Đàm phán, ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại: Nhu cầu nội tại thiết thực, đồng thời là trách nhiệm, nghĩa vụ hợp tác giữa Việt Nam và An-giê-ri nhằm thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi nước

02/03/2010
Đàm phán, ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại: Nhu cầu nội tại thiết thực, đồng thời là trách nhiệm, nghĩa vụ hợp tác giữa Việt Nam và An-giê-ri nhằm thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi nước
Hiệp định Tương trợ tư pháp về dân sự và thương mại giữa Cộng hòa xã  hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa dân chủ nhân dân An-giê-ri đang được hai bên đàm phán tại thủ đô Angiê của An-giê-ri. Việc đàm phán đang được tiến hành rất thuận lợi trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, bình đẳng và lợi ích của nhau. Ngày đàm phán thứ nhất đã bước đầu đạt được những kết quả rất tốt đẹp. Dự kiến nội dung Dự thảo Hiệp định sẽ được hai bên sớm hoàn tất trong các ngày tiếp theo.

Tiếp theo tin đã đưa về chủ trương và kế hoạch đàm phán, ký kết Hiệp định, bài viết dưới đây xin giới thiệu sự  cần thiết và ý nghĩa của việc đàm phán, ký kết Hiệp định này.

Ngày nay, không một quốc gia nào có thể tồn tại và phát triển một cách biệt lập mà không có quan hệ với các quốc gia khác. Nói cách khác quan hệ hợp tác quốc tế không chỉ là nhu cầu nội tại thiết thực của bản thân mỗi quốc gia nhằm thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi nước, mà còn là trách nhiệm - nghĩa vụ của các quốc gia xét dưới góc độ pháp luật quốc tế. Tương trợ tư pháp quốc tế là một biểu hiện của nguyên tắc về nghĩa vụ hợp tác giữa các quốc gia - một trong các nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế hiện đại. Các Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự, thương mại và hình sự giữa CHXHCN Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân An-giê-ri là văn bản pháp lý quốc tế thể hiện quy luật phát triển trên.

1. Sự cần thiết đàm phán, ký kết Hiệp định

Nhu cầu hợp tác với Angiêri trong việc tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại

Angiêri là nước có quan hệ truyền thống và hữu nghị với Việt Nam. Thời gian qua, hai nước đã tích cực thúc đẩy mối quan hệ hợp tác trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong việc triển khai việc đưa chuyên gia Việt Nam, lao động Việt Nam sang làm việc ở Angiêri và đẩy mạnh giao lưu về thương mại giữa hai nước.

Sự gia tăng các quan hệ về lao động, thương mại, đầu tư... giữa Việt Nam và Angiêri đã làm phát sinh nhu cầu lớn về thiết lập và đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, trong đó có việc đàm phán, ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự và thương mại giữa hai nước. Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại được ký kết sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp của hai nước khi tham gia vào các quan hệ thương mại, dân sự, đầu tư…tại nước sở tại, góp phần thúc đẩy hơn nữa sự phát triển các quan hệ này trong thời gian tới.

 Chủ trương của Đảng, Nhà nước về tăng cường ký kết các Hiệp định tương trợ tư pháp với các nước

Việc đàm phán để ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp với An-giê-ri là hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, được thể hiện tại Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 02 tháng 6 năm 2005 về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 và Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02 tháng 01 năm 2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới. Cụ thể, hai Nghị quyết này đều chỉ rõ nhiệm vụ tiếp tục ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp với các nước, trước hết ưu tiên các nước láng giềng, các nước trong khu vực và các nước quan hệ truyền thống.

2. Tác động chính trị, kinh tế - xã hội và những tác động khác của  việc ký kết Hiệp định Tương trợ tư pháp

Hợp tác quốc tế về tương trợ tư pháp chính là một đòi hỏi khách quan, một quy luật tất yếu của sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của quan hệ giao lưu về mọi mặt giữa Việt Nam và An-giê-ri nói chung, hay giữa các chủ thể khác của pháp luật hai quốc gia nói riêng.

 Tóm lại, việc Việt Nam và An-giê-ri đàm phán để đi đến ký Hiệp định TTTP về dân sự và thương mại sẽ đáp ứng được nhu cầu về tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và An-giê-ri nói riêng cũng như tăng cường mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước nói chung, tạo cơ sở pháp lý nhằm giải quyết các tranh chấp và yêu cầu khác phát sinh từ quan hệ dân sự, thương mại giữa công dân và pháp nhân hai nước. Việc thiết lập quan hệ tương trợ tư pháp còn thể hiện chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam là coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với An-giê-ri, vì lợi ích của nhân dân và sự phát triển phồn vinh của mỗi nước, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới./.

Đặng Hoàng Oanh, Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tư pháp

__________________________________

Bài viết có liên quan:

Việt Nam – An-giê-ri tăng cường hợp tác pháp luật và tư pháp

Thứ trưởng Thường trực Hoàng Thế Liên tiếp Đoàn đàm phán Hiệp định Tương trợ tư pháp về dân sự và thương mại giữa CHXHCN Việt Nam và Đại Hàn Dân Quốc (Hàn Quốc)

Đàm phán để đi tới ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự và thương mại giữa CHXHCN Việt Nam và Đại Hàn Dân Quốc (Hàn Quốc) 

Thứ trưởng Thường trực Hoàng Thế Liên tiếp Đoàn chuyên gia của Bộ Tư pháp Anh đàm phán Hiệp định Tương trợ tư pháp về dân sự và thương mại với Việt Nam

Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam - Hong Kong sẽ sớm được xúc tiến

Triển khai rà soát, sửa đổi Hiệp định Tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự và hình sự giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hoà Séc

Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên tiếp Ngài Chhuon Chantha, Phó Tổng Chưởng lý Tòa án tối cao Vương quốc Căm-pu-chia

Tiếp tục tăng cường hợp tác tư pháp Việt Nam - Ca-dắc-xtan