Dự thảo Luật Thủ đô: Giao quyền là phải giám sát

04/03/2010
Chỉ còn gần 10 ngày nữa dự thảo Luật Thủ đô (LTĐ) phải được hoàn thiện, trình Chính phủ. Nhưng đến hôm nay (04/3), các vấn đề trong dự thảo Luật này vẫn tiếp tục được “hâm nóng”...

Gỡ “bí” cho Thủ đô là hy vọng của Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Vũ Hồng Khanh đối với dự thảo LTĐ, ít nhất là trong vấn đề giáo dục. Hiện nay, Thủ đô đang chịu sức ép ghê gớm do bùng nổ các cơ sở đào tạo nên nếu muốn Hà Nội là trung tâm đào tạo nhân tài trình độ cao, thì phải có điều kiện khắt khe đối với việc thành lập các trung tâm đào tạo được tồn tại trên địa bàn Thủ đô. Không chỉ có vậy, dự thảo LTĐ phải giúp Hà Nội giải quyết được tình trạng “ùn tắc” các cơ sở đào tạo, y tế trong nội đô. Nhiều năm qua, chính quyền TP đã đề nghị giãn các trường, các cơ sở y tế, nhưng “không ai đi mà chỉ phát triển thêm” như nhận xét của ông Khanh.

Một vấn đề nữa để Thủ đô có thể phát triển là khai thác nguồn nhân lực cao, nhân tài. Mong muốn của Hà Nội là có cơ chế mở để tuyển dụng nhân tài. Nếu áp dụng cơ chế giống các địa phương khác thì không thể tránh khỏi tình trạng “giỏi ít vào, chủ yếu từ trung bình trở xuống. Mà nếu người giỏi có vào thì cũng chỉ 1 năm lại xin ra” như thực trạng hiện nay.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cũng đồng quan điểm LTĐ phải tạo cơ chế để khai thác nhân tài cho sự phát triển của TĐ. Ông Liên nhận thấy, TĐ có nhiều thế mạnh nhưng chưa có điều luật nào về phối hợp phục vụ khai thác những thế mạnh đó cho sự phát triển.

Còn ông Nguyễn Thanh Sơn (Bộ Tư pháp) lại quan tâm đến vấn đề rất lớn là tính ưu tiên (về hiệu lưc) của luật này so với luật khác trên tổng thể mặt bằng pháp lý. Nếu sau LTĐ có 1 luật khác cũng qui định như điều 8 dự thảo LTĐ về ưu tiên áp dụng pháp luật thì giải quyết tranh chấp như thế nào khi vấn đề này chưa được đề cập trong luật “mẹ” về ban hành văn bản qui phạm pháp luật?

Lo ngại khả năng vi hiến của dự thảo LTĐ, ông Nguyễn Quốc Việt (chuyên gia pháp luật) nhận thấy dự thảo LTĐ dù có nhiều cố gắng, kế thừa Pháp lệnh nhưng các qui định lại “thoát ly” luật khác, cũng như sự quản lý của Chính phủ khi một số qui định của Luật bỏ qua thẩm quyền của Chính phủ, mà qui định để chính quyền Thủ đô “làm việc” thẳng với Quốc hội. Trong khi đó, các quyền dự thảo LTĐ dự kiến trao cho chính quyền TP hầu hết lại thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Theo TS.Dương Thanh Mai, dự thảo LTĐ phải lưu ý đến sự khác biệt giữa nội và ngoại thành trong yêu cầu phát triển mới đảm bảo tính thực thi. Qui định chung chung vừa không khả thi mà nhiều qui định có thể thành “rào cản” chứ không mở ra sự phát triển của TĐ nên cần nghiên cứu kỹ hơn.

Hơn nữa, khi giao quyền cho chính quyền TĐ thì đi kèm với đó phải có cơ chế kiểm tra, giám sát để tránh lạm quyền. “Không chỉ trao quyền bằng “lòng tin” mà phải kiểm tra, giám sát” - bà Mai nhấn mạnh.

Cụ thể nhất là cần lượng hóa việc trao quyền để có công cụ kiểm tra bằng luật đối với chính quyền TP. Đồng thời, phải có cơ chế để người dân tham gia rộng rãi vào việc ra quyết định quan trọng đối với TĐ vì đó không phải là việc của riêng chính quyền...

Huy Anh