Bộ Tư pháp tổ chức Tọa đàm góp ý dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều về việc đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm, hợp đồng, thông báo việc kê biên tài sản thi hành án

30/10/2013
Bộ Tư pháp tổ chức Tọa đàm góp ý dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều về việc đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm, hợp đồng, thông báo việc kê biên tài sản thi hành án
Sáng ngày 30/10/2013, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội tổ chức Tọa đàm với sự tham dự của đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Tòa án nhân dân, cơ quan có thẩm quyền đăng ký giao dịch bảo đảm, cơ quan thi hành án dân sự, tổ chức hành nghề công chứng và một số tổ chức tín dụng trên địa bàn TP Hà Nội.

Chủ trì Tọa đàm, ông Hồ Quang Huy - Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp đã trình bày những điểm bất cập và các quy định mới, các nội dung cần tập trung trao đổi, thảo luận trong dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 05/2011/TT-BTP ngày 16/02/2011 hướng dẫn một số vấn đề về đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm, hợp đồng, thông báo việc kê biên tài sản thi hành án theo phương thức trực tiếp, bưu điện, fax, thư điện tử tại Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp và Thông tư số 22/2010/TT-BTP ngày 06/12/2010 hướng dẫn về đăng ký, cung cấp thông tin trực tuyến giao dịch bảo đảm, hợp đồng, thông báo việc kê biên tài sản thi hành án (sau đây gọi là dự thảo Thông tư).

Các đại biểu tham dự Tọa đàm nhất trí với sự cần thiết và nội dung chủ yếu của dự thảo Thông tư nhằm kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, từ đó khai thác tốt hơn giá trị kinh tế của động sản, đặc biệt là đối với quyền tài sản và hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu, quy định đầy đủ hơn căn cứ từ chối đăng ký và các trường hợp hủy kết quả đăng ký để bảo đảm tính thống nhất trong thực tiễn áp dụng. Đồng thời, dự thảo Thông tư cần hướng dẫn chi tiết hơn nội dung mô tả tài sản bảo đảm trong Đơn yêu cầu đăng ký để giúp xác định chính xác tài sản, hạn chế những tranh chấp phát sinh trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ. Bên cạnh đó, vấn đề nhận được sự quan tâm, trao đổi và ý kiến khác nhau giữa các đại biểu chính là việc nghiên cứu, mở rộng các quyền tài sản là đối tượng được đăng ký giao dịch bảo đảm.

Sau khi tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của các đại biểu tham dự Tọa đàm, ông Hồ Quang Huy khẳng định dự thảo Thông tư sẽ tiếp tục được chỉnh lý, hoàn thiện trên cơ sở kết quả Tọa đàm, góp phần thúc đẩy việc nhận bảo đảm bằng động sản, nhất là trong bối cảnh thị trường bất động sản hiện vẫn chưa thực sự khởi sắc và các doanh nghiệp của Việt Nam đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ, với tài sản chủ yếu vẫn là động sản./.

Nguyễn Thị Hoa - Cục Đăng ký GDBĐ