Kết thúc tốt đẹp đàm phán Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự và thương mại giữa CHXHCN Việt Nam và CHDCND An-giê-ri và Bản Ghi nhớ về hợp tác pháp luật giữa Bộ Tư pháp hai nước

04/03/2010
Kết thúc tốt đẹp đàm phán Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự và thương mại giữa CHXHCN Việt Nam và CHDCND An-giê-ri và Bản Ghi nhớ về hợp tác pháp luật giữa Bộ Tư pháp hai nước
Ngày 02/3/2010, tại thủ đô An-giê của CHDCND An-giê-ri, hai đoàn chuyên gia pháp lý của Bộ Tư pháp Việt Nam và An-giê-ri đã kết thúc tốt đẹp đàm phán Hiệp định tương trợ tư pháp (TTTP) giữa hai quốc gia và Bản Ghi nhớ  về hợp tác pháp luật giữa Bộ Tư pháp hai nước. Bài viết dưới đây xin giới thiệu những nội dung cơ bản của Dự thảo Hiệp định TTTP, một trong các văn bản quan trọng nhằm thiết lập và phát triển quan hệ hợp tác pháp luật giữa hai quốc gia, đóng góp chung vào chính sách quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện  giữa Việt Nam và An-giê-ri.

Dự thảo Hiệp định TTTP đã được hai đoàn chuyên gia tích cực đàm phán trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng chủ quyền và lợi ích của nhau. Hai bên đã dành nhiều thời gian để giải thích, thảo luận những vấn đề còn có ý kiến khác nhau nhằm thống nhất quan điểm của cả hai phía. Sau các ngày làm việc tích cực trong không khí cởi mở, hữu nghị và hợp tác, Hiệp định đã được đàm phán thành công. Đặc biệt, đoàn Việt Nam đã bảo đảm tuân thủ tuyệt đối và đạt được phương án đàm phán tối ưu nhất đã được các cơ quan có thẩm quyền  thẩm định và  phê duyệt trước chuyến công tác[1]. Dự thảo Hiệp định phù hợp với các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, Luật Tương trợ tư pháp và các văn bản pháp luật có liên quan; thực tiễn thực hiện công tác tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của nước ta cũng như phù hợp với các Hiệp định về tương trợ tư pháp và pháp lý mà ta đã ký với các nước trước đây. Nội dung của Dự thảo Hiệp định không có điểm nào trái với Hiến pháp, Luật và Pháp lệnh do Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành.

Dự thảo Hiệp định Tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa dân chủ nhân dân An-giê-ri (Hiệp định TTTP) do phía Việt Nam chuẩn bị được xây dựng dựa trên Dự thảo do phía Angiê-ri đề xuất, căn cứ vào các quy định của Bộ Luật Tố tụng dân sự, Luật Tương trợ tư pháp (2007), các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, trên cơ sở tham khảo các Hiệp định mà Việt Nam đã ký với các nước khác, đặc biệt là các Hiệp định được ký gần đây với Trung Quốc và các nước phát triển cũng như các điều ước quốc tế đa phương trong cùng lĩnh vực[i].

Cụ thể, Dự thảo Hiệp định được xây dựng trên nguyên tắc điều chỉnh các vấn đề mang tính nguyên tắc, thủ tục tương trợ tư pháp và dẫn chiếu đến luật tố tụng và nội dung của quốc gia ký kết, chứ không đề ra những quy phạm xung đột thống nhất để giải quyết xung đột pháp luật và xung đột thẩm quyền như các Hiệp định ta đã ký với các nước XHCN trước đây. Xu hướng ký kết Hiệp định TTTP theo từng lĩnh vực chuyên ngành (hoặc chỉ chuyên về hình sự, dẫn độ, hoặc chuyên về tố tụng dân sự), không quy định xen kẽ, lồng ghép nhiều lĩnh vực với nhau, đang được các quốc gia và các tổ chức quốc tế ngày càng chú trọng. Dự thảo Hiệp định loại này có ưu thế là đơn giản và dễ thống nhất. Đây cũng là mô hình các Hiệp định TTTP mà ta đã ký với Trung Quốc, Pháp, hay Dự thảo Hiệp định đang và sẽ được đàm phán với Vương quốc Anh và Bắc Ai-Len, Hàn Quốc, Cam-pu-chia, Ka-zac-xtan, Ấn độ...

