Diễn đàn Đối thoại về đăng ký giao dịch bảo đảm

25/12/2013
Diễn đàn Đối thoại về đăng ký giao dịch bảo đảm
Sáng qua - 24/12, Bộ Tư pháp phối hợp với Tập đoàn tài chính quốc tế (IFC) tổ chức Diễn đàn Đối thoại về đăng ký giao dịch bảo đảm (ĐKGDBĐ) tại Hà Nội với sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành Trung ương, các cơ quan, đơn vị, tổ chức tín dụng tại địa phương, các tổ chức quốc tế, các cơ quan thông tấn báo chí. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng đã dự và chỉ đạo Hội nghị.

Hiệu quả thi hành pháp luật về ĐKGDBĐ góp phần phục vụ đầu tư phát triển kinh tế - xã hội

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng nhấn mạnh, Diễn đàn đối thoại giữa các tổ chức, cá nhân sử dụng hệ thống ĐKGDBĐ với cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan có thẩm quyền ĐKGDBĐ năm 2013 (lần thứ 3) là sự kiện quan trọng và cần thiết nhằm đánh giá một cách khách quan, toàn diện về thực tiễn công tác ĐKGDBĐ bằng các loại tài sản như động sản, bất động sản, tàu bay, tàu biển trên phạm vi toàn quốc. Đây cũng là cơ hội để những đối tượng trực tiếp sử dụng hệ thống ĐKGDBĐ (người yêu cầu đăng ký) với những người trực tiếp thực hiện đăng ký (cán bộ đăng ký của các cơ quan ĐKGDBĐ) trao đổi thẳng thắn, công khai, làm rõ những vướng mắc, bất cập, khó khăn xuất phát từ quy định của pháp luật cũng như từ khâu tổ chức thực hiện đăng ký và khâu quản lý nhà nước về ĐKGDBĐ. Từ đó, trực tiếp giải đáp vướng mắc xuất phát từ quy định của pháp luật và từ thực tiễn nhằm giúp tổ chức, cá nhân có cơ sở để thực hiện tốt các quy định của pháp luật về ĐKGDBĐ. Giúp cơ quan quản lý nhà nước có điều kiện để nghe phản ánh từ phía người dân, doanh nghiệp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện ĐKGDBĐ, những bất cập của pháp luật hiện hành, từ đó nghiên cứu, đề xuất giải pháp từng bước đưa công tác ĐKGDBĐ vào nề nếp, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Ông Vũ Đức Long (Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia GDBĐ, Bộ Tư pháp) cho biết, thực hiện chủ trương phát huy tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế, xã hội của Đảng và Nhà nước, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng và nhịp độ tăng trưởng kinh tế - xã hội, tạo ra thế và lực mới cho đất nước phát triển mạnh mẽ và bền vững, trong thời gian qua, Nhà nước ta đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đa dạng hoá các hình thức huy động nguồn lực phục vụ đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có việc hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về ĐKGDBĐ.

Thông qua công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, hoạt động kiểm tra, theo dõi thi hành pháp luật, tuyên truyền, tập huấn, đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, công tác quản lý về ĐKGDBĐ của Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành liên quan trong thời gian vừa qua đã đạt được những kết quả cơ bản. Đến thời điểm hiện nay, có thể khẳng định, hoạt động ĐKGDBĐ bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; tàu bay; tàu biển và các động sản khác đã đi vào nề nếp, ổn định với việc thực hiện đúng các quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục ĐKGDBĐ của các cơ quan có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, xã hội và người dân cũng đã dành nhiều sự quan tâm tới hoạt động ĐKGDBĐ, ý thức chấp hành pháp luật về giao dịch bảo đảm, ĐKGDBĐ của các chủ thể tham gia vào nền kinh tế ngày càng được nâng cao, đặc biệt là các tổ chức tín dụng. Số lượng các giao dịch bảo đảm được đăng ký ngày càng tăng, tạo ra nguồn thông tin phong phú giúp minh bạch hoá thị trường tài chính, tín dụng.

Tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của ĐKGDBĐ

Tuy nhiên, để khắc phục những bất cập còn tồn tại trong pháp luật về ĐKGDBĐ, qua đó hoàn thiện hệ thống pháp luật về ĐKGDBĐ của Việt Nam, phát huy hơn nữa vai trò của ĐKGDBĐ trong quá trình xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm phù hợp với pháp luật quốc tế trong tiến trình hội nhập, với một số hạn chế, bất cập trong thực tiễn thi hành pháp luật về ĐKGDBĐ, Bộ Tư pháp cho rằng, cần tăng cường và nâng cao vai trò quản lý nhà nước của các cơ quan có thẩm quyền trong lĩnh vực ĐKGDBĐ, tăng cường chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan ĐKGDBĐ và nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ đăng ký, của người yêu cầu đăng ký, kết hợp với việc tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao dịch bảo đảm, ĐKGDBĐ cho nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội, trong đó không chỉ tập trung cho cán bộ các cơ quan đăng ký mà cần mở rộng tuyên truyền, tập huấn cho các đối tượng là người dân, doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng, các công chứng viên hành nghề công chứng nhằm trang bị đầy đủ kiến thức pháp luật trong lĩnh vực ĐKGDBĐ, kỹ năng trong việc soạn thảo hợp đồng và thực hiện đăng ký, nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân về vai trò và ý nghĩa của ĐKGDBĐ; công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của các cơ quan đăng ký nhằm qua đó nắm bắt được thực tiễn áp dụng và thi hành pháp luật, phát hiện những vướng mắc, bất cập xuất phát từ quy định của pháp luật cũng như tiêu cực, hạn chế từ phía cán bộ thực hiện đăng ký để kịp thời chấn chỉnh những hành vi chưa phù hợp với quy định của pháp luật của cơ quan đăng ký, cán bộ đăng ký, có giải pháp khắc phục những bất cập của pháp luật hiện hành, đưa công tác ĐKGDBĐ đi vào nề nếp, ổn định.

Qua thảo luận, đa số các đại biểu cơ bản thống nhất với đánh giá chung về thực tiễn hoạt động ĐKGDBĐ thời gian qua, cũng như tiếp tục đề xuất những giải pháp mang tính thực tiễn như nghiên cứu xây dựng Luật Đăng ký tài sản, trong đó có quy định về ĐKGDBĐ, xây dựng hệ thống dữ liệu thống nhất về ĐKGDBĐ, xây dựng mô hình cơ quan đăng ký tập trung các giao dịch bảo đảm; Nâng cao hiệu quả phối hợp công tác giữa các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan; Tăng cường vai trò quản lý của chính quyền địa phương đối với công tác ĐKGDBĐ bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; kiện toàn hệ thống hệ thống các cơ quan đăng ký thuộc phạm vi Bộ, ngành, cơ quan mình quản lý theo hướng hiện đại hóa máy móc, trang thiết bị phục vụ công tác đăng ký; đào tạo, tuyển dụng đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ, tinh thông về nghiệp vụ nhằm tăng cường chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan đăng ký...

H.Giang

Năm 2013 đã giải quyết 166.077 đơn yêu cầu đăng ký (tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2012). Đối với đất đai, tài sản gắn liền với đất đai, tàu bay, tàu biển cũng có tăng so với những năm trước. Năm 2012, ba Trung tâm ĐKGDBĐ của Cục Đăng ký quốc gia GDBĐ đã tiếp nhận và giải quyết 152.056 đơn yêu cầu ĐKGDBĐ bằng động sản.