Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: Giàu bất hợp pháp không chứng minh được cũng bị truy tố

13/06/2014
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: Giàu bất hợp pháp không chứng minh được cũng bị truy tố
Thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, chính sách hình sự đối với loại tội phạm này; các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác Thi hành án dân sự; việc xây dựng các luật cụ thể hóa quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp …là những vấn đề Đại biểu Quốc hội (ĐB) tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường hôm qua 12/6.

Khó thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng

Đề cập đến nhiều đại án tham nhũng được đưa ra xét xử trong thời gian qua được cử tri rất hoan nghênh, song ĐB Đỗ Văn Đương (TP. Hồ Chí Minh) phản ánh “cử tri cũng rất buồn vì thu hồi tài sản trong các vụ án này tỷ lệ rất thấp, chỉ chiếm phần nhỏ, theo tổng kết chúng tôi theo dõi chỉ khoảng dưới 10%, còn phần lớn kia đi đâu? có phải chăng cứ đi tù rồi xong?” ĐB Đương hỏi Bộ trưởng “dưới góc độ thi hành án dân sự trong vụ án hình sự này thì Bộ trưởng có giải pháp gì để kết nối giữa công tác điều tra, truy tố xét xử với công tác thu hồi tài sản cho nhà nước và cho công dân”.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường bày tỏ “mỗi khi tòa án xét xử các vụ đại án về tham nhũng, người dân phấn khởi, nhưng anh em thi hành án thì rất lo, nguyên nhân chủ yếu do Nhà nước ta chưa có hệ thống đăng ký tài sản một cách tập trung, thống nhất, bài bản và minh bạch cả với bất động sản và động sản; việc mua bán trả tiền qua thẻ tín dụng thực hiện chưa nghiêm, có sự cắt khúc trong tố tụng hình sự, điều tra là một khúc, truy tố lại một khúc, đưa ra tòa án một khúc, đặc biệt thi hành án dân sự  lại tách rời quyền lực của cơ quan tư pháp”. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng thẳng thắn khi chỉ rõ rằng, chấp hành viên chưa làm hết trách nhiệm trong xác minh tài sản thi hành án. Nhiều trường hợp phải theo đơn yêu cầu, ví dụ như Vinashin, phần chủ động thi hành thì đã xong, còn thi hành theo đơn yêu cầu thì đến nay “con cháu” vẫn chưa yêu cầu “ông” phải trả nên chưa thể thi hành.

 Các việc nói trên, theo Bộ trưởng, Bộ đang nghiên cứu đề xuất, trong đó sẽ chú trọng việc kết nối liên thông giữa hoạt động thi hành án với điều tra truy tố xét xử nhất là áp dụng biện pháp khẩn cấp, kê biên tài sản; phong tỏa tài khoản…

Cũng trả lời câu hỏi của ĐB Đỗ Văn Đương về quan điểm của Bộ trưởng với tư cách là Trưởng ban soạn thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) về chính sách hình sự đối với loại tội phạm tham nhũng, Bộ trưởng cho hay một trong những định hướng lớn của Bộ luật hình sự sửa đổi sắp tới là sẽ bổ sung một số tội phạm tham nhũng, nội luật hóa một số công ước mà Việt Nam là thành viên. Chẳng hạn, giàu bất hợp pháp, nếu không chứng minh được vì sao có tài sản; bổ sung hành vi tham nhũng trong khu vực tư nhân; bổ sung truy tố pháp nhân, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, nhất là rửa tiền.

Nhiều giải pháp cho công tác thi hành án dân sự

Quan tâm đến lĩnh vực thi hành án dân sự, trả lời câu hỏi của ĐB Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ), Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng), Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết ngành sẽ thực hiện 4 nhóm giải pháp chính như trong báo cáo đã gửi đến Quốc hội. Trong đó, Bộ trưởng nhấn mạnh thêm “chúng tôi sẽ chỉ đạo quyết liệt hơn với địa phương án nhiều, án lớn, phức tạp như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tây Ninh, Hải phòng...Bên cạnh đó, sẽ tăng cường các đợt cao điểm về thi hành án,tiếp tục thực hiện luân chuyển chấp hành viên về nơi nhiều án, phối hợp Ban thường vụ Tỉnh ủy để khắc phục yếu kém trong công tác này”. Thời gian qua, theo Bộ trưởng đã giải quyết 7/10 tỉnh yếu kém về công tác thi hành án, còn  3 tỉnh sẽ giải quyết hết trong năm 2014. Ngoài ra, Bộ Tư pháp sẽ triển khai tốt Quy chế phối hợp đã ký kết với ngành Tòa án, Công an, Kiểm sát; phối hợp với Ban chỉ đạo thi hành án các  tỉnh giải quyết các vụ thi hành án phức tạp.

Trước câu hỏi của các ĐB Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh), Trần Văn Độ (An Giang) về một số nội dung của Hiến pháp liên quan đến quyền con người, quyền công dân, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Tư pháp chủ trì. Qua kết quả rà soát sơ bộ trong số 155 luật, pháp lệnh cho thấy có 29 luật, pháp lệnh cần được sửa đổi bổ sung, ban hành thay thế để phù hợp với quy định của Hiến pháp. Trong đó có 12 /29 luật, pháp lệnh có quy định trái với Khoản 2, Điều 14 quy định 4 điều kiện, 4 trường hợp quyền con người bị hạn chế bởi luật. Trong số 29 luật, pháp lệnh này có 7 luật, pháp lệnh chưa được đưa vào chương trình của năm 2015. “Tới đây chúng tôi sẽ nghiên cứu để báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nếu được thì bổ sung thêm để phù hợp”, Bộ trưởng nói.

Tiếp tục các câu hỏi về vấn đề văn bản sai trái, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng báo cáo rõ hơn trước Quốc hội: trong số 312 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật theo báo cáo của Chính phủ, 186 văn bản sai căn cứ và hình thức, 64 văn bản sai về hiệu lực, 11 văn bản sai thẩm quyền và 54 văn bản sai về nội dung, chiếm khoảng 0,17% so với số văn bản đã kiểm tra. Với 54 văn bản có dấu hiệu sai về nội dung, không có văn bản nào vi hiến. Với việc xử lý các văn bản này, Bộ trưởng tỏ rõ quan điểm “sau khi Hiến pháp mới có hiệu lực, đất nước chuyển sang giai đoạn mới về xây dựng nhà nước pháp quyền thì chúng tôi nghĩ không thể chấp nhận được, mặc dù số lượng không cao. Cần phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm theo nghị quyết của Quốc hội và nghị quyết của Chính phủ. Tới đây chúng tôi sẽ hàng tháng báo cáo ra phiên họp Chính phủ tình hình kiểm tra văn bản để Chính phủ xem xét, cho ý kiến về vấn đề này”.

Phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Hà Hùng Cường được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá đầy đủ, rõ ràng.

Thu Hằng

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: “Trọng tâm là triển khai thực hiện Hiến pháp”

 Chúng ta đã có một đạo luật cơ bản, đạo luật gốc, đấy là chính là Hiến pháp, Hiến pháp hợp ý Đảng, lòng dân. Có được bản Hiến pháp đại đoàn kết toàn dân tộc như vậy bây giờ chúng ta phải tổ chức thi hành. Tôi đề nghị căn cứ vào kế hoạch nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Chính phủ thì Bộ Tư pháp, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội giúp Quốc hội, giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội, giúp Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kiểm tra, đôn đốc tổ chức thực hiện tốt nghị quyết này. Đó là tinh thần mới nhất để chúng ta tiếp tục xây dựng pháp luật tốt hơn.

…Trong nhiệm kỳ này chúng ta vừa làm một Hiến pháp để mở ra một chương mới trong công tác xây dựng pháp luật, vừa ban hành liên tục 3 năm 3 nghị quyết đòi hỏi công tác xây dựng pháp luật là một chức năng cực kỳ quan trọng của nhà nước. Không có hệ thống pháp luật thì nghị quyết của Đảng không tổ chức thi hành được, nền dân chủ của nhân dân cũng không thể nào mở ra được, nhà nước pháp quyền cũng không thể nào làm được. Chúng ta 3 lần có nghị quyết như vậy, đánh giá chung là tổ chức triển khai thực hiện 3 nghị quyết này đã có nhiều nỗ lực, cố gắng và đã có chuyển biến tích cực nhưng chưa đạt yêu cầu. Đề nghị cuối năm nay Bộ trưởng Bộ Tư pháp thay mặt Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo với Quốc hội về việc thực hiện 3 nghị quyết này. Việc này chúng ta sẽ kiểm lại một lần nữa vào cuối năm sau, hết nhiệm kỳ kiểm lại một lần nữa để phục vụ cho đánh giá, tổng kết nhiệm kỳ này. Chúng ta phải tổng kết, phải nghiêm túc đánh giá chính mình để phục vụ cho nhiệm kỳ sau tiến bộ hơn. Đây là trọng tâm cốt lõi của nhà nước pháp quyền. Tôi xin nhắc lại rất hệ trọng, phải đánh giá rất nghiêm túc để rút ra được những kết quả và những việc chưa tốt. ..

Việc thứ ba là đồng chí Bộ trưởng đã trả lời chương trình kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện pháp luật. Bây giờ có 2 trọng tâm: Một, triển khai thực hiện Hiến pháp; Hai, từng trọng tâm một chính là từng luật. Đây cũng là trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trong Luật tổ chức Quốc hội ghi rất rõ đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến pháp luật đối với đồng bào và cử tri. Chúng ta phải làm tốt việc này, tiếp tục xây dựng và kiểm lại để làm việc đó.

Vấn đề thứ tư, tôi đề nghị khẩn trương nghiên cứu để sửa đổi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo tinh thần xử lý trách nhiệm nghiêm túc đối với những khuyết điểm yếu kém trong tổ chức hướng dẫn và triển khai thi hành pháp luật. Bây giờ chúng ta rút kinh nghiệm gì, định hướng này, định hướng khác v.v... Quốc hội sẽ đóng góp ý kiến nhưng đầu tiên vẫn là Bộ trưởng Bộ Tư pháp, các đồng chí quan tâm cho vấn đề này, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật hợp nhất cuối năm nay trình Quốc hội, sang năm thông qua. Như vậy, cũng phục vụ cho hoạt động của công tác xây dựng pháp luật của năm sau  theo tinh thần của Hiến pháp mới.

Liên quan tới việc thi hành án dân sự là vấn đề thứ năm, tôi đề nghị Bộ trưởng tích cực tiếp thu ý kiến của Quốc hội để sửa đổi Luật thi hành án dân sự, trong đó có những vấn đề liên quan đến các hệ thống pháp luật khác, văn bản pháp luật khác, chúng ta đặc biệt quan tâm, làm sao đó để cho công tác thi hành án dân sự thật sự khả thi, liên quan tới công tác điều tra, truy tố, xét xử, liên quan tới công tác xét xử của tòa án và kết án để có thể khả thi thì mới thi hành được. Như vậy chúng ta phải sửa luật này tạo ra một sự chuyển biến tích cực hơn trong công tác thi hành án dân sự.

T.Hằng (lược ghi)