1. Phạm vi tương trợ tư pháp:

 Phạm vi tương trợ tư pháp về dân sự và thương mại quy định trong Dự thảo Hiệp định TTTP giữa Việt Nam và An-giê-ri phù hợp với Điều 10 Luật TTTP, bao gồm tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu liên quan đến tương trợ tư pháp về dân sự; triệu tập người làm chứng, người giám định; thu thập, cung cấp chứng cứ và các yêu cầu tương trợ tư pháp khác về dân sự. Ngoài ra, dự thảo Hiệp định còn có một chương về công nhận và thi hành các bản án, quyết định của Toà án nước ngoài và quyết định của trọng tài nước ngoài. Đây là một trong các nội dung quan trọng đã được quy định tại tất cả các Hiệp định TTTP mà ta đã ký với các nước khác. 

2. Bố cục, nội dung của Dự thảo Hiệp định

Dự thảo Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự và thương mại giữa Việt Nam và An-giê-ri gồm có Lời nói đầu và 24 điều, chia làm 4 chương, cụ thể như sau:

- Chương I "Những quy định chung" gồm 6 điều (từ Điều 1 đến Điều 6) quy định về nghĩa vụ tương trợ tư pháp; bảo hộ pháp lý; miễn cược án phí; trợ giúp pháp lý; miễn hợp pháp hoá lãnh sự, ngôn ngữ tương trợ tư pháp.

- Chương II "Tương trợ tư pháp", gồm 10 điều (từ Điều 7 đến Điều 15) quy định các nội dung về: phạm vi tương trợ tư pháp; từ chối tương trợ tư pháp; chuyển các yêu cầu tương trợ tư pháp; ngôn ngữ tương trợ tư pháp; chi phí tương trợ tư pháp; chứng cứ thông báo các văn bản; yêu cầu xác minh; thi hành các yêu cầu xác minh; sự trợ giúp của nhân chứng và giám định viên; về thông báo các văn bản tư pháp và ngoài tư pháp và thi hành các yêu cầu xác minh do cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự thực hiện.

- Chương III "Công nhận và thi hành các bản án, quyết định của Toà án và các quyết định của trọng tài", gồm 6 điều (từ Điều 16 đến Điều 20), quy định những vấn đề về: các điều kiện cần đáp ứng để công nhận và thi hành các quyết định tư pháp và các phán quyết trọng tài; thủ tục công nhận và thi hành; các giấy tờ kèm theo yêu cầu công nhận và thi hành; công nhận và thi hành các phán quyết trọng tài; về trao đổi thông tin và tài liệu.

- Chương IV "Điều khoản cuối cùng", gồm 4 điều (Điều 21 đến Điều 24), quy định điều khoản về tham vấn, các thỏa thuận khác, phê chuẩn và hiệu lực, sửa đổi và chấm dứt hiệu lực của Hiệp định.

3. Tên gọi, hình thức, danh nghĩa ký, người đại diện ký, ngôn ngữ, hiệu lực, thời hạn hiệu lực của điều ước quốc tế

Về tên gọi: Hiệp định có tên gọi là “Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa dân chủ nhân dân An-giê-ri”.

Về hình thức, danh nghĩa ký: Theo quy định tại Điều 7 Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế thì Hiệp định tương trợ tư pháp với An-giê-ri thuộc loại Hiệp định được ký kết dưới danh nghĩa cấp Nhà nước.

Về ngôn ngữ ký: Dự thảo quy định Hiệp định sẽ được ký bằng 3 thứ tiếng: tiêng Việt, tiêng Ả rập và tiếng Pháp; trong trường hợp có sự hiểu khác nhau về việc giải thích và áp dụng Hiệp định, bản tiếng Pháp sẽ được dùng làm cơ sở.

Hiệu lực: Hiệp định sẽ có hiệu lực sau (30) ba mươi ngày kể từ ngày các Bên trao đổi văn kiện phê chuẩn.

Thời hạn hiệu lực: Hiệp định có giá trị vô thời hạn và sẽ chấm dứt hiệu lực sau 6 tháng kể từ ngày một trong các Bên thông báo bằng văn bản qua đường ngoại giao về ý định chấm dứt hiệu lực của Hiệp định.

