Đoàn kiểm tra của Thanh tra Chính phủ làm việc tại Bộ Tư pháp

17/12/2013
Đoàn kiểm tra của Thanh tra Chính phủ làm việc tại Bộ Tư pháp
Ngày 13/12/2013, tại trụ sở Bộ Tư pháp, Đoàn kiểm tra của Thanh tra Chính phủ đã làm việc với Bộ Tư pháp để kiểm tra, nắm tình hình về kết quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, công tác xây dựng ngành, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị số 345/CT-TTCP ngày 23/02/2012 của Tổng Thanh tra Chính phủ, công tác thi đua - khen thưởng năm 2013 và chương trình kế hoạch công tác năm 2014.

Tham dự buổi làm việc, về phía Đoàn kiểm tra của Thanh tra Chính phủ có đồng chí Ngô Văn Khánh - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, Trưởng đoàn; các đồng chí đại diện cho Vụ Thanh tra khối nội chính và kinh tế tổng hợp (Vụ II), Vụ Giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra, Vụ Kế hoạch, Tài chính và Tổng hợp Thanh tra Chính phủ. Về phía Bộ Tư pháp, có sự tham dự của Thứ trưởng Nguyễn Thuý Hiền; các đồng chí là đại diện Lãnh đạo các đơn vị: Tổng cục Thi hành án dân sự, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Văn phòng Bộ, Vụ Thi đua - Khen thưởng và công chức lãnh đạo của Thanh tra Bộ Tư pháp.

Về công tác thanh tra: Năm 2013, ngành Tư pháp đã triển khai 560 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 942 tổ chức, cá nhân, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước (năm 2012 là 536 cuộc thanh tra, kiểm tra ), bao gồm: 65 cuộc thanh tra hành chính; 475 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; 20 cuộc thanh tra trách nhiệm thực hiện các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng; 97 cuộc kiểm tra sau thanh tra. Qua thanh tra phát hiện vi phạm, kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 736.176.416 đồng, ban hành 222 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 435.600.000 đồng.

Về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo: Từ ngày 16/12/2012 đến ngày 30/11/2013, Bộ Tư pháp đã tiếp 376 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, đề nghị, phản ánh; xử lý 2.170 đơn, trong đó, đơn thư thuộc thẩm quyền là 601 đơn (chiếm 27,6%), đơn thư không thuộc thẩm quyền là 1.569 đơn (chiếm 72,4%). Thanh tra Bộ Tư pháp đã và đang nghiên cứu tham mưu, đề xuất giải quyết 47 đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, trong đó có 37 đơn khiếu nại (35 vụ việc) và 10 đơn tố cáo.

Về công tác phòng, chống tham nhũng: Trong năm, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra tập trung vào một số lĩnh vực dễ có nguy cơ phát sinh tiêu cực, tham nhũng như: thi hành án dân sự, bán đấu giá tài sản, công chứng, hộ tịch trong nước và chứng thực...

Trong năm 2013, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng đã ban hành Quyết định số 2795 /QĐ-BTP ngày 18/11 /2013 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 06/12/2012 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/12/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí” giai đoạn 2012-2016 của Bộ Tư pháp.

Về công tác xây dựng ngành: Lãnh đạo Bộ Tư pháp và Vụ Tổ chức cán bộ rất quan tâm đến việc kiện toàn tổ chức cán bộ cho Thanh tra Bộ nói riêng và thanh tra ngành Tư pháp nói chung. Do đó, tổ chức bộ máy và công tác cán bộ của Thanh tra Bộ đã được kiện toàn. Đến nay Thanh tra ngành tư pháp có tổng số 174 biên chế.

Về công tác thi đua, khen thưởng: Năm 2013, Thanh tra Bộ có 26 cá nhân được công nhận danh hiệu Lao động tiên tiến; 10 cá nhân đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở. Đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Tổng Thanh tra Chính phủ tặng Bằng khen cho 4 cá nhân. Đề nghị Bộ trưởng công nhận danh hiệu tập thể lao động xuất sắc cho 2 tập thể và tặng Cờ thi đua của ngành tư pháp cho tập thể Thanh tra Bộ Tư pháp. Năm 2013, Thanh tra Bộ Tư pháp đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

Về thực hiện Chỉ thị số 345/CT-TTCP ngày 23/02/2012 của Thanh tra Chính phủ: Để phù hợp tình hình thực tế của đơn vị, Thanh tra Bộ đã xây dựng và tiến hành tổ chức học tập, nghiên cứu theo các chuyên đề. Đến tháng 12/2013, Thanh tra Bộ đã có 11 chuyên đề được nghiên cứu và học tập. Trong các buổi học tập chuyên đề, Thanh tra Bộ đều tuyên truyền những câu chuyện sinh động về Bác để cán bộ, đảng viên dễ tiếp thu học tập và làm theo, như câu chuyện  “Thời gian quý báu lắm”; “Gương mẫu tôn trọng luật lệ”; Tấm lòng vủa Bác với thương binh, liệt sĩ” ...

Về kế hoạch thanh tra năm 2014: Kế hoạch công tác thanh tra năm 2014 được Bộ Tư pháp xây dựng có trọng tâm, trọng điểm trong 05 lĩnh vực là: thi hành án dân sự; bán đấu giá tài sản; luật sư; kết hôn có yếu tố nước ngoài; việc quản lý và sử dụng biểu mẫu, sổ hộ tịch. Đồng thời, để thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Bộ cũng đã xây dựng kế hoạch thanh tra công tác đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý, sử dụng kinh phí hành chính sự nghiệp và thanh tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng tại một số Cục Thi hành án dân sự và đơn vị thuộc Bộ Tư pháp. Số cuộc thanh tra dự kiến năm 2014 là 23 đến 28 cuộc, số cuộc kiểm tra sau thanh tra là 06-08 cuộc.

Năm 2013, Bộ Tư pháp cũng đã tập trung cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác thanh tra. Trong đó, nổi bật là việc xây dựng Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự và phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã; Nghị định thay thế Nghị định số 74/2006/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Tư pháp.

Từ kết quả công tác năm 2013, phương hướng kế hoạch 2014, Bộ Tư pháp đề xuất kiến nghị, sớm xây dựng văn bản hướng dẫn và triển khai thi hành Luật Tiếp công dân; Xây dựng Thông tư thay thế Thông tư số 04/2010/TT-TTCP quy định quy trình xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến khiếu nại, tố cáo để phù hợp với Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo năm 2011; Kịp thời có văn bản hướng dẫn về nghiệp vụ khi có yêu cầu của các Bộ, ngành; tăng cường tập huấn và bồi dưỡng nghiệp vụ cho thanh tra viên và công chức ngành thanh tra; Có ý kiến về việc giao cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành Tư pháp để Bộ Tư pháp trình Chính phủ dự thảo Nghị định về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành tư pháp trong tháng 12/2013.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh đồng tình với sự đánh giá của Bộ Tư pháp về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng. Phó Tổng Thanh tra cho rằng, Ngành Tư pháp có nhiều điểm đặc thù và những khó khăn nhất định nhưng sự quan tâm của Lãnh đạo Bộ đến công tác thanh tra là rất lớn, tác động đến kết quả thực hiện công tác của ngành trong thời gian qua. Bên cạnh đó, tinh thần đoàn kết được thể hiện trong kết quả đánh giá cuối năm cũng như chất lượng cán bộ cao, bởi công tác xây dựng thể chế yêu cầu người cán bộ phải có tầm hiểu biết nhất định. Về những vấn đề kiến nghị, Phó Tổng Thanh tra Ngô Văn Khánh khẳng định trong phạm vi từng bước Thanh tra Chính phủ sẽ giải quyết. Đối với ý kiến về Ban Thanh tra nhân dân, Phó Tổng Thanh tra cho rằng, Ban Thanh tra nhân dân ra đời gắn với tổ chức Công đoàn với mong muốn mang tính độc lập, giám sát nhưng thực tế vấn đề này còn hình thức hạn chế, đây là vấn đề cần nghiên cứu sửa đổi. 

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền mong Thanh tra Chính phủ quan tâm giải quyết sớm các kiến nghị của Bộ. Bên cạnh đó, đề nghị Thanh tra Chính phủ tăng cường hơn nữa công tác thể chế, quan tâm, tạo điều kiện giúp Bộ kiện toàn một số các văn bản quy phạm pháp luật của Bộ cũng như của ngành Thanh tra. Tăng cường hơn nữa đội ngũ cán bộ của ngành Thanh tra cũng như tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ về công tác thanh tra. Khẳng định, vai trò của Thanh tra Chính phủ trong việc xây dựng đội ngũ thanh ra viên rất quan trọng, Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền hi vọng Thanh tra Chính phủ có sự chỉ đạo chung tới các tỉnh, thành phố quan tâm kiện toàn bộ máy thanh tra cấp Sở, nhất là thanh tra Sở Tư pháp. Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền khẳng định, qua những ý kiến nhận xét, đánh giá, đối với yêu cầu nhiệm vụ của ngành Thanh tra Tư pháp, Lãnh đạo Bộ sẽ chỉ đạo Thanh tra Bộ triển khai bằng kế hoạch cụ thể, đưa hoạt động sát với thực tế. Đối với những bất cập, hạn chế được chỉ ra, trong Bộ Tư pháp sẽ sớm khắc phục để nâng cao hơn nữa công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, thi đua - khen thưởng và công tác xây dựng ngành trong thời gian tới./.

Thanh tra Bộ


Hồng Minh