Đưa ngành Tư pháp phát triển lên một tầm cao mới, diện mạo mới

03/02/2014
Năm 2014 sẽ là một năm “đặc biệt” đối với ngành Tư pháp và nhất là đối với công tác xây dựng pháp luật. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định khi trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nhân dịp đầu xuân Giáp Ngọ 2014 về công tác xây dựng thể chế.

PV: Thưa Bộ trưởng, được biết trong năm 2013, công tác xây dựng thể chế được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của Chính phủ và của Bộ, Ngành Tư pháp. Qua theo dõi, chúng tôi được biết công tác này đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Xin Bộ trưởng đánh giá về những kết quả này?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Như chúng ta đã biết, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước (bổ sung, phát triển 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011 - 2020, trong đó xác định hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một trong 3 khâu đột phá chiến lược. Với tinh thần đó, từ đầu nhiệm kỳ đến nay và nhất là năm 2013 vừa qua, công tác xây dựng thể chế luôn được coi là một trong những nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong đó có Bộ Tư pháp. Trong năm qua, công tác này đã được triển khai quyết liệt, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, cụ thể là: Bộ Tư pháp, các tổ chức pháp chế đã tham mưu cho Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ hoàn thành 100% Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, trong đó có những đạo luật rất quan trọng thúc đẩy kinh tế thị trường như Luật đất đai (sửa đổi), Luật việc làm, Luật đấu thầu, Luật khoa học và công nghệ (sửa đổi)…

Việc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã có nhiều chuyển biến, nhất là tình trạng chậm ban hành nghị định của Chính phủ trong nhiều năm qua, tiếp tục được cải thiện. Trong đó, phải nhấn mạnh việc chỉ trong hơn 01 năm, Chính phủ đã ban hành được 52/53 nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính, cơ bản đảm bảo chất lượng,
tính đồng bộ, minh bạch, đồng thời góp phần đơn giản hóa hệ thống văn bản pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, giảm thiểu mâu thuẫn, chồng chéo, tạo hành lang pháp lý ổn định, tạo điều kiện để công chức thi hành luật đúng đắn, chuẩn xác và người dân dễ hiểu, dễ chấp hành pháp luật. Cùng với đó, công tác, thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) được thực hiện bài bản hơn, nền nếp hơn, từng bước đi vào chiều sâu, có sự gắn kết hơn giữa xây dựng và thi hành pháp luật với việc kiểm soát thủ tục hành chính – một nhiệm vụ mới được giao cho Ngành tư pháp.

Đặc biệt, thực hiện một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng thể chế được Chính phủ giao, trong năm 2013 toàn ngành Tư pháp đã tập trung nguồn lực hoàn thành tốt nhiệm vụ Thường trực Ban Chỉ đạo của Chính phủ trong quá trình tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 và xây dựng, góp ý hoàn thiện dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Nhiều ý kiến của Chính phủ, đặc biệt là về Chính phủ, Chính quyền địa phương, về Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, đã được tiếp thu và thể hiện trong Bản Hiến pháp sửa đổi năm 2013 có hiệu lực từ ngày 01/01/2014...

PV: Bên cạnh những thành tích đã đạt được, vẫn còn tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, pháp lệnh chưa được giải quyết dứt điểm; một số quy định không phù hợp với thực tiễn, thiếu tính khả thi, gây bức xúc trong dư luận...Bộ trưởng có thể cho biết nguyên nhân và giải pháp nào khắc phục tình trạng trên?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ nhưng trong công tác xây dựng thể chế hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, nổi lên là tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh của Quốc hội, UBTVQH và chất lượng của một số văn bản QPPL còn chưa được như mong muốn.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, về mặt khách quan có thể kể đến là do số lượng và tính chất phức tạp của các văn bản cần ban hành. Trong năm 2013, gần hai chục luật, pháp lệnh có hiệu lực với số văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh cần ban hành lớn gấp khoảng 6 - 7 lần con số đó, cá biệt có những luật đòi hỏi Chính phủ ban hành tới hàng chục nghị định quy định chi tiết, chẳng hạn như để thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính, Chính phủ phải ban hành 53 nghị định hay để thi hành Bộ Luật lao động, Chính phủ cần ban hành 20 nghị định…, nhiều văn bản có nội dung phức tạp, thời gian cho phép để soạn thảo và thông qua thường chỉ từ sáu tháng đến một năm, do đó, tạo sức ép công việc rất lớn cho các Bộ, ngành.

Tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận rằng những hạn chế bất cập trong công tác xây dựng thể chế thời gian qua vẫn chủ yếu là do nguyên nhân chủ quan. Trước hết là xuất phát từ ý thức trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết tại một số Bộ, cơ quan ngang Bộ chưa cao; việc đề xuất xây dựng một số luật, pháp lệnh còn chưa hợp lý, xác định chưa thật trúng vấn đề thực tiễn đòi hỏi, việc phân tích định hướng chính sách và đánh giá tác động kinh tế- xã hội của chính sách chưa được thực hiện nghiêm túc, thấu đáo, do đó, nhiều vấn đề chưa được làm rõ trong luật, pháp lệnh phải để lại cho văn bản hướng dẫn quy định; một số cơ quan, nhất là ở địa phương, chưa phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của tổ chức, cán bộ pháp chế trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản QPPL; đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng, thẩm định văn bản QPPL còn thiếu nhiều về số lượng, kinh nghiệm, năng lực có phần hạn chế, tư duy pháp lý thuần tuý; kinh phí dành cho công tác xây dựng, thẩm định văn bản QPPL còn hạn chế. Bên cạnh đó, công tác phối hợp trong xây dựng, góp ý, thẩm định văn bản QPPL giữa một số bộ, cơ quan chưa thật sự nhịp nhàng cũng ảnh hưởng đến tình trạng nợ đọng văn bản và chất lượng một số quy định trong văn bản QPPL, nhất là thông tư, thông tư liên tịch, chưa bảo đảm tính khả thi, hợp lý.

Với vai trò là cơ quan giúp Chính phủ quản lý nhà nước trong công tác xây dựng pháp luật và từ tháng 7 năm 2013 được Thủ tướng Chính phủ giao thêm nhiệm vụ theo dõi tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh (chuyển từ Văn phòng Chính phủ sang), Bộ Tư pháp đã và đang triển khai nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng trên, như: đề xuất với Chính phủ tổ chức các phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật đồng thời tăng thời gian cho công tác này tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ để kịp thời giải quyết những vướng mắc của các Bộ, ngành trong quá trình soạn thảo văn bản; đổi mới quy trình, vận dụng một số cách làm mới nhằm nâng cao chất lượng góp ý, thẩm định VBQPPL...

Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII vừa qua, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Ủy ban pháp luật của Quốc hội xây dựng trình Quốc hội thông qua Nghị quyết 67/2013/QH13 về tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh của Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành, trong đó đề ra nhiều giải pháp nhằm tạo chuyển biến rõ rệt trong công tác này trong năm 2014 và các năm tiếp theo. Hiện nay, trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội, Bộ Tư pháp đã tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch và phối hợp với các Bộ, ngành để triển khai thực hiện, trong đó tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ, cụ thể là: tăng cường phổ biến, tuyên truyền các luật, pháp lệnh; rà soát các luật, pháp lệnh để xây dựng, ban hành đầy đủ, kịp thời văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của Luật ban hành văn bản QPPL và các Nghị quyết của Quốc hội về trình tự, thủ tục, thời hạn ban hành văn bản QPPL; bảo đảm nguồn lực cho công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; và tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

Về lâu dài, cùng với việc triển khai thực hiện Hiến pháp sửa đổi mới được Quốc hội thông qua, Bộ Tư pháp đang nghiên cứu, xây dựng Luật Ban hành văn bản QPPL (hợp nhất) với nhiều điểm đổi mới quan trọng, qua đó sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế nói chung, khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh nói riêng, đồng thời tạo điều kiện để chúng ta chuyển dần định hướng chiến lược từ xây dựng thể chế sang thực thi thể chế như Cương lĩnh xây dựng đất nước (bổ sung, phát triển 2011) đã đề ra.

PV: Năm đầu tiên triển khai Hiến pháp mới, nhiệm vụ rà soát văn bản QPPL để bảo đảm phù hợp với Hiến pháp là rất quan trọng và nặng nề. Lộ trình này sẽ được thực hiện thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Như chúng ta đều biết, Hiến pháp sửa đổi được kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 28/11/2013 và đã có hiệu lực từ ngày 01/01/2014, là một sự kiện chính trị - pháp lý hệ trọng của đất nước. Để các quy định của Hiến pháp đi vào cuộc sống, bảo đảm Hiến pháp là đạo luật cơ bản, bảo đảm tính hợp hiến trong quá trình thực thi và bảo vệ Hiến pháp, nhiệm vụ lớn và trọng tâm trong thời gian tới là tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp sửa đổi mà trước tiên là việc rà soát, căn chỉnh, hoàn thiện hệ thống pháp luật cho phù hợp với Hiến pháp.

Ngày 02/01/2014, UBTVQH đã có Nghị quyết số 718/NQ-UBTVQH13 ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp, trong đó có nhiệm vụ rà soát, sửa đổi văn bản trên từng lĩnh vực cụ thể để các bộ, ngành triển khai thực hiện. Để cụ thể hóa Kế hoạch của UBTVQH, Chính phủ tới đây sẽ ban hành Kế hoạch triển khai Hiến pháp năm 2013, trong đó, ngoài việc phải soạn thảo trình Quốc hội ban hành một số lượng lớn các luật, nhất là luật về tổ chức bộ máy nhà nước, về quản lý kinh tế- xã hội, nhất là quản lý tài sản nhà nước, đầu tư công, về quyền con người, quyền cơ bản của công dân, thì một nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu là các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các cấp có trách nhiệm rà soát và lập, công bố danh mục các quy định, văn bản QPPL của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, HĐND, UBND các cấp ban hành có nội dung không còn phù hợp với các quy định của Hiến pháp. Việc rà soát này được thực hiện theo phạm vi, thẩm quyền quy định tại Nghị định số 16/2013/NĐ-CP của Chính phủ về rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL và dự kiến phải hoàn thành trước tháng 6/2014. Trên cơ sở các danh mục văn bản đã rà soát được công bố, các cơ quan có thẩm quyền liên quan sẽ tiến hành việc bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới để phù hợp với Hiến pháp.

Có thể nói, công tác rà soát văn bản lần này sẽ thực hiện như một đợt “tổng rà soát”, căn chỉnh, làm sạch, gọn nhẹ hệ thống pháp luật, đây là nhiệm vụ rất quan trọng nhằm tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp, cần được tiến hành thống nhất, đồng bộ và đúng tiến độ, qua đó góp phần bảo đảm việc thi hành hiệu quả Hiến pháp mới.

PV: Một mùa xuân mới đã đến, Bộ trưởng mong muốn điều gì cho ngành Tư pháp nói chung và công tác xây dựng pháp luật nói riêng?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Như đã nói ở trên, năm 2014 là năm đầu tiên cả nước ta tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp sửa đổi. Thông điệp đầu năm của Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là phải đổi mới, hoàn thiện thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân. Chính vì vậy, năm 2014 sẽ là một năm “đặc biệt” đối với ngành Tư pháp và nhất là đối với công tác xây dựng pháp luật. Tôi mong muốn và tin tưởng rằng, tiếp nối truyền thống vẻ vang của Ngành, cũng như những chuyển biến tích cực trong công tác tư pháp, công tác xây dựng pháp luật trong những năm gần đây, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp nói chung, cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật nói riêng sẽ tiếp tục kiên trì, năng động, sáng tạo, vượt lên chính mình, hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao trong năm 2014 và những năm tiếp theo, đưa ngành Tư pháp phát triển lên một tầm cao mới, với diện mạo mới, vị thế mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, tiến tới Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập nước và cũng là 70 năm ngày truyền thống của ngành Tư pháp Việt Nam vào năm 2015./.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Theo http://dangcongsan.vn