4. Các quyền, nghĩa vụ phát sinh từ điều ước quốc tế đối với nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Hiệp định nếu được ký kết sẽ phát sinh nghĩa vụ đối với nước ta trong việc thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự và thương mại của An-giê-ri và ngược lại, các yêu cầu tương trợ tư pháp của ta cũng sẽ được phía An-giê-ri thực hiện trên cơ sở của Hiệp định.

5. Đánh giá tác động chính trị, kinh tế - xã hội và những tác động khác

Việc Việt Nam và An-giê-ri đồng ý đàm phán để đi đến ký Hiệp định TTTP về dân sự và thương mại sẽ đáp ứng được nhu cầu về tương trợ tư pháp giữa hai nước nói riêng cũng như tăng cường mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và An-giê-ri  nói chung, tạo cơ sở pháp lý nhằm giải quyết các tranh chấp và yêu cầu khác phát sinh từ quan hệ dân sự, thương mại giữa công dân và pháp nhân hai nước.

6. Đánh giá việc tuân thủ các nguyên tắc về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế

 Việc đàm phán, ký và thực hiện Hiệp định này đảm bảo và tuân thủ các nguyên tắc được quy định tại Điều 3 Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế. Điều 10 Dự thảo Hiệp định quy định sẽ từ chối tương trợ tư pháp nếu việc thực hiện yêu cầu phương hại đến chủ quyền quốc gia, an ninh, trật tự công cộng, những nguyên tắc cơ bản của pháp luật, những lợi ích cơ bản của Bên ký kết.

7. Đánh giá sự phù hợp về nội dung Dự thảo Hiệp định với các Hiệp định về cùng một lĩnh vực mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên

Dự thảo Hiệp định phù hợp với thực tiễn thực hiện công tác tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của nước ta cũng như với các Hiệp định về tương trợ tư pháp và pháp lý mà ta đã ký với các nước trước đây.

8. Đánh giá mức độ tương thích giữa quy định của Hiệp định với quy định của pháp luật Việt Nam

Nội dung của Dự thảo Hiệp định không có điểm nào trái với Hiến pháp, Luật và Pháp lệnh do Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành.

9. Kiến nghị về việc áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần Hiệp định hoặc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện Hiệp định

Dự thảo Hiệp định quy định cụ thể về quy trình và các việc liên quan đến thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự và thương mại, do đó có thể áp dụng trực tiếp toàn bộ. Không cần thiết phải ban hành văn bản quy phạm pháp luật riêng để thực thi Hiệp định này.

Các nội dung nêu trên của Dự thảo Hiệp định TTTP trong lĩnh vực dân sự và thương mại Việt Nam – An-giê-ri, cùng với 3 văn bản pháp lý quốc tế khác là Hiệp định TTTP trong lĩnh vực hình sự, Hiệp định vể dẫn độ giữa CHXHCN Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân An-giê-ri và Bản Ghi nhớ về hợp tác pháp luật giữa hai Bộ Tư pháp đã được Bộ Tư pháp và Bộ Công an của hai nước chủ trì đàm phán thành công. Sau khi thống nhất về nội dung các Dự thảo văn bản, các trưởng đoàn chuyên gia của hai nước đã ký Biên bản xác nhận kết quả đàm phán. Nội dung Dự thảo các văn bản đàm phán sẽ được hai bên báo cáo, trình các cơ quan có thẩm quyền của nước mình xem xét, phê duyệt để có thế dự kiến đi đến ký kết trong chuyến thăm chính thức An-giê-ri sắp  tới của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.

Nội dung dự thảo Bản Ghi nhớ về hợp tác pháp luật giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và An-giê-ri sẽ được tiếp tục cập nhật từ thủ đô An-giê trong  bản tin tiếp theo.  

