Tích cực đưa những quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp đi vào cuộc sống

30/06/2014
Tích cực đưa những quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp đi vào cuộc sống
Trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam”, ngày 27/6, Tiểu dự án Thanh tra Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo “Lấy ý kiến góp ý Sổ tay xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã”. Tham dự Hội thảo có TS. Phạm Quý Tỵ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Trưởng nhóm chuyên gia, một số chuyên gia, nhà khoa học pháp lý, đại diện Tòa án nhân dân tối cao, các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, một số Sở Tư pháp và cơ quan thi hành án dân sự các tỉnh phía Bắc.

Khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thắng Lợi - Phó Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp khẳng định Nghị định số 110/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, được Chính phủ ban hành ngày 24 tháng 9 năm 2013 (có hiệu lực từ ngày 11/11/2013) là một Nghị định lớn, phức tạp, điều chỉnh nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, có nhiều điểm mới so với các Nghị định trước đây[1]. Do đó, việc xây dựng cuốn Sổ tay nhằm hướng dẫn chi tiết, cụ thể về nghiệp vụ xử phạt vi phạm hành chính, giúp cho các công chức có thẩm quyền xử phạt và các chủ thể có liên quan hiểu rõ về các quy định của Nghị định này, nắm chắc các kỹ năng, trình tự, thủ tục khi thực thi công vụ; đồng thời, giải đáp các vướng mắc phát sinh từ thực tiễn xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực này là rất quan trọng và cấp thiết.

Hội thảo được tổ chức xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của công tác xử phạt vi phạm hành chính trong các hoạt động tư pháp trong thời gian qua nhằm thảo luận, đóng góp ý kiến làm rõ những nội dung quan trọng của Sổ tay; chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi ý kiến về những khó khăn, vướng mắc, bất cập đó đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong việc thi hành trên thực tế các quy định của Nghị định.

Tại Hội thảo, TS. Phạm Quý Tỵ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Trưởng nhóm chuyên gia phát biều, trình bày tóm tắt nội dung và gợi ý các vấn đề trọng tâm cần trao đổi, thảo luận về dự thảo Sổ tay và nhận định: Sổ tay này có thể coi là cuốn cẩm nang, phục vụ cho công tác xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực do Bộ Tư pháp quản lý. Ông cũng mong muốn trên cơ sở thực tiễn xử phạt vi phạm hành chính đối với các lĩnh vực quy định tại Nghị định số 110/2013/NĐ-CP, các đại biểu sẽ thảo luận, đóng góp ý kiến làm sâu sắc thêm những nội dung quan trọng của Sổ tay, đặc biệt là góp ý trực tiếp, cụ thể vào các câu hỏi và phần trả lời để Thanh tra Bộ Tư pháp nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện Dự thảo.

Tại Hội thảo, đã có 05 bài tham luận, nhiều ý kiến của Lãnh đạo và Chánh Thanh tra các Sở Tư pháp, các chuyên gia trong tình lĩnh vực từ các địa phương và cơ quan Bộ, ngành được trình bày, trao đổi, thảo luận một cách nhiệt tình, tâm huyết, sâu sắc và sát với những yêu cầu của thực tiễn. Đa số các ý kiến đánh giá cao nội dung dự thảo Sổ tay đã khái quát được những điểm mới của Nghị định số 110/2013/NĐ-CP, đặc biệt là cách đặt câu hỏi và trả lời hơn một trăm tình huống phát sinh, vướng mắc đã xảy ra, dự định sẽ xảy ra trong quá trình xử phạt. Các đại biểu cũng thảo luận sôi nổi và góp ý về cách đặt câu hỏi và trả lời của một số câu hỏi như: hiểu như thế nào về căn cứ xác định quyền sử dụng, sở hữu riêng đối với tài sản khi tham gia hợp đồng, giao dịch? trường hợp Chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư có hành vi vi phạm hành chính thì đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính là chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư hay tổ chức hành nghề luật sư... Bên cạnh đó, một số ý kiến đã chỉ ra những tồn tại khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trên thực tiễn như: khó lập biên bản vi phạm hành chính đối đối hành vi hủy hoại giấy tờ, tài liệu do không bắt quả tang; khó xác định căn cứ của hành vi chung sống như vợ chồng... để xử phạt vi phạm hành chính cùng nhiều đề xuất khác đối với việc hoàn thiện Sổ tay xử phạt.

Thanh tra Bộ Tư pháp


[1] Nghị định số 110/2013/NĐ-CP thay thế Nghị định số 60/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp; Nghị định số 87/2001/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2001 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình; Nghị định số 10/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản.