Họp Ban soạn thảo dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

22/01/2014
Họp Ban soạn thảo dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Chiều ngày 21/01, Ban soạn thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) đã tổ chức họp dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.

Tại cuộc họp, ông Vũ Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, đã báo cáo về định hướng quy định và một số nội dung cơ bản của Luật Ban hành VBQPPL. Qua rà soát các quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến thẩm quyền của các chủ thể, tổng hợp ý kiến tại Hội nghị tổng kết thi hành hai Luật Ban hành VBQPPL, ý kiến đóng góp của Bộ, ngành và nghiên cứu nội dung của các dự thảo luật về tổ chức bộ máy nhà nước, Tổ biên tập đã xây dựng dự thảo Đề cương Luật (hợp nhất) với một số định hướng, nội dung cơ bản về: phạm vi điều chỉnh, tên gọi, bố cục của Luật, nội dung chính của Dự thảo đề cương.

Theo báo cáo, có 7 vấn đề mà Tổ biên tập đang gặp nhiều khó khăn, lúng túng như: Về phạm vi điều chỉnh nên mở rộng hay giữ nguyên, nếu mở rộng phạm vi của Luật thì khi đổi tên Luật thành Luật về VBQPPL có phù hợp không? Khái niệm về VBQPPL, QPPL và việc quy định các tiêu chí của VBQPPL là một nội dung khó. Bên cạnh đó, thẩm quyền ban hành VBQPPL của các chủ thể như Quốc hội, Uỷ ban thường Vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ đã được Hiến pháp quy định, nhưng mới chỉ dừng lại ở các quy định chung, do đó việc xác định rõ thẩm quyền về mặt nội dung của những văn bản do các cơ quan này ban hành gặp nhiều lúng túng. Hiến pháp năm 2013 không quy định về thẩm quyền ban hành VBQPPL của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, chính quyền địa phương vì vậy cần phải làm rõ thẩm quyền của các cơ quan này, mặt khác hiện nay, luật về tổ chức bộ máy đang trong quá trình xây dựng. Tổ biên tập thống nhất không quy định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh theo nhiệm kỳ của Quốc hội trong Dự thảo, tuy nhiên chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Dự thảo Luật quy định về quy trình hoạch định và phân tích chính sách, nhưng quy trình này nằm ở giai đoạn lập chương trình hay sau khi có chương trình xây dựng vẫn chưa có sự thống nhất. Ngoài ra, việc quy định án lệ, nội luật hóa điều ước quốc tế như thế nào trong Luật cũng là một trong số các nội dung cần xin ý kiến. Cuối cùng, việc thi hành VBQPPL và hoàn thiện hệ thống pháp luật nên quy định các nguyên tắc cơ bản hay quy định cụ thể các nội dung này.

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường ghi nhận sự chuẩn bị của Tổ biên tập cho buổi họp của Ban soạn thảo. Tuy nhiên do có nhiều ý kiến thảo luận khác nhau Bộ trưởng yêu cầu Tổ biên tập cần nghiên cứu qua lý luận, thực tiễn học hỏi kinh nghiệm trong nước và ngoài nước để đưa ra được khái niệm thế nào là VBQPPL, QPPL. Đây là vấn đề còn chưa thống nhất, cần đưa ra khái niệm chuẩn, quy định chuẩn được Chính phủ, Quốc hội chấp nhận. Trong một nhà nước đơn nhất như nhà nước ta, Hiến pháp cho phép quyền lập quy khá độc lập của Chính phủ, của các Bộ thì lập pháp, lập quy và ủy quyền lập pháp như thế nào để đảm bảo pháp chế xã hội chủ nghĩa. Cần xem lại vấn đề thẩm quyền lập quy của Chính phủ thông qua việc tổng kết những hạn chế, tồn tại, yếu kém của luật cũ để phù hợp với các quy định của Hiến pháp năm 2013. Để phục vụ báo cáo Chính phủ trong tháng 3, Tổ biên tập cần bắt tay vào chuẩn bị báo cáo về những định hướng lớn trong việc xây dựng Luật hợp nhất, cũng như mục đích, yêu cầu, quan điểm chỉ đạo để có thể thống nhất những vấn đề cụ thể với tư duy đổi mới.