Đặng Hoàng Oanh, Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tư pháp


[1] Một trong các nội dung của Dự  thảo Hiệp định đã gây nhiều tranh cãi cho các thành viên Hội đồng thẩm định liên ngành (trước vòng đàm phán) là Điều 19 liên quan đến việc công nhận và thi hành các công chứng thư. Thực tế hiện nay có sự không thống nhất trong quy định của pháp luật Việt Nam về giá trị pháp lý của các văn bản công chứng, chứng thực. Cụ thể là trong Bộ luật Tố tụng dân sự không có quy định về việc các bên có quyền yêu cầu Tòa án và các cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ nếu bên có nghĩa vụ trong văn bản công chứng không thực hiện nghĩa vụ, trong đó có việc yêu cầu công nhận và thi hành các văn bản công chứng, chứng thực của nước ngoài; nhưng theo Luật Công chứng thì văn bản công chứng cũng có hiệu lực thi hành đối với các bên, và trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Toà án giải quyết theo quy định của pháp luật. Như vậy, quy định tại Điều 19 của Dự thảo Hiệp định về việc công nhận và thi hành các công chứng thư là phù hợp với Luật Công chứng, nhưng lại chưa tương thích với  Bộ Luật Tố tụng dân sự. Do vậy, Hội đồng thẩm định (tháng 2/2010) đã  đề nghị Bộ Tư pháp trao đổi, thảo luận với phía An-giê-ri để bỏ nội dung này trong dự thảo Hiệp định. Tại lần thảo luận này, việc đàm phán để thuyết phục Bạn chấp nhận loại bỏ quy định nêu trên là khá thách thức với đoàn chuyên gia, một phần do đây là nội dung đã được thống nhất tại Biên bản vòng đàm phán thứ nhất (năm 2008). Với An-giê-ri và nhiều nước phát triển, đây là chế định pháp luật tiên tiến đã được quy định phổ biến trong pháp luật quốc gia và đã được đưa vào hầu hết các Hiệp định TTTP của mình. Đoàn đàm phán của phía Việt Nam đã mất khá nhiều thời gian để giải thích, thảo luận và cuối cùng đã thành công trong việc thuyết phục Bạn chấp nhận loại bỏ quy định này trong Dự thảo Hiệp định, đáp ứng được phương án tối ưu mà Hội đồng thẩm định đã đề nghị đàm phán, tránh được việc Dự thảo Hiệp định có chứa các điều khoản còn trái  hoặc chưa được quy định trong pháp luật Việt Nam.

_______________________________

[i] Hiệp định này đã được Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan ((Bộ Ngoại giao, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Văn phòng Chủ tịch nước) đàm phán lần thứ nhất (năm 2008). Sau khi kết thúc vòng đàm phán thứ nhất, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan này chỉnh lý dự thảo Hiệp định và đề xuất phương án đối với những điều khoản chưa đạt được sự thống nhất giữa hai Bên. Thực hiện quy định của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế về việc thẩm định dự thảo điều ước quốc tế, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định về việc thành lập Hội đồng thẩm định dự thảo Hiệp định. Hội đồng do Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp làm Chủ tịch, các thành viên là chuyên gia, nhà khoa học công tác tại Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp. Ngày 08/02/2010, Hội đồng đã tiến hành phiên họp thẩm định dự thảo Hiệp định nêu trên. Hội đồng thống nhất về cơ bản nội dung dự thảo Hiệp định TTTP  và đề nghị Bộ Tư pháp khẩn trương thảo luận với phía Bạn để rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Hiệp định trước khi trình ký.  

________________________________

Bài viết có liên quan:

Đàm phán, ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại: Nhu cầu nội tại thiết thực, đồng thời là trách nhiệm, nghĩa vụ hợp tác giữa Việt Nam và An-giê-ri nhằm thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi nước

Việt Nam – An-giê-ri tăng cường hợp tác pháp luật và tư pháp

Thứ trưởng Thường trực Hoàng Thế Liên tiếp Đoàn đàm phán Hiệp định Tương trợ tư pháp về dân sự và thương mại giữa CHXHCN Việt Nam và Đại Hàn Dân Quốc (Hàn Quốc)

Đàm phán để đi tới ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự và thương mại giữa CHXHCN Việt Nam và Đại Hàn Dân Quốc (Hàn Quốc) 

Thứ trưởng Thường trực Hoàng Thế Liên tiếp Đoàn chuyên gia của Bộ Tư pháp Anh đàm phán Hiệp định Tương trợ tư pháp về dân sự và thương mại với Việt Nam

Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam - Hong Kong sẽ sớm được xúc tiến

Triển khai rà soát, sửa đổi Hiệp định Tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự và hình sự giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hoà Séc

Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên tiếp Ngài Chhuon Chantha, Phó Tổng Chưởng lý Tòa án tối cao Vương quốc Căm-pu-chia

Tiếp tục tăng cường hợp tác tư pháp Việt Nam - Ca-dắc-xtan