Bộ Tư pháp đứng đầu bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính cấp bộ, cơ quan ngang bộ năm 2012 (PAR INDEX 2012)

01/02/2014
Theo công bố của Bộ Nội vụ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2014, Bộ Tư pháp đứng đầu bảng xếp hạng bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính cấp bộ, cơ quan ngang bộ năm 2012 (PAR INDEX 2012) với chỉ số đạt 82,47%. Đây là một tín hiệu tích cực, ghi nhận sự nỗ lực, kiên trì, quyết liệt trong quá trình triển khai công tác cải cách hành chính của Bộ Tư pháp thời gian qua.

Vài nét cơ bản về Chỉ số CCHC

Chỉ số CCHC được xác định để theo dõi, đánh giá một cách thực chất, khách quan, công bằng kết quả triển khai cải cách hành chính hàng năm của các bộ, cơ quan ngang bộ (gọi tắt là bộ), Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là tỉnh) trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020.

Chỉ số CCHC cải cách hành chính được xây dựng trên cơ sở bám sát các yêu cầu sau:

+/ Bám sát nội dung Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 ban hành tại Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ.

+/ Bảo đảm tính khả thi, phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tế của các bộ, các tỉnh và đánh giá thực chất, khách quan kết quả triển khai cải cách hành chính theo chu kỳ năm ở các bộ, các tỉnh.

+/ Tăng cường sự tham gia đánh giá của cá nhân, tổ chức đối với quá trình triển khai cải cách hành chính của các bộ, các tỉnh.

+/ Hình thành được hệ thống theo dõi, đánh giá đồng bộ, thống nhất, từng bước ổn định trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương tới địa phương.

- Về phạm vi và đối tượng

+/ Phạm vi áp dụng là: Công tác theo dõi, đánh giá kết quả triển khai thực hiện cải cách hành chính hàng năm của các bộ, các tỉnh.

+/ Đối tượng áp dụng là: Các bộ, cơ quan ngang bộ (trừ Văn phòng Chính phủ), Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Các lĩnh vực, tiêu chí, tiêu chí thành phần của Chỉ số CCHC cấp bộ

Chỉ số CCHC cấp bộ được xác định trên 7 lĩnh vực, 31 tiêu chí và 89 tiêu chí thành phần, cụ thể:

+/ Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính: 6 tiêu chí và 18 tiêu chí thành phần;

+/ Xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ: 6 tiêu chí và 17 tiêu chí thành phần;

+/ Cải cách thủ tục hành chính: 3 tiêu chí và 11 tiêu chí thành phần;

+/ Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước: 5 tiêu chí và 8 tiêu chí thành phần;

+/ Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức: 5 tiêu chí và 17 tiêu chí thành phần;

+/ Đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập: 3 tiêu chí và 6 tiêu chí thành phần;

+/ Hiện đại hóa hành chính: 3 tiêu chí và 12 tiêu chí thành phần;

- Thang điểm đánh giá:

+/ Thang điểm đánh giá là 100;

+/ Điểm đánh giá qua điều tra xã hội học là 40/100;

- Phương pháp đánh giá:

+/ Tự đánh giá của các bộ: các bộ tự theo dõi, đánh giá và cho điểm kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính của bộ và các cơ quan, đơn vị trực thuộc theo các tiêu chí, tiêu chí thành phần được quy định trong Chỉ số CCHC cấp bộ và hướng dẫn của Bộ Nội vụ;

+/ Đánh giá thông qua điều tra xã hội học: số tiêu chí, tiêu chí thành phần đánh giá qua điều tra xã hội học là 24. Bộ câu hỏi điều tra xã hội học được xây dựng với số lượng, nội dung câu hỏi tương ứng với các tiêu chí, tiêu chí thành phần của Chỉ số CCHC cấp bộ. Việc điều tra xã hội học được tiến hành lấy ý kiến đánh gìá của các nhóm đối tượng khác nhau.

Căn cứ Quyết định số 524/QĐ-BNV ngày 03 tháng 5 năm 2013 phê duyệt phương án điều tra xác định Chỉ số cải cách hành chính năm 2012 của các bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 3 đối tượng được điều tra để đánh giá cải cách hành chính cấp bộ là:

+/ Đại biểu Quốc hội;

+/ Lãnh đạo cấp vụ/cục/tổng cục tất cả các bộ, cơ quan ngang bộ;

+/ Lãnh đạo các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Điểm tự đánh giá của các bộ sẽ được Bộ Nội vụ xem xét, công nhận hoặc điều chỉnh nếu cần thiết. Điểm đánh giá qua điều tra xã hội học là điểm do Bộ Nội vụ thực hiện. Tổng hợp điểm qua điều tra xã hội học và điểm Bộ Nội vụ đánh giá là căn cứ để tính Chỉ số CCHC cho từng bộ. Chỉ số CCHC được xác định bằng tỉ lệ % giữa “Tổng điểm đạt được” và “Tổng điểm tối đa” (100 điểm).

