Bộ Tư pháp tiếp nhận nhiệm vụ cơ quan đầu mối quốc gia thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị

28/10/2013
Bộ Tư pháp tiếp nhận nhiệm vụ cơ quan đầu mối quốc gia thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển giao nhiệm vụ cơ quan đầu mối quốc gia thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (Công ước ICCPR) từ Bộ Ngoại giao sang Bộ Tư pháp, vừa qua, tại trụ sở của Bộ Ngoại giao, Bộ Ngoại giao và Bộ Tư pháp đã tiến hành Lễ bàn giao các công việc liên quan đến Công ước ICCPR.

Công ước ICCPR là một trong những điều ước quốc tế quan trọng nhất về quyền con người đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua theo Nghị quyết số 2200A (XXI) ngày 16/2/1966 và có hiệu lực ngày 23/3/1976. Tầm quan trọng và ý nghĩa của Công ước ICCPR được thể hiện ở việc cho đến nay đã có 167 quốc gia trên tổng số 193 quốc gia thành viên của Liên hợp quốc là thành viên của Công ước này. Công ước ICCPR có phạm vi điều chỉnh các quyền dân sự, chính trị, một trong những chủ đề được cộng đồng quốc tế quan tâm, đồng thời cũng là một trong những mục tiêu và ưu tiên trong chính sách đối ngoại của các nước lớn trên thế giới. Đối với Việt Nam, việc đảm bảo và phát huy các quyền dân sự, chính trị được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Quyền dân sự, chính trị của người dân đã được ghi nhận và đảm bảo trong Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung 2001) và được cụ thể hóa trong các văn bản luật như: Luật Bầu cử đại biểu quốc hội, Luật Báo chí, Luật Quốc tịch, Bộ luật Tố tụng Hình sự,…

Kể từ khi tham gia Công ước ICCPR ngày 24/9/1982, Bộ Ngoại giao là cơ quan được giao làm đầu mối thực hiện Công ước này. Tính đến nay, Bộ Ngoại giao đã chủ trì xây dựng được 02 Báo cáo quốc gia thực thi Công ước ICCPR. Báo cáo cuối cùng mà Bộ Ngoại giao chủ trì xây dựng là vào năm 2001. Với việc chuyển giao nhiệm vụ cơ quan đầu mối quốc gia thực thi Công ước ICCPR và chủ trì xây dựng Báo cáo quốc gia định kỳ thực thi Công ước này từ Bộ Ngoại giao sang Bộ Tư pháp, trong thời gian tới, việc triển khai thực thi Công ước ICCPR tại Việt Nam sẽ đi vào chuyên sâu, liên quan đến việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế chính sách thực hiện, các vấn đề mang tính kỹ thuật và chuyên ngành như tập trung vào công tác nội luật hóa (là một nghĩa vụ chính và xuyên suốt) các quy định của Công ước ICCPR, tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức của các tầng lớp chính trị, nhân dân về các quyền dân sự, chính trị để tạo tiền đề cho công tác thể chế hóa các quyền này, kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao năng lực cán bộ, đẩy mạnh việc nghiên cứu và hợp tác quốc tế nhằm triển khai có hiệu quả Công ước ICCPR…Việc triển khai thực thi Công ước ICCPR trong thời gian tới nhằm tiếp tục thể chế hóa và cụ thể hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước về quyền con người, bảo đảm và phát huy tốt hơn quyền con người trên cơ sở phù hợp với các quy định của Công ước ICCPR và điều kiện chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội của Việt Nam.

Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp