Hội đồng thẩm định Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (hợp nhất)

08/07/2014
Hội đồng thẩm định Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (hợp nhất)
Ngày 7/7, Bộ Tư pháp tổ chức họp Hội đồng thẩm định dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Luật BHVBQPPL). Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định (Hội đồng) chủ trì phiên thẩm định.

Sự ra đời và tồn tại của hai Luật BHVBQPPL năm 2008 và Luật BHVBQPPL của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004 đã đáp ứng được yêu cầu xây dựng pháp luật trong giai đoạn chuyển đổi cơ chế, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, ngành ở Trung ương và địa phương về ý nghĩa, vai trò của công tác xây dựng pháp luật. Tuy nhiên, sự tồn tại song song của hai Luật này trong nhiều năm cũng đã gây khó khăn cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Do vậy việc ban hành Luật VBQPPL hợp nhất sẽ tạo ra một khuôn khổ pháp lý chung, thống nhất phục vụ cho việc cải cách thể chế, gắn kết với tổ chức thi hành thể chế, nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. 

 

 

Tại phiên thẩm định, Ông Nguyễn Hồng Tuyến - Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp đã tóm tắt sự cần thiết ban hành, mục đích, yêu cầu, quan điểm chỉ đạo xây dựng, một số nội dung quan trọng của dự thảo Luật, đồng thời nêu một số vấn đề của dự thảo Luật BHVBQPPL hợp nhất để xin ý kiến tư vấn của Hội đồng thẩm định như: thẩm quyền ban hành và hình thức văn bản quy phạm pháp luật, giai đoạn xây dựng chính sách trong quá trình lập Chương trình xây dựng luật, pháp luật; vấn đề thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập; tổ chức thi hành pháp luật, giám sát, kiểm tra, rà soát, hợp nhất, pháp điển; trách nhiệm bồi thường nhà nước trong việc ban hành VBQPPL.

 

 

Tiến hành thẩm định dự thảo Luật BHVBQPPL, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng yêu cầu: Việc thẩm định được tiến hành cả về mặt nội dung và hồ sơ kèm theo. Theo đó, các thành viên của Hội đồng sẽ thẩm định về tính cần thiết ban hành Luật; sự phù hợp của Dự án luật với quan điểm chủ trương đường lối của Đảng; tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của Dự án luật trong mối quan hệ với hệ thống pháp luật; tính khả thi; kỹ thuật soạn thảo; chất lượng hồ sơ kèm theo…

Các thành viên của Hội đồng đánh giá cao dự thảo Luật BHVBQPPL và các tài liệu kèm theo và thống nhất nhận định: dự thảo Luật BHVBQPPL đã đổi mới căn bản, toàn diện quy trình xây dựng văn bản pháp luật. Về nội dung của dự thảo, các thành viên đã trao đổi sâu rộng về một số nội dung quan trọng như: thu hẹp hình thức văn bản quy phạm pháp luật, trong đó một số hình thức văn bản được bàn tới nhiều nhất là Nghị quyết của Quốc hội, Lệnh của Chủ tịch nước, Thông tư và Thông tư liên tịch; vấn đề chính sách; đơn giản hóa quy trình ban hành văn bản pháp luật để đáp ứng tính cấp thiết, cần thiết của vấn đề cần điều chỉnh; quy trình phản biện xã hội; vấn đề trưng cầu dân ý đối với những đạo luật có liên quan đến quyền còn người, quyền công dân và một số vấn đề quan trọng khác.

 

 

Thay mặt Hội đồng thẩm định, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng đánh giá về cơ bản dự thảo Luật đã bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ. Thứ trưởng đề nghị Ban soạn thảo ghi nhận, tiếp thu các ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định và rà soát kỹ các quy định của Luật BHVBQPPL với các luật để triển khai thi hành Hiến pháp, nghiên cứu và hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Chính phủ; rà soát kỹ lưỡng các tài liệu kèm theo trên cơ sở đánh giá, tổng kết thực tiễn, tiếp tục tổng hợp các ý kiến của các bộ, ngành, địa phương gửi về.