Báo cáo tóm tắt tình hình hoạt động 6 tháng đầu năm, Tổng Thư ký Hội đồng - Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (Bộ Tư pháp) Ngô Hải Phan cho biết, năm 2014, Hội đồng lựa chọn nghiên cứu, rà soát và đề xuất đơn giản hóa quy định, TTHC đối với 4 lĩnh vực an toàn thực phẩm theo chuỗi sản phẩm nông sản, giải thể doanh nghiệp (DN), cấp sổ hộ nghèo và các TTHC liên quan, đất đai cho DN và các mô hình TTHC về bồi thường giải phóng mặt bằng. Các thành viên Hội đồng đã tham gia vào nhiều hoạt động lập pháp quan trọng của đất nước, là thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập các Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) hợp nhất, Bộ luật Dân sự sửa đổi…; đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, tham gia các buổi họp tham vấn về các quy định, TTHC tại các dự án, dự thảo VBQPPL…
Các thành viên Hội đồng, thành viên Ban công tác đã như tham gia ý kiến vào dự thảo trước khi Nghị quyết số 43/NQ-CP được Chính phủ ban hành, vào dự thảo Đề án một cửa liên thông các TTHC đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú, tạm trú – đăng ký cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; tham gia và phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc thực hiện Đề án tổng thể 896 theo các giai đoạn cụ thể… Hội đồng cũng đã tiếp nhận một số phản ánh, kiến nghị của cơ quan thành viên và cơ quan thường trực Hội đồng đã phối hợp với các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành nghiên cứu, xử lý kịp thời để thông tin, trả lời các cơ quan thành viên.
Sau khi nghe Báo cáo tóm tắt tình hình hoạt động 6 tháng đầu năm qua, các thành viên Hội đồng đánh giá cao những mặt tích cực, nhưng cũng chia sẻ một số hạn chế trong hoạt động của Hội đồng. Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng dẫn chứng, với việc Chính phủ ban hành Nghị định số 36/2014/NĐ-CP thì dường như Hội đồng chưa tham mưu, tư vấn hiệu quả giúp Cục Kiểm soát TTHC, Bộ Tư pháp trong quá trình xây dựng, ban hành, thi hành VBQPPL khi “để lọt” thủ tục đăng ký hợp đồng xuất khẩu và thu phí mà chưa rõ có cơ sở pháp lý nào không. Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam Đặng Phương Dung lại cho rằng, Hội đồng chưa phát hiện những bất cập của các quy định về quản lý giao thông vận tải, trong khi thực tế thực hiện rất “rối” như trọng tải, đăng kiểm, giá cước.
|
|
Đại diện các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài thì chỉ ra khá nhiều vướng mắc cụ thể về TTHC trong quá trình đầu tư sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam. Theo ông David Whitehead (Hiệp hội DN Australia tại Việt Nam), trở ngại lớn nhất không nằm ở quy định pháp luật mà là việc thực thi các quy định đó bởi khi làm việc với chính quyền địa phương các cấp tỉnh, cấp huyện có những diễn giải luật pháp khác hẳn nhau. Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Xúc tiến đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam Park Chang Eun phản ánh, một số địa phương chưa được trao quyền cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa – C/O nên DN buộc phải lên Hà Nội, mất nhiều thời gian nên cần cải cách.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đồng tình, khâu đột phá thể chế cũng được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh nhưng trong đó, vấn đề quan trọng nhất là đột phá thực hiện thể chế. “Nên chăng mỗi tháng 1 lần, Hội đồng, Bộ Tư pháp và VCCI phải báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, mỗi quý 1 lần báo cáo với Chính phủ và đánh giá xem trong tháng qua, quý đã qua giải quyết những kiến nghị của DN như thế nào. Có vậy mới thúc đẩy các cơ quan thực hiện đúng chương trình nghị sự mà Chính phủ đặt ra” - ông Lộc kiến nghị và mong muốn các hiệp hội DN nước ngoài không chỉ mang vốn, kỹ thuật vào Việt Nam mà còn đóng góp sáng kiến cải cách từ những kinh nghiệm hoạt động ở những nước phát triển.
Ghi nhận các kết quả đạt được của Hội đồng và ý kiến trao đổi thẳng thắn của các thành viên Hội đồng, Bộ trưởng Hà Hùng Cường thể hiện sự quan tâm đến việc kiện toàn lãnh đạo Hội đồng, đặc biệt sự tham gia của người đứng đầu VCCI chính là sự “nâng tầm về chất” trong công tác cải cách TTHC có nhiều ảnh hưởng đến cộng đồng DN. “Với đổi mới này, hoạt động của Hội đồng sẽ tiếp tục có nhiều khởi sắc mới trong thời gian tới” – Bộ trưởng hy vọng. Trên cơ sở ý kiến của ông Lộc, Bộ trưởng đề nghị các thành viên đại diện các hiệp hội DN nước ngoài thông tin kịp thời những vấn đề phát sinh trong quá trình hoạt động và đưa ra một số giải pháp có thể tháo gỡ những vướng mắc như giao ban hàng tháng hoặc 2 tháng/lần, đăng ký chữ ký của các DN để giảm bớt thủ tục khi công chứng, đưa lĩnh vực quản lý giao thông vận tải vào kế hoạch 6 tháng cuối năm để Hội đồng nghiên cứu, đề xuất đơn giản hóa.
Cẩm Vân
Hồng Minh