Bộ luật Dân sự (sửa đổi): Sẽ có nhiều sửa đổi tiến bộ!

01/03/2010
Sáng ngày 26/02, Ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Dân sự (BLDS) đã có phiên họp thứ 3 để cho ý kiến đối với dự thảo Luật – phần liên quan đến quyền sở hữu tài sản và hợp đồng.

Thêm nhiều loại vật quyền

Trình bày những ý tưởng của Tổ biên tập, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) Dương Đăng Huệ cho biết, Tổ biên tập dự kiến sửa đổi 5 vấn đề thuộc phần quyền sở hữu tài sản. Trong đó, đáng chú ý là việc thu gọn 6 hình thức sở hữu hiện hành, đồng thời dự kiến bổ sung hàng loạt các quyền của người không phải là chủ sở hữu đối với tài sản. Nói cách khác là các loại vật quyền ngoài quyền sở hữu như quyền hoa lợi - lợi tức, quyền bề mặt, quyền thuê dài hạn, quyền của người nhận cầm cố - nhận thế chấp…

Rất nhiều thành viên Ban soạn thảo tán thành với đề xuất thu gọn các hình thức sở hữu của Tổ biên tập. Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái đồng ý, chỉ nên còn lại là sở hữu nhà nước, sở hữu riêng (sở hữu của cá nhân, sở hữu của pháp nhân) và sở hữu chung. Tuy cũng đồng ý nhưng Phó Chánh án TANDTC Từ Văn Nhũ nhấn mạnh, từ năm 1996 đến nay, các tòa án chưa thụ lý vụ việc nào tranh chấp về hình thức sở hữu. Về mặt lý luận, ông Nhũ nhận định, quả là có nhiều tranh cãi, ý kiến khác nhau đối với các hình thức sở hữu song chưa được tổng kết. Vì vậy, ông kiến nghị, nên đi sâu vào câu chuyện sở hữu những loại tài sản nào đang vướng mắc, đang gây bức xúc. Riêng vấn đề bổ sung thêm các vật quyền khác quyền sở hữu, đa số thành viên Ban soạn thảo rất tán thành. Một thành viên khẳng định, đây chính là thêm quyền năng cho công dân, đặc biệt là đối với những người không có quyền sở hữu tài sản nhưng nếu cho họ có quyền định đoạt thì rất tiến bộ.

Chưa thể bỏ hình thức giao dịch dân sự

Liên quan đến phần hợp đồng, ông Huệ cũng cho biết Tổ biên tập đang dự kiến sửa đổi, bổ sung 8 vấn đề như có thể bỏ quy định hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng, bổ sung thêm quy định về bồi thường thiệt hại cho cộng đồng, sửa đổi quy định về vấn đề lãi suất…

Đa số thành viên Ban soạn thảo nhất trí với việc bổ sung thêm quy định về bồi thường thiệt hại cho cộng đồng. Đó là trường hợp thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra, do vệ sinh an toàn thực phẩm, do tác hại của thuốc lá… Tuy nhiên, cần nghiên cứu kỹ thêm về cơ chế bồi thường (tổ chức, cá nhân có quyền đứng đơn khởi kiện giúp cho cả cộng đồng bị thiệt hại với điều kiện phải có được bao nhiêu chữ ký đồng thuận của các nạn nhân, có địa chỉ rõ ràng), cách sử dụng tiền bồi thường (tiền bồi thường được sử dụng để khắc phục hậu quả tương tự có thể xảy ra trong tương lai, trong đó người đứng đơn khởi kiện giúp sẽ được hưởng tỷ lệ phần trăm số tiền bồi thường, có thể là 10% giống ở Mỹ)

Đối với việc bỏ quy định hình thức là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng, một số thành viên cho rằng chưa thích hợp. Theo ông Nhũ, trong điều kiện hiện nay, nếu bỏ thì sẽ gây xáo trộn lớn trong xã hội. Ông Nhũ minh họa, việc mua bán nhà cửa, đất đai mà không có xác nhận của UBND xã hoặc lời chứng của công chứng viên thì làm sao biết được tài sản đó có đúng là của người bán hay không. Ông Ái cũng đề nghị, phải giữ nguyên quy định hình thức là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng nhưng có sự sửa đổi, bổ sung nhất định. Chẳng hạn, sửa đổi theo hướng nếu giao dịch không tuân thủ về hình thức những đã hoặc đang được thực hiện thì vẫn có hiệu lực; nếu chưa thực hiện thì các bên có quyền yêu cầu tòa án buộc các bên thực hiện quy định về hình thức trong một thời han, nếu quá thời hạn mà không thực hiện thì giao dịch được coi là tuân thủ về hình thức.

Thục Quyên