Họp Tổ biên tập dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật

20/01/2014
Họp Tổ biên tập dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Ngày 17/01/2014, Tổ biên tập dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã họp để cho ý kiến về Báo cáo định hướng và một số nội dung của dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Cuộc họp do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Tổ trưởng Tổ biên tập chủ trì.

Tại cuộc họp, các thành viên Tổ biên tập đã thảo luận về các vấn đề liên quan đến phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật (thẩm quyền nội dung và hình thức), quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nguồn lực bảo đảm công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật… Đặc biệt, vấn đề án lệ và nội luật hóa điều ước quốc tế cũng được đưa ra thảo luận sôi nổi tại cuộc họp này.

Về phạm vi điều chỉnh, nhiều thành viên Tổ biên tập đề nghị Luật mới cần mở rộng phạm vi điều chỉnh để quy định về tất cả các vấn đề liên quan đến văn bản quy phạm pháp luật, từ đề xuất, phân tích chính sách, soạn thảo, thông qua, công bố đến thi hành văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Lý do là nhằm bảo đảm được sự gắn kết giữa công tác xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật – là hai hoạt động có mối quan hệ tương tác lẫn nhau; góp phần đưa văn bản quy phạm pháp luật nhanh chóng đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả trong thực tế đời sống xã hội; khắc phục việc thiếu quy định về thi hành pháp luật và tình trạng tản mạn của các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Về thẩm quyền ban hành văn bản, nhiều thành viên Tổ biên tập cho rằng tinh thần của Luật mới là cơ bản nên giữ nguyên các chủ thể được ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tuy nhiên cân nhắc mỗi chủ thể chỉ ban hành một loại văn bản và bỏ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Tổng kiểm toán nhà nước, HĐND và UBND cấp huyện và cấp xã. Đồng thời, Luật mới cũng phải làm rõ nội dung của từng loại văn bản, đặc biệt là nội dung của luật nhằm xác định rõ những vấn đề nào thuộc thẩm quyền lập pháp của Quốc hội, những vấn đề nào Quốc hội có thể ủy quyền quy định chi tiết cho các cơ quan khác và những vấn đề nào thuộc thẩm quyền lập quy của Chính phủ.

Về quy trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, hai đạo luật hiện hành chủ yếu quy định về quy trình soạn thảo văn bản, chưa chú trọng đúng mức đến khâu hoạch định, phân tích chính sách của văn bản. Điều này dẫn đến tình trạng vừa soạn thảo văn bản vừa xây dựng chính sách; trong khi quyết định về chính sách là một khâu rất quan trọng, cần được xem xét, quyết định sớm, trước khi bắt đầu soạn thảo văn bản. Do vậy, đa số thành viên Tổ biên tập đều cho rằng, Luật mới cần chú trọng đến quy định về hoạch định, phân tích chính sách. Hiện vẫn còn có nhiều quan điểm về vấn đề này. Có quan điểm cho rằng, khi Chính phủ hoặc các cơ quan khác thấy cần thiết phải có luật điều chỉnh một lĩnh vực nào đó thì sẽ đề nghị Quốc hội thông qua luật với các chính sách do Chính phủ hoặc các cơ quan khác trình (không cần phải có chương trình xây dựng luật, pháp lệnh). Quan điểm khác lại cho rằng, việc xây dựng văn bản của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội cần tiến hành theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm như hiện nay. Trên cơ sở nghị quyết về chương trình, các cơ quan được phân công chủ trì soạn thảo mới bắt đầu xây dựng chính sách. Việc xây dựng và thông qua chính sách được thực hiện theo các bước như theo quan điểm thứ nhất, tức là cơ quan chủ trì soạn thảo đề xuất, Chính phủ thảo luận thông qua, chuyển sang Quốc hội để thẩm tra, cho ý kiến và quyết định thông qua hay không thông qua, một phần hay toàn bộ.

Hai vấn đề mới được đưa ra để thảo luận là án lệ và điều ước quốc tế. Có ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định một số vấn đề về án lệ, chẳng hạn như khái niệm “án lệ”; điều kiện để quyết định của Tòa án (quyết định giám đốc thẩm) trở thành án lệ; nguyên tắc, trình tự, thủ tục ban hành án lệ; hiệu lực pháp lý của án lệ… Đồng thời, nghiên cứu khả năng quy định một số nội dung cần thiết liên quan đến điều ước quốc tế như trình tự, thủ tục nội luật hóa điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (Luật điều ước chỉ quy định về trình tự, thủ tục gia nhập, ký kết và thực hiện điều ước quốc tế).

Nội dung của dự án Luật này liên quan chặt chẽ với các dự án luật về tổ chức bộ máy đang trong quá trình soạn thảo như Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi), Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi), Luật tổ chức chính quyền địa phương… Do vậy, trong quá trình soạn thảo, Ban soạn thảo dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần phối hợp chặt chẽ với Ban soạn thảo các dự án luật nêu trên để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất giữa các dự án. Ban soạn thảo, Tổ biên tập của dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật đang tích cực hoạt động. Dự kiến, Bộ Tư pháp sẽ trình Chính phủ cho ý kiến về Định hướng xây dựng dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật tại Phiên họp thường kỳ tháng 3/2014.


Thái Nguyên