu phải photocopy tại trụ sở UBND và thu tiền photo. Xin hỏi Bộ trưởng như thế đúng hay sai? Nếu sai, thì biện pháp xử lý như thế nào?

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường:

1. Phải khằng định với Nhà báo rằng việc người tiếp nhận thực hiện thủ tục hành chính yêu cầu người dân như thế cũng là trái với Nghị định số 79/2007/NĐ-CP. Như tôi vừa nêu, theo quy định của Chính phủ, người dân có thể tự photocopy văn bản/giấy tờ cần chứng thực, đồng thời mang bản chính đến UBND cấp xã yêu cầu chứng thực; người thực hiện chứng thực có trách nhiệm đối chiếu bản sao với bản chính để chứng thực. Tuy nhiên, trên thực tế cũng phải chia sẻ với người tiếp nhận hồ sơ, nếu như giấy tờ cần chứng thực quá nhiều, quá dài thì khó khăn cho họ phải tự đối chiếu để ký chứng thực. Sai một chữ, một dữ liệu, một số liệu thôi cũng có thể phải chịu trách nhiệm lớn, vì bản sao có chứng thực có giá trị sử dụng như bản chính. Thực tế hiện nay, các Phòng Tư pháp cấp huyện và nhiều Ủy ban nhân dân cấp xã đã trang bị máy photocopy để sao chụp giấy tờ, văn bản. Trong trường hợp đó thì tôi khuyên người dân chỉ nên mang bản chính đến yêu cầu chụp và chứng thực, vừa thuận tiện cho người dân, vừa bảo đảm độ tin cậy cho công tác chứng thực.

2. Còn đương nhiên, Phòng Tư pháp, UBND cấp xã chụp giấy tờ tài liệu cho người dân để chứng thực thì có thể thu tiền dịch vụ. Nhiều nơi có quy định rõ mức thu phù hợp với giá cả thị trường, niêm yết công khai tại trụ sở, quản lý thu chi minh bạch thì nhận được sự ủng hộ và đồng tình của người dân. Tuy nhiên, thực tế cũng xảy ra trường hợp có nơi thu tiền photocopy cao hơn thị trường, không minh bạch, gây bức xúc cho người dân. Để khắc phục tình trạng này, trước mắt, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với Bộ Tài chính chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố rà soát, kiểm tra và chấn chỉnh việc thu cao, không minh bạch (nếu có); nghiên cứu, đề xuất Chính phủ quy định việc thu phí dịch vụ photocopy giấy tờ, văn bản (theo nghĩa bù đắp chi phí hợp lý cho dịch vụ này) tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 79/2007/NĐ-CP của Chính phủ mà Bộ đang xây dựng, theo hướng giao Bộ Tài chính hướng dẫn để giao HĐND tỉnh quy định về vấn đề này./.

BTV Diệu Trang: Thời gian của Chương trình không còn nhiều, xin gửi tới Bộ trưởng câu hỏi cuối cùng:Cháu đến UBND xã yêu cầu chứng thực bản sao từ bản chính bằng tốt nghiệp đại học cùng với Giấy khai sinh nhưng chỉ được chứng thực bản sao Giấy khai sinh và hướng dẫn cháu đến Phòng Tư pháp để chứng thực bản sao bằng tốt nghiệp đại học với lý do đây là văn bản song ngữ, không thuộc thẩm quyền của UBND xã. Xin hỏi Bộ trưởng: Cháu thật sự không hiểu vì sao lại có sự phân biệt thẩm quyền như vậy?

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường:

Bác có thể chia sẻ với cháu về sự phiền hà này. Chắc là giấy khai sinh của cháu do cơ quan Việt Nam cấp, bằng tiếng Việt thì thuộc thẩm quyền UBND xã và xã đã làm. Còn bằng tốt nghiệp Đại học của cháu thì song ngữ, nên thẩm quyền giữa xã và huyện có sự quy định không rõ, do pháp luật hiện hành về chứng thực chưa quy định cụ thể thế nào là văn bản song ngữ. Để khắc phục tình trạng này, ngày 13/6/2014 vừa qua, Bộ Tư pháp đã có công văn hướng dẫn cách hiểu “Giấy tờ, văn bản song ngữ”, theo đó, giấy tờ văn bản song ngữ phải là giấy tờ, văn bản được thể hiện đầy đủ bằng hai ngôn ngữ, trong đó có một ngôn ngữ là tiếng Việt, do cơ quan tổ chức nước ngoài cấp hoặc liên kết với cơ quan, tổ chức Việt Nam cấp, thì khi đó thẩm quyền thuộc Phòng Tư pháp cấp huyện; còn văn bằng, chứng chỉ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp có xen thêm tiếng nước ngoài giống như trường hợp Bằng tốt nghiệp đại học của cháu thì không được coi là “giấy tờ, văn bản song ngữ”, UBND cấp xã có thẩm quyền chứng thực. Từ khi có hướng dẫn đến nay, các địa phương thực hiện về cơ bản đã không còn vướng mắc.

Để căn cơ hơn, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng, đưa nội dung hướng dẫn này vào dự thảo Nghị định dự kiến sẽ trình Chính phủ trong tháng 9 tới đây để xem xét, ban hành thay thế Nghị định số 79/2007/NĐ-CP.

BTV Diệu Trang: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng về những thông tin về hoạt động chứng thực.

Bấm xem tại đây.