Xây dựng chính sách sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ ban hành văn bản

16/06/2014
Xây dựng chính sách sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ ban hành văn bản
Dự thảo Luật Văn bản (VB) quy phạm pháp luật (QPPL), hợp nhất 2 Luật Ban hành VBQPPL 2004 và 2008, đang được Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo với mong muốn “phát quang” hệ thống VB còn phức tạp của nước ta và đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành VBQPPL. Để đáp ứng mong muốn ấy, Bộ Tư pháp đề xuất phân định rõ và tập trung vào giai đoạn xây dựng chính sách trong quá trình lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm trước khi tiến hành soạn thảo VB. Và đây cũng là nội dung nhận được nhiều góp ý tại phiên họp lần thứ 7 Ban soạn thảo Dự án Luật VBQPPL diễn ra vào chiều 13/6 dưới sự chủ trì của Phó Trưởng Ban soạn thảo - Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng.

Làm chính sách là công việc trung tâm

Luật Ban hành VBQPPL năm 2008 đã đưa nội dung xem xét, đánh giá chính sách cơ bản vào quy trình lập dự kiến chương trình xây dựng, pháp lệnh, nhưng quy trình này chưa thật cụ thể, rõ ràng. Việc đánh giá chính sách mới chỉ dừng lại ở việc đánh giá có cần thiết phải ban hành VBQPPL hay không. Việc thảo luận thông qua chương trình chủ yếu mới chỉ thảo luận về danh mục văn bản mà chưa thảo luận từng nội dung của chính sách đối với từng dự án luật, pháp lệnh, dẫn đến vừa soạn thảo, vừa xây dựng chính sách.

Do chính sách chưa trở thành một giai đoạn riêng và chưa được phê duyệt trước nên một số dự án khi soạn thảo xong thì chính sách có sự thay đổi, dẫn đến việc thay đổi nội dung dự thảo luật, pháp lệnh, nhiều trường hợp phải soạn thảo lại, gây chậm trễ và tốn kém nguồn lực. Để khắc phục hạn chế trên và đặc biệt là để thực hiện quy định mới của Hiến pháp về nhiệm vụ của Chính phủ là “đề xuất, xây dựng chính sách trình Quốc hội (QH), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) quyết định”, Dự thảo Luật VBQPPL được xây dựng theo hướng tập trung vào khâu xây dựng, phê duyệt, thông qua chính sách trước khi bắt đầu soạn thảo luật, pháp lệnh và khâu xây dựng, phê duyệt chính sách này sẽ là công việc trung tâm của giai đoạn lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm.

 

 

Nói cụ thể về sự đổi mới này, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) Nguyễn Hồng Tuyến dự kiến khâu làm chính sách có thể gồm 6 bước. Đầu tiên, cơ quan đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh phải tổng kết thực tiễn, xác định rõ vấn đề cần giải quyết; nghiên cứu xây dựng, phân tích chính sách, đánh giá tác động chi tiết từng chính sách; lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp về đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh. Tiếp theo, đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh của các Bộ, ngành được chuyển cho Hội đồng tư vấn chính sách của Chính phủ để thẩm định rồi cơ quan đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh sẽ tiếp thu, chỉnh lý đề nghị theo ý kiến thẩm định và trình Chính phủ xem xét thông qua các chính sách dự kiến. Đối với đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh không thuộc Chính phủ thì ý kiến tư vấn chính sách của Hội đồng sẽ được chuyển đến Chính phủ để xem xét, ký và gửi cơ quan đề nghị đồng thời gửi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cuối cùng, các đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh được Chính phủ thông qua sẽ được trình UBTVQH để phân công cho Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra. Cơ quan đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh sẽ nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý đề nghị theo ý kiến của UBTVQH và gửi về Văn phòng QH để lập dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm. QH sẽ thảo luận về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm tại kỳ họp cuối năm, trong đó tập trung xem xét và phê duyệt chính sách dự kiến đưa vào các dự án luật, pháp lệnh và biểu quyết thông qua chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của năm sau.

Tuy nhiên, liên quan đến giai đoạn hoạch định, phân tích, phê duyệt chính sách, theo ông Tuyến hiện còn có 2 quan điểm khác nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng việc xây dựng, phê duyệt chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh của các Bộ, ngành chỉ nên dừng lại ở Chính phủ. Sau khi Chính phủ phê duyệt từng đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh thì Bộ, ngành sẽ gửi đề nghị về Bộ Tư pháp để Bộ Tư pháp tập hợp và lập thành danh mục đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ, trình Chính phủ xem xét trình UBTVQH. Còn luồng quan điểm thứ hai cho rằng không cần thiết phải tách giai đoạn hoạch định, phân tích chính sách thành quy trình riêng, vì nếu có như vậy sẽ làm quy trình thêm phức tạp và kiến nghị giữ như quy trình hiện nay, đồng thời tăng cường trách nhiệm thực thi luật của các cơ quan, tổ chức.

Bổ sung quy định về tổ chức triển khai và theo dõi thi hành VB

Theo dự kiến phạm vi mở rộng, Dự thảo Luật sẽ bổ sung các nội dung về tổ chức triển khai thi hành và theo dõi thi hành VBQPPL. Ông Tuyến chia sẻ, Dự thảo tiến hành một bước pháp điển các quy định hiện hành ở Nghị định số 24 và Nghị định 59 đã qua kiểm nghiệm của thực tiễn cũng như cụ thể hóa các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước, đặc biệt là của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trong việc tổ chức thi hành pháp luật theo tinh thần của Hiến pháp 2013.

 

 

Việc tổ chức thi hành pháp luật chỉ quy định mang tính chất nguyên tắc các nội dung về tổ chức thi hành VBQPPL, theo dõi thi hành VBQPPL, giám sát, kiểm tra, rà soát, hợp nhất, pháp điển. Việc thực hiện cụ thể sẽ theo quy định của các VBQPPL hiện đang có hiệu lực. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể các nội dung về tổ chức thi hành VBQPPL, theo dõi thi hành VBQPPL, giám sát, kiểm tra, rà soát, hợp nhất và bãi bỏ các VB hiện hành.

Phát biểu kết luận về hai nội dung trên tại phiên họp lần thứ 7 Ban soạn thảo Dự án Luật VBQPPL diễn ra vào chiều 13/6, Phó Trưởng Ban soạn thảo - Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết: Theo Nghị quyết 22/NQ-CP của Chính phủ về các định hướng lớn xây dựng Dự án Luật và ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Hà Hùng Cường – Trưởng Ban soạn thảo thì trọng tâm là khâu phân tích chính sách, do đó đòi hỏi cần làm rõ hơn, cụ thể hơn khâu này, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chính sách có thể “dừng” ở Quốc hội, ở UBTVQH hoặc ở Chính phủ, tùy từng chính sách hoặc hình thức văn bản. Về tổ chức thi hành pháp luật, Dự thảo Luật đã quy định một số vấn đề chung về thi hành VBQPPL như nguyên tắc, nội dung, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong tổ chức thi hành pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật, giám sát, kiểm tra việc thi hành pháp luật song còn hơi đơn giản nên đề nghị cần kỹ hơn, sâu hơn, không để tình trạng “chuồn chuồn đạp nước”.

Hoàng Thư

* Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Kiều Đình Thụ: Chỉ xử lý một cách chung nhất quy định về thi hành pháp luật

Điểm mới đáng chú ý của Dự thảo Luật lần này là bổ sung quy định về thi hành pháp luật. Tuy nhiên, Luật về ban hành VBQPPL thì tại sao lại có thi hành, việc thi hành vốn nằm trong tổ chức bộ máy, nếu có xử lý ở đây thì cũng rất chung thôi, không có nhiều ý nghĩa thực tiễn. Hơn nữa, thi hành pháp luật cũng liên quan đến tuyên truyền, phổ biến – một công đoạn của thi hành – thì đã có Luật Phổ biến giáo dục pháp luật. Tuy Dự thảo Luật phù hợp với Nghị quyết 22 của Chính phủ nhưng giá trị thực tiễn phải cân nhắc.

Về đề xuất xây dựng chính sách thì quay trở lại khoản 2 Điều 96 của Hiến pháp quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ có thể thấy có những chính sách mà Chính phủ tự mình quyết định và tự chuyển hóa thành chính sách, bên cạnh là những chính sách Chính phủ trình và QH thông qua. Còn quy định như Dự luật sẽ bỏ mất những chính sách tự quyết của Chính phủ. Phê duyệt chính sách nên dừng lại ở đâu, có chính sách ở Chính phủ, có chính sách ở QH chứ. Xây dựng như Dự thảo có khả thi không thì tôi thấy không khả thi. Hơn nữa, bổ sung chính sách thì ai bổ sung, QH hay Chính phủ, nếu giải quyết không khéo thì việc xây dựng luật, pháp lệnh còn chậm hơn bây giờ.

* Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên: Không nên quy định phần thi hành pháp luật

Không nên quy định phần thi hành pháp luật vì ban hành VBQPPL và thi hành pháp luật là khác nhau. Dự luật cần đánh giá hiện hành đang mắc nhất cái gì, ở đâu để xử lý, giải quyết, nhất là đối với những VB do địa phương ban hành. Riêng khâu làm chính sách, kinh nghiệm của các nước cho thấy sau khi xác định chính sách rồi dịch chính sách ra luật rất dễ. Tuy nhiên ở nước ta, phần lớn các cơ quan quản lý đề xuất chính sách nên tôi đồng tình làm kỹ khâu phân tích chính sách nhưng “kéo” Quốc hội vào làm như Chính phủ là thông qua chính sách thì phải cân nhắc, tưởng là đẩy nhanh tốc độ song có khi rườm rà ra.

* Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp (Văn phòng Quốc hội) Đinh Xuân Thảo: Có khâu chính sách sẽ hạn chế lợi ích nhóm, lợi ích ngành

Dự kiến sẽ tách hai giai đoạn là trình, phê duyệt, thông qua chính sách và soạn thảo VB, trong đó chính sách do đội ngũ chuyên gia thực hiện, được QH thông qua thì tôi cho là hợp lý. Nhưng với cách thức QH họp 2 kỳ hiện nay, tôi băn khoăn liệu có đảm bảo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh không. QH cũng đề cập nhiều đến lợi ích nhóm, lợi ích ngành gây khó khăn cho người dân thì nên chăng cần giải trình quan điểm đó được quán triệt như thế nào, chẳng hạn chính sách do đội ngũ chuyên gia, không phải do Bộ, ngành làm.

* Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Bộ Tư pháp) Ngô Hải Phan: Nên có đánh giá tác động về thủ tục hành chính

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn vừa qua của đại biểu QH đối với Bộ trưởng Bộ Tư pháp, có một thực trạng được người đứng đầu ngành Tư pháp nêu lên là chúng ta có một “rừng” văn bản. Nhưng tôi còn thấy hiện nay có nhiều quy định không trái Hiến pháp song chúng không còn phù hợp thì cũng cần loại bỏ. Bởi vậy, trong quy trình đổi mới xây dựng để nâng cao chất lượng VB, cần có thêm nguyên tắc “mọi chính sách thủ tục hành chính trong VBQPPL liên quan đến quyền lợi của người dân đều phải được đánh giá tác động” và nêu rõ rằng việc đánh giá tác động là trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo.


Thái Nguyên