Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường - Người luôn trăn trở và đắm mình cho công tác tư pháp

06/02/2014
Nhìn những tờ lịch cuối cùng của năm Quý Tỵ trên chồng tài liệu trong quầng sáng của ánh đèn bàn làm việc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường mới chợt nhận ra, lại một năm với 365 ngày nữa đã trôi qua mà nhiều nỗi niềm, trăn trở quanh hai chữ "Tư pháp" vẫn còn đó. Bởi đã có lần ông tâm sự, "dường như chưa bao giờ ông có đủ thời gian để thực hiện trọn vẹn những tâm nguyện cống hiến đang ấp ủ cho sự nghiệp Tư pháp".

Vượt qua thách thức trong diện mạo mới

Sau mỗi chuyến đi công tác, những cuộc họp với cấp trên, làm việc với các bộ, ban, ngành, địa phương để tháo gỡ những vướng mắc, từng bước đưa công tác Tư pháp vào cuộc sống, đặc biệt với trọng trách là người đứng đầu Ngành có chức năng tham mưu kiến thiết hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, ông lại vùi đầu vào đống hồ sơ, tài liệu bày la liệt trên bàn làm việc. Bằng nhãn quan chính trị của một nguyên Bí thư Tỉnh ủy, hơn ai hết, Bộ trưởng Hà Hùng Cường ý thức sâu sắc rằng, ngoài những nỗ lực của bản thân Ngành để hoàn thành chức trách và tự khẳng định mình, công tác tư pháp chỉ có thể có được vị thế và đóng góp xứng đáng trong tiến trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN khi có sự chung tay góp sức và cộng đồng trách nhiệm của toàn xã hội.

Chính bởi vậy, với cá nhân ông và toàn ngành Tư pháp, năm Quý Tỵ đã khởi đầu thành công bằng sự kiện có ý nghĩa lịch sử. Đó là việc lần đầu tiên, Chính phủ đứng ra tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2013, với sự tham dự và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, sự tham gia, trao đổi của Lãnh đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hội nghị này đã tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển có tính bước ngoặt của Ngành Tư pháp với việc khẳng định "sự nghiệp tư pháp là trách nhiệm chung của các Bộ, ngành, đặc biệt là cấp ủy, chính quyền địa phương", tạo nên sự chuyển biến cơ bản từ nhận thức đến hành động của các cấp, các ngành về công tác tư pháp trong tình hình mới.

Với tinh thần phấn khởi và xúc cảm được khích lệ từ Hội nghị, cùng với tập thể Ban cán sự, lãnh đạo Bộ, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã dẫn dắt ngành Tư pháp vượt qua những khó khăn, thách thức trong diện mạo mới, hoàn thành Chương trình trọng tâm công tác tư pháp năm 2013, không ngừng nâng cao vị thế ngành Tư pháp trong một Chính phủ hành pháp đang chuyển biến mạnh trong thực thi chức năng khởi xướng, hoạch định và điều hành chính sách, pháp luật vì các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Có thể nói, hiếm có vòng quay 365 ngày nào dồn dập với những sự kiện xây dựng và thi hành pháp luật ở tầm vĩ mô, thể hiện rõ trí tuệ, bản lĩnh, trách nhiệm cao của ngành Tư pháp nói chung, của Bộ trưởng nói riêng, như năm 2013. Bắt đầu từ những hoạt động tích cực, chủ động và kiên trì của Chính phủ mà Bộ Tư pháp là thường trực, để đóng góp vào quá trình xây dựng, hoàn thiện dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; đến việc thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tư pháp đã trả lời chất vấn trước UBTVQH, các Đoàn đại biểu Quốc hội về tình hình triển khai thi hành luật, pháp lệnh và tiếp đó là những nỗ lực rất lớn của Chính phủ cùng tất cả các bộ, ngành để giảm đến mức có thể tình trạng nợ đọng ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh; trong đó, nổi bật là sự kiện, dưới sự chủ trì và quyết liệt đôn đốc của Bộ Tư pháp, các bộ, ngành đã hoàn thành việc soạn thảo để trình Chính phủ ban hành trong năm 2013 chùm hơn 50 nghị định về xử lý vi phạm hành chính, cơ bản đảm bảo chất lượng, tính đồng bộ để đưa Luật xử lý vi phạm hành chính đi vào cuộc sống, góp phần giữ vững trật tự quản lý nhà nước trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế- xã hội. Bên cạnh việc chỉ đạo khởi thảo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn của đất nước đối với những đạo luật rường cột liên quan đến mọi người dân, mọi gia đình như Bộ luật dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Bộ luật Hình sự, trong năm 2013, việc hoàn thiện thể chế tổ chức và hoạt động của ngành Tư pháp tiếp tục là mối quan tâm lớn của Bộ trưởng Hà Hùng Cường. Ông cẩn thận đến từng chi tiết, từng điều khoản và quyết liệt trong chỉ đạo phối hợp với các bộ, ngành nhằm tạo được sự thống nhất, thông suốt, hợp lý và vững mạnh về tổ chức tư pháp và pháp chế ngành ở cả trung ương và địa phương theo tinh thần “sự nghiệp tư pháp là của chung các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương”. Các đề án công tác lớn của Ngành được phê duyệt và triển khai thực hiện trong năm 2013 vừa thể hiện sự chuyển hướng chiến lược về thi hành pháp luật, vừa mang tầm vóc tư duy liên ngành, vì lợi ích toàn cục của quốc gia, vì sự đơn giản, thuận lợi cho nhân dân như Đề án về Ngày Pháp luật Việt Nam, Đề án về đơn giản hóa thủ tục hành chính và giấy tờ công dân liên quan đến Luật Hộ tịch, Đề án chiến lược Lý lịch tư pháp, Đề án kiện toàn tổ chức quản lý thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính, Đề án xây dựng Trường Đại học luật Hà Nội và Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm về đào tạo pháp luật, Đề án xây dựng Học viện Tư pháp thành Trung tâm lớn về đào tạo cán bộ tư pháp….

Và luôn còn đó những nỗi niềm, trăn trở……

Mỗi bước thời gian trôi qua là thêm những trăn trở về Ngành, về nghề trong tâm tư Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường. Năm 2013 cũng không là ngoại lệ, bởi vẫn còn đó những việc đã tổng mà chưa thể kết và những việc mới mở ra mà, với ông, bất kỳ nhiệm vụ nào được giao cho Bộ, Ngành Tư pháp cũng đều có tầm quan trọng riêng, đều cần phải được quan tâm tỉ mỉ từ mọi góc độ để khi có sản phẩm, đó sẽ phải là những sản phẩm không chỉ đạt được mục tiêu đề ra mà còn phải thể hiện ở mức tốt nhất, hoàn hảo nhất trách nhiệm và trí tuệ tập thể của Bộ, Ngành Tư pháp.

Bởi vậy mà, sau hơn hai năm “đắm mình” trong cơ hội vàng được tham gia, đóng góp xây dựng từ phút đầu bản dự thảo Hiến pháp của thời kỳ xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, hội nhập quốc tế, dẫu đã làm hết sức và trách nhiệm trên cương vị được giao, nhưng ông vẫn chưa thể thôi nghĩ, trăn trở về những điều tâm huyết về quyền lực nhân dân, về kiểm soát quyền lực nhà nước…còn chưa đi được đến cùng trong đạo luật gốc của đất nước. Là người đã tâm huyết và tham gia khởi xướng việc nghiên cứu đánh giá nhu cầu, từ đó, đề xuất với Đảng, Nhà nước đường hướng cải cách pháp luật, cải cách tư pháp khi đất nước mới bước vào thiên niên kỷ mới, Bộ trưởng không thể không trăn trở về việc thực hiện một số chủ trương sáng suốt và đúng đắn của Bộ Chính trị trong Chiến lược Cải cách tư pháp đã và đang chững lại; có việc đã đi đúng hướng như xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp nhưng do không có chính sách hỗ trợ của nhà nước và chưa đồng bộ với pháp luật tố tụng nên dù có gỡ điểm nghẽn về chủ trương thì vẫn còn ách tắc trong thực tiễn…

Là người đứng đầu một Bộ, một ngành, vấn đề khiến ông luôn day dứt là chính sách, chế độ đãi ngộ cho người làm công tác tư pháp, pháp chế vẫn rất bất cập so với yêu cầu thực tiễn và còn hạn chế so với đồng nghiệp trong các cơ quan khác trong khối Nội chính. Điều đó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công tác của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, đến đạo đức công vụ của người có chức danh tư pháp mà còn là nguyên nhân chính cản trở khả năng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho những công việc đòi hỏi trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kinh nghiệm thực tiễn trong Ngành. Dẫu đã kiên trì cố gắng tham mưu, đề xuất nhiều lần, nhưng trong bối cảnh kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn và dường như vẫn còn thiếu sự thấu hiểu, cùng vào cuộc của những cơ quan có thẩm quyền quyết định, nên vẫn còn đó sự chạnh lòng, cảm nhận có lỗi của Bộ trưởng Tư pháp khi nghĩ về những đồng nghiệp đang còn khó khăn, về khoảng cách còn rất lớn giữa chức năng, nhiệm vụ, yêu cầu công việc và tổ chức, biên chế, nhất là ở cơ sở.

Một mùa Xuân mới lại về đem theo những niềm hy vọng mới cho cuộc sống. Thấu hiểu, sẻ chia những vui buồn của Tư lệnh ngành trong những ngày cuối năm, hy vọng sẽ giúp cho những người đang cần mẫn với công tác Tư pháp có thêm động lực tiếp tục sát cánh cùng Bộ trưởng vượt qua nhiều thách thức trong diện mạo mới của Ngành với niềm tin về ý nghĩa, giá trị của những việc chúng ta đang làm, sức mạnh chúng ta đang có và những thành quả của công tác Tư pháp đang chờ ở phía trước.../.

Hương Giang