- Các văn bản triển khai xác định Chỉ số CCHC

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020, Bộ Nội vụ đã ban hành các văn bản triển khai thi hành về xác định chỉ số CCHC, bao gồm:

+/ Quyết định số 1294/QĐ-BNV ngày 03 tháng 12 năm 2012 của Bộ Nội vụ Phê duyệt Đề án “Xác định chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh,thành phố trực thuộc Trung ương;

+/ Quyết định số 152/QĐ-BNV ngày 26 tháng 02 năm 2013 Ban hành Kế hoạch triển khai xác định Chỉ số cải cách hành chính năm 2012 của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

+/ Công văn số 932/BNV-CCHC ngày 20 tháng 3 năm 2013 và Công văn số 1417/BNV-CCHC ngày 23 tháng 4 năm 2013của Bộ Nội vụ hướng dẫn tự đánh giá, chấm điểm để xác định Chỉ số CCHC cấp bộ;

+/ Quyết định số 845/QĐ-BNV ngày 24 tháng 7 năm 2013 của Bộ Nội vụ Về việc thành lập Hội đồng thẩm định kết quả xác định Chỉ số cải cách hành chính hàng năm của bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Tổ Thư ký giúp việc Hội đồng thẩm định.

Công bố kết quả xác định Chỉ số CCHC

Thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước  giai đoạn 2011 - 2020, Bộ Nội vụ được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, ban hành và hướng dẫn triển khai thực hiện xác định Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX).  PAR INDEX được đánh giá là bộ công cụ quan trọng để theo dõi, đánh giá hoạt động cải cách hành chính được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực, gồm: cải cách thể chế; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách hành chính công và hiện đại hoá nền hành chính.

Ngày 25/01/2014, tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01 năm 2014, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình đã Báo cáo Chính phủ kết quả PAR INDEX 2012 của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trên cơ sở tự đánh giá, chấm điểm của các Bộ và các tỉnh (đã được Bộ Nội vụ xem xét, công nhận hoặc điều chỉnh) và kết quả điều tra Xã hội học, Bộ Nội vụ đã xây dựng Báo cáo chi tiết tổng hợp kết quả xác định PAR INDEX 2012 trong đó có phân tích sự biến động của các Chỉ số thành phần, những điểm mạnh, điểm yếu của từng Bộ, từng tỉnh trong việc triển khai cải cách hành chính trên từng lĩnh vực, tiêu chí.

Kết quả PAR INDEX 2012 của các Bộ được chia làm 4 nhóm: Tốt, Khá, Trung bình, Thấp.

Nhóm kết quả Tốt có Chỉ số trên 80% có 4 Bộ, trong đó Bộ Tư Pháp đứng đầu với PAR INDEX là 82.47%.

Nhóm kết quả Khá đạt Chỉ số từ 76% đến 80% có 7 Bộ, cơ quan ngang Bộ.

Nhóm kết quả Trung bình đạt Chỉ số từ 70% đến 75% có 4 Bộ, cơ quan ngang Bộ.

Và nhóm kết quả Thấp có 4 Bộ,  Bộ Y tế đứng cuối với PAR INDEX là 64.78%

Kết quả PAR INDEX 2012 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng được chia 4 nhóm: Tốt, Khá, Trung bình, Thấp.

Nhóm kết quả Tốt đạt Chỉ số trên 80% có 19 tỉnh, thành phố, thành phố Đà Nẵng đứng đầu với PAR INDEX là 87.14%.

Nhóm kết quả Khá đạt Chỉ số từ 70% đến dưới 80% có 33 tỉnh, thành phố.

Nhóm kết quả Trung bình đạt Chỉ số từ 67.68% đến dưới 70% có 05 tỉnh.

Nhóm kết quả Thấp đạt Chỉ số từ 62.58% đến dưới 67.68% gồm 06 tỉnh, Điện Biên thấp nhất với kết quả PAR INDEX 62.58% .

Theo nhận định chung, Báo cáo đánh giá việc triển khai xác định PAR INDEX về cơ bản theo đúng kế hoạch, chất lượng và tiến độ thời gian. PAR INDEX đã phản ánh khách quan, trung thực kết quả thực hiện cải cách hành chính của các Bộ, các tỉnh năm 2012 và là nguồn thông tin quan trọng giúp các Bộ, các tỉnh nhận biết được những mặt mạnh, yếu trong việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính năm 2012, từ đó có tác động tích cực đến công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp trong các năm tiếp theo.

Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên triển khai đánh giá, xác định PAR INDEX nên các đơn vị triển khai còn thiếu kinh nghiệm, lúng túng trong xây dựng kế hoạch và thực hiện; cơ sở dữ liệu về các lĩnh vực cải cách hành chính còn thiếu, do vậy việc đánh giá các tiêu chí, tiêu chí thành phần gặp nhiều khó khăn; việc phối hợp giữa các cơ quan tham mưu cải cách hành chính và các cơ quan liên quan trong Bộ, tỉnh chưa chặt chẽ, thường xuyên ảnh hưởng tới công tác tổng hợp, thu thập số liệu; nguồn lực triển khai còn thiếu, nhất là công tác điều tra xã hội học, ảnh hưởng đến việc triển khai và tiến độ thời gian điều tra xã hội học; một số Bộ, tỉnh chưa quan tâm chỉ đạo chặt chẽ, thường xuyên, quyết liệt nên kết quả triển khai chậm so với quy định, báo cáo tự đánh giá, chấm điểm sơ sài, không đúng theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ và thiếu các tài liệu kiểm chứng, do đó, Bộ Nội vụ phải yêu cầu bổ sung tài liệu và hoàn thiện lại báo báo, vì vậy ảnh hưởng nhiều đến tiến độ thời gian.

Báo cáo nêu một số đề xuất, kiến nghị để bảo đảm việc triển khai PAR INDEX năm 2013 cũng như những năm tiếp theo, trong đó:

Các Bộ, các tỉnh căn cứ vào PAR INDEX 2012 có giải pháp cần thiết trong xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch cải cách hành chính năm 2014 để nâng cao chất lượng, hiệu quả triển khai cải cách hành chính của mình. Quan tâm chỉ đạo và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tốt chức triển khai tốt kế hoạch xác định PAR INDEX năm 2013 và các năm tiếp theo.

Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính quan tâm bố trí đầy đủ kinh phí để Bộ Nội vụ, các Bộ, các tỉnh có đủ điều kiện và thuận lợi hơn trong triển khai kế hoạch xác định PAR INDEX 2013 và các năm tiếp theo.

Nhiệm vụ của Bộ Tư pháp trong năm 2014

Trong năm 2014, Bộ Tư pháp cần tiếp tục triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác cải cách hành chính trên tất cả các lĩnh vực: Chỉ đạo, điều hành; Xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ; Cải cách thủ tục hành chính; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; Nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức; Đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập; Hiện đại hóa hành chính theo các định hướng lớn của Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2011 của Chính phủ.

Trong công tác xác định chỉ số CCHC, Bộ Tư pháp cần tiếp tục nỗ lực, tập trung vào một số nhóm nhiệm vụ cơ bản sau:

Thứ nhất, đảm bảo các yêu cầu phục vụ công tác xác định chỉ số CCHC, bao gồm các nhiệm vụ:

- Xây dựng Báo cáo về việc tự đánh giá, chấm điểm tiêu chí, tiêu chí thành phần chỉ số Cải cách hành chính năm 2013 của Bộ Tư pháp.

- Xây dựng các báo cáo cải cách hành chính của Bộ Tư pháp hàng quý, 6 tháng và năm gửi Bộ Nội vụ.

- Xây dựng Kế hoạch Cải cách hành chính của Bộ Tư pháp giai đoạn 2014 - 2020.

- Tổ chức thực hiện hiệu quả Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch kiểm tra công tác cải cách hành chính tại các đơn vị thuộc Bộ năm 2014.

- Xây dựng Kế hoạch Cải cách hành chính của Bộ Tư pháp năm 2015.

Thứ hai, xây dựng chỉ số CCHC áp dụng trong nội bộ Bộ Tư pháp, bao gồm các nhiệm vụ:

- Tọa đàm lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức để xây dựng Chỉ số cải cách hành chính áp dụng trong nội bộ của Bộ Tư pháp kết hợp với tuyên truyền về cải cách hành chính.

- Khảo sát tại một số địa phương để xây dựng Chỉ số cải cách hành chính áp dụng trong nội bộ của Bộ Tư pháp.

- Xây dựng Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Chỉ số cải cách hành chính áp dụng trong nội bộ Bộ Tư pháp.

- Tổ chức Hội nghị quán triệt và hướng dẫn triển khai Chỉ số CCHC của Bộ Tư pháp kết hợp với tuyên truyền về cải cách hành chính.

Thứ ba, triển khai xây dựng chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của Bộ Tư pháp (SIPAS) và tiếp tục có biện pháp nâng cao chỉ số hiệu quả xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của Bộ Tư pháp (MEI), bao gồm các nhiệm vụ:

- Tọa đàm lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức để xây dựng Phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của Bộ Tư pháp.

- Xây dựng Phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của Bộ Tư pháp.

- Tổ chức Hội nghị quán triệt và hướng dẫn áp dụng triển khai Phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của Bộ Tư pháp.

- Tọa đàm về thực trạng và giải pháp nâng cao chỉ số hiệu quả xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của Bộ Tư pháp./.

 

Ths. Nguyễn Xuân Tùng